Khi xem phim Sex Education, tôi đã rất ấn tượng với nhiều câu thoại của cậu bé nam chính Otis Milburn. Một lần, Otis từng nói với cô bạn Maeve mà mình thầm mến: "Rồi sẽ có ngày, cậu gặp được người trân trọng cậu vì chính con người cậu. Thế giới có tới bảy tỷ người, tớ tin rằng sẽ có một người sẵn sàng trèo lên cả mặt trăng vì cậu".
Khi nghe câu thoại này, tôi cảm thấy nó thật lãng mạn và đáng yêu. Nhưng rồi nó lại khiến tôi chợt nhớ đến một câu chuyện của nhà hàng xóm - một câu chuyện cười ra nước mắt! Hai tuần trước, chị H., hàng xóm sát vách, rất thân thiết với nhà tôi sang nhà tâm sự về chuyện con gái chị.
Con chị tên Th. thầm mến một nam sinh cùng lớp tên M. nhưng cậu này không thích lại. Th. vẫn rất thích M. và còn làm mọi cách để gây ấn tượng, lấy lòng M. Thời gian trước, chị H. thấy con tiêu tiền rất nhanh. Gia đình chị H. có điều kiện nên cho con tiền tiêu vặt cũng nhiều. Th. cũng thường không tiêu hết và hay để tiết kiệm, có lúc con trích tiền ra mua quà tặng bố mẹ.
Lén tìm hiểu, chị mới tá hỏa phát hiện, con thường xuyên mua quà lấy lòng cậu bạn M., thậm chí còn cho M. vay đến 2 triệu - một số tiền lớn với học sinh lớp 10.
"Có ai ngờ con mình lại đi lấy lòng trai như thế", chị H. cười mếu kể lại với tôi.
Ngẫm nghĩ lại, thì không chỉ nói riêng Th., trong cuộc sống tôi từng gặp rất nhiều người khi thích ai đó thường rất mù quáng, cố gắng lấy lòng người khác. Có những mối quan hệ yêu đương mà một người "dưới cơ" hẳn người còn lại. Tôi cho rằng, những người này thường chưa được cha mẹ giáo dục về giá trị bản thân, dẫn đến việc nhiều khi trở nên hèn kém trước người khác trong một mối quan hệ.
Chính vì vậy, dù có con trai hay con gái, hãy luôn dạy các con:
Giúp con hiểu và trân trọng giá trị bản thân
Một trong những điều quý giá nhất cha mẹ có thể trao cho con là cảm giác "con là đủ" – đủ tốt, đủ quan trọng và đủ đáng yêu thương. Hãy tránh so sánh con với người khác; tôn trọng cá tính riêng, dù con khác biệt; động viên con tự tin thể hiện chính mình, không cần sống theo kỳ vọng của người khác.
Khi một đứa trẻ tin vào giá trị của mình, các mối quan hệ trong tương lai của con cũng sẽ lành mạnh hơn.
Đừng né tránh, hãy trò chuyện cởi mở về cảm xúc và tình cảm
Tình cảm tuổi teen không phải là điều cần né tránh hay cấm đoán. Ngược lại, đó là cơ hội để con học cách yêu thương đúng cách, biết tự bảo vệ mình khỏi những tổn thương không đáng có. Đồng thời phát triển khả năng kết nối, đồng cảm và thấu hiểu người khác.
Cha mẹ nên tạo môi trường an toàn để con chia sẻ cảm xúc, thay vì chỉ phản ứng bằng lo lắng, la mắng hay cấm đoán.
Dạy con phân biệt giữa tình cảm lành mạnh và sự lệ thuộc
Yêu không có nghĩa là phải đánh mất bản thân. Trẻ cần được hướng dẫn để hiểu rằng: Một mối quan hệ tốt là nơi con được là chính mình. Không ai nên thay đổi bản chất để "vừa mắt" người khác. Yêu thương không đồng nghĩa với hi sinh bản thân một cách mù quáng.
Cha mẹ có thể chia sẻ những câu chuyện, ví dụ gần gũi để con hiểu rõ ranh giới giữa tình yêu chân thành và sự lệ thuộc cảm xúc.
Trao cho con niềm tin và sự kiên nhẫn
Không phải ai cũng tìm được những mối quan hệ đúng đắn ngay từ lần đầu tiên. Con sẽ vấp ngã, tổn thương, và đó là điều rất bình thường. Thay vì hoảng sợ hay can thiệp quá mức, cha mẹ có thể: Ở bên, lắng nghe và làm điểm tựa tinh thần khi con cần. Gieo cho con niềm tin rằng một mối quan hệ tốt đẹp là có thể – chỉ cần con không đánh mất chính mình.
Dạy con kiên nhẫn: Yêu thương là hành trình dài, không cần vội vã.
Một đứa trẻ lớn lên trong tình yêu thương, sự công nhận và hướng dẫn đúng đắn sẽ không chỉ biết cách yêu người khác, mà còn biết tự yêu và trân trọng chính mình.
Vai trò của cha mẹ không phải là lái con đi theo hướng mình muốn, mà là trao cho con chiếc la bàn để tự định hướng trong hành trình cảm xúc – với lòng tin, sự vững vàng và niềm vui được là chính mình.