Tại Trung tâm Thận, Tiết niệu và Lọc máu (Bệnh viện Bạch Mai), mỗi ngày tiếp nhận từ 30 đến 40 bệnh nhân mới, trong đó có không ít người trẻ tuổi đang điều trị nội trú vì suy thận mạn tính. Đáng lo ngại hơn, phần lớn trong số này được chẩn đoán viêm cầu thận mạn tính - nguyên nhân hàng đầu dẫn đến bệnh thận mạn giai đoạn cuối, buộc phải điều trị thay thế bằng lọc máu chu kỳ hoặc ghép thận.
Bệnh thường tiến triển âm thầm, không có triệu chứng rõ ràng ở giai đoạn đầu. Khi xuất hiện các dấu hiệu như phù nề, mệt mỏi kéo dài, tiểu đêm nhiều, nước tiểu có bọt… thì thường đã ở giai đoạn muộn. Việc phát hiện và can thiệp sớm do đó gặp nhiều khó khăn.

Ngày càng nhiều người trẻ mắc bệnh thận. (Hình minh họa).
Sức khỏe thận có thể bị tổn thương nghiêm trọng bởi những thói quen tưởng như vô hại - đặc biệt là từ chính các loại đồ uống được tiêu thụ hằng ngày. Dưới đây là 5 loại thức uống phổ biến nhưng tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại cho thận, đặc biệt ở giới trẻ.
Cảnh báo 5 thức uống quen thuộc đang âm thầm làm hại thận
1. Nước ngọt có gas
Nhiều loại nước ngọt, đặc biệt là soda màu đen, chứa axit photphoric - chất tạo vị chua, nhưng lại có liên quan đến nguy cơ sỏi thận và tổn thương nhu mô thận.
Một nghiên cứu đăng trên Tạp chí Clinical Journal of the American Society of Nephrology (CJASN) năm 2007 cho thấy, tiêu thụ nhiều nước ngọt có gas làm tăng nguy cơ mắc bệnh thận mạn tính, đặc biệt là ở nữ giới. Ngoài ra, lượng đường và chất tạo ngọt nhân tạo trong soda cũng có thể gây tăng đường huyết, áp lực thẩm thấu – yếu tố nguy cơ làm suy giảm chức năng thận.
Giải pháp: Nước lọc, nước pha lát dưa chuột, chanh hoặc nước dừa là lựa chọn tốt hơn cho thận.
2. Rượu bia
Rượu bia có thể làm suy giảm khả năng điều hòa thể dịch và điện giải của cơ thể. Một nghiên cứu năm 2019 công bố trên Tạp chí Alcohol Research: Current Reviews cho thấy tiêu thụ rượu thường xuyên có thể gây tăng huyết áp, làm mất nước và gây viêm các vi mạch thận, lâu dài dẫn tới suy thận.
Giải pháp: Trà thảo mộc như trà bồ công anh hoặc trà hạt rau mùi có tác dụng lợi tiểu nhẹ, hỗ trợ giải độc gan thận khi sử dụng điều độ.

Hình minh họa.
3. Đồ uống tăng lực
Các loại nước tăng lực chứa caffeine với hàm lượng cao gấp 2-3 lần cà phê thông thường, cùng với đường và chất kích thích như taurine. Nghiên cứu trên Tạp chí Frontiers in Public Health năm 2021 đã cảnh báo: Tiêu thụ nước tăng lực kéo dài gây ảnh hưởng đến huyết áp, chức năng lọc cầu thận và làm tăng nguy cơ tổn thương ống thận.
Giải pháp: Một tách trà xanh hoặc matcha không đường vào buổi sáng giúp tỉnh táo mà không gây áp lực lên hệ bài tiết.
4. Đồ uống thể thao
Thường được dùng sai mục đích. Các loại đồ uống này thường chứa lượng đường, natri và kali khá cao - vượt quá nhu cầu hằng ngày nếu không có hoạt động thể chất mạnh. Việc dư natri và kali có thể làm tăng gánh nặng lọc cho thận, đặc biệt là ở người có nguy cơ bệnh thận mạn.
Giải pháp: Nước lọc thêm chanh và muối biển tự nhiên hoặc nước dừa là lựa chọn thay thế an toàn hơn.
5. Nước trái cây đóng chai
Theo phân tích từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), nhiều sản phẩm nước trái cây công nghiệp chứa ít hơn 10% nước ép thật, phần lớn là đường bổ sung và hương liệu nhân tạo. Các chất tạo ngọt như sucralose hay aspartame có thể ảnh hưởng đến vi khuẩn đường ruột và tăng nguy cơ kháng insulin - yếu tố gián tiếp ảnh hưởng đến chức năng thận.

Giải pháp: Ưu tiên nước ép nguyên chất tự làm tại nhà, không thêm đường. Tốt hơn nữa là ăn trái cây nguyên quả để giữ trọn chất xơ và chống oxy hóa.