Ngọt bùi, mềm mịn và thơm lừng là những gì người ta miêu tả về khoai lang. Nhưng dù ăn khoai lang nhiều lần, bạn vẫn chưa chắc hiểu hết được tác dụng của nó đối với sức khỏe.
Theo Đông y, khoai lang có nhiều tên như cam thử, phiên chử. Củ khoai tính bình, ngọt, có tác dụng bồi bổ cơ thể, ích khí, cường thận, kiện vị, tiêu viêm, thanh can, lợi mật, sáng mắt. Nhiều người còn tận dụng khoai lang để giảm cân, trị bệnh vàng da, ung nhọt, viêm tuyến vú…
Ước tính, trong một củ khoai lang có chứa 26g tinh bột ( bằng 1/2 lượng tinh bột trong khoai tây và 1/3 tinh bột có trong cơm trắng), 3.9g chất xơ, 18,443 IU vitamin A, 3mg vitamin C, 0.3mg vitamin B6, 438mg kali, 32mg magie, 39mg calcium... và gần như không chứa chất béo.
Tác dụng của khoai lang đối với sức khỏe
- Chống ung thư: Các loại khoai lang khác nhau cung cấp các chất chống ô xy hóa khác nhau như anthocyanin giúp bảo vệ chống lại một số loại ung thư. Theo Medical Daily, anthocyanin có nhiều trong khoai lang tím, có tác dụng làm chậm sự phát triển của một số loại tế bào ung thư, bao gồm cả những loại ung thư ruột kết và ung thư vú.
- Thị lực tốt: Do khoai lang rất giàu beta-carotene, hợp chất từ thực vật mà cơ thể chuyển đổi thành vitamin A nên rất tốt cho mắt.
- Cải thiện chức năng não: Các anthocyanin trong khoai lang tím có thể bảo vệ não bằng cách giảm viêm và ngăn ngừa tổn thương gốc tự do như được thể hiện trong các nghiên cứu trên động vật.
- Sống thọ hơn: Theo các nhà nghiên cứu phương Tây, bí quyết để người dân Okinawa (Nhật Bản) có tuổi thọ cao nhất thế giới đó là chế độ ăn giàu khoai lang tím.
Thời điểm tốt nhất để ăn khoai lang trong ngày là vào buổi sáng, nó sẽ giúp bổ sung năng lượng cho ngày mới, giúp làm đẹp da và ngăn ngừa ung thư, tim mạch, đột quỵ…
Dù khoai lang được coi là món ăn rất tốt cho sức khỏe, thế nhưng không phải ai ăn cũng tốt. Theo lương y đa khoa Bùi Đắc Sáng (Viện hàn lâm KH&CN Việt Nam, Hội Đông y Hà Nội), người xưa đã đúc kết rằng ăn nhiều khoai lang có thể gây nóng trong, từ đó tác động không tốt đến đường tiêu hóa, dạ dày, gây khó chịu ở người, chính vì vậy có một số nhóm người cần hạn chế ăn khoai lang.
Cụ thể như sau:
Đối tượng không nên ăn khoai lang
1. Người đang đói
Vì trong củ khoai lang có chứa nhiều đường nên nếu ăn nhiều lúc đói sẽ làm tăng tiết dịch vị, gây nóng ruột, ợ nóng, sinh hơi trướng bụng. Để tránh tình trạng này, bạn nên nấu, luộc hoặc nướng khoai thật chín để phá hủy chất men. Nếu bị đầy bụng, có thể uống nước gừng để chữa. Không nên ăn khoai lang khi đói.
2. Người bị bệnh thận
Khi thận yếu, chức năng loại bỏ kali dư thừa bị yếu đi. Trong khi đó, khoai lang lại chứa nhiều kali, chất xơ, vitamin A… ăn quá nhiều khoai lang có thể gián tiếp gây ra cho người bệnh thận những tác hại nguy hiểm như rối loạn nhịp tim, yếu tim.
3. Người có hệ tiêu hóa không tốt
Nếu có hệ tiêu khóa không tốt, biểu hiện là thường xuyên bị đầy hơi, trướng bụng thì bạn không nên ăn khoai lang vì khi ăn sẽ làm tăng tiết dịch vị, gây nóng ruột, ợ chua, trướng bụng.
4. Người có bệnh về dạ dày
Người mắc các bệnh liên quan đến dạ dày, viêm loét dạ dày, bệnh nhân viêm dạ dày mãn tính dù thèm cũng không nên ăn khoai lang vì có thể làm cho tình trạng bệnh trở nên tồi tệ hơn.