Cuộc chia ly bất ngờ và 1.000 điều ân hận chưa kịp làm cho bố
Đó là lời tâm sự của Trịnh Bảo Yến, 25 tuổi, hiện đang sinh sống tại Hà Nội. Yến từng đã tưởng tượng ra cảnh bố tóc bạc, già, lẫn, bị bệnh người già và vào viện. Yến cũng đã nghĩ đến ngày chăm sóc lúc bố khi về già. Ai ngờ bố trở bệnh ở tuổi 64 tuổi, các con vẫn nghĩ bố vào viện rồi sẽ về ngay thôi, nhưng chỉ sau vài tuần tóc bố dù vẫn còn "xanh" nhưng ông đã ra đi. Khi bố mất, Yến 6 tháng vẫn như người nằm mơ…
Nhiều lúc ngủ dậy, tôi quên mất bố mình đã không còn. Chưa bao giờ tôi nghĩ mình chính là cô dâu sau này trong đám cưới bị khuyết bố hay mẹ, vì thỉnh thoảng đi đám cưới thấy có đám thiếu đi bố hoặc mẹ cô dâu, chú rể mà nghĩ thương thế. Ai dè rồi một ngày chính là tôi sẽ như thế…
Tôi có 1.000 điều ân hận, chưa làm được cho bố, nhưng giờ đã quá muộn rồi.
- Trước khi bố đột ngột mất, tôi nghĩ Tết dương năm nay cả gia đình sẽ thuê thợ ảnh chụp tấm ảnh gia đình xịn sò như "nhà người ta", việc trước đây gia đình tôi vẫn hơi xuề xòa. Đúng gần Tết tìm được một bạn chụp ưng, đã hẹn bạn ấy, thì ai ngờ bố tôi không qua nổi Tết dương. Tôi trách mình sao không nghĩ ra từ những năm trước nữa…
- Mùa đông vừa rồi tôi tìm mua được chiếc chăn bông rất ấm. Tôi đặt mua liền 1 chiếc nữa định xách về quê cho bố đắp qua mùa đông năm nay. Lúc mua còn chợt nghĩ hồi bé đọc truyện "Quạt nồng ấp lạnh" mà trăn trở sao mình không làm được vậy nhỉ, trong khi đông ngày càng lạnh hơn. Có cái chăn này là khỏi lăn tăn nữa, bố mẹ tha hồ ấm. Tôi chọn chiếc chăn nâu màu bố tôi thích. Lúc hồ hởi xách được về đến nhà thì bố trở bệnh vào viện nằm luôn. Ngày bố về nhà đắp chăn tôi mua cũng là ngày bố tôi không bao giờ tỉnh lại nữa. Bố đắp chăn tôi mua lần đầu cũng là lần cuối, lúc ông không còn cảm nhận được nó ấm thế nào. Tôi tự trách mình sao không tìm ra sớm hơn, không về nhà sớm hơn.
- Tôi trong năm vừa rồi học một lớp massage. Tôi vừa học vừa nghĩ đến bố. Bố tôi hay kêu đau mỏi lưng, mỏi người vì ông làm mộc rất vất vả. Việc đấm lưng cho bố tôi làm từ những ngày bé, bố rất thích, gọi là con gái rượu. Nhưng càng lớn tôi càng quên mất bố rất thích được con gái đấm lưng cho. Bố thì thấy tôi lớn quá, bận quá, học xa nhà về được 1 - 2 ngày bao nhiêu kế hoạch nên bố không dám nhờ việc gì. Tôi đến năm vừa rồi mới sực nhớ bố già rồi, bố thích được đấm bóp, mới đi học massage. Nhưng từ đầu năm đến cuối năm không đấm lưng cho bố lần nào, vì tôi cầu toàn, tôi "đợi" học cho hoàn hảo rồi tôi mới làm cho bố. Vì tôi xấu hổ.
Đã lâu rồi không đề xuất đấm lưng cho bố, giờ mở mồm tôi ngại. Nhưng nói yêu thương những người không phải máu mủ thì tôi rất tự nhiên. Kết quả lần tôi đấm bóp cho bố đầu tiên sau nhiều năm quên bẵng cũng là lần cuối cùng hai bố con tỉnh táo gặp nhau. Tôi rưng rưng vì chân tay bố gầy quá so với bố của ngày xưa tôi biết. Tôi trách mình sao không làm mọi thứ hồn nhiên như xưa, sao lại cầu toàn, sao lại xấu hổ. Sau lần ấy tôi lên lại Hà Nội, mẹ kể con gái Yến bóp vai đấm lưng bố khen thích lắm mà tê tái cả người.
Tôi tiếc sao mình càng lớn càng như người ngủ quên. Quên chính những gì gần gũi quý giá nhất với mình.
- Cũng một "lần đầu" sau nhiều năm quên bẵng khác, là tôi pha sữa cho bố. Vẫn là việc ngày bé tôi làm quá nhiều, quá quen. Bố rất ưng những gì tôi nấu, tôi pha, tôi mua cho ông. Nhưng cứ thế, càng lớn tôi càng quên mất bố. Từ ngày đi học đi làm xa nhiều việc, nhiều bạn, nhiều kế hoạch. Mỗi lần về nhà tôi chỉ cùng bố mẹ ăn cơm, nói vài câu chuyện là nhanh chóng đi gặp bạn bè. Lần cuối tôi pha cho ông cốc sữa là khi bố đã hôn mê, sữa phải bơm thẳng vào dạ dày, chẳng còn biết ngon ngọt là gì nữa. Tôi tiếc sao mình càng lớn càng như người ngủ quên. Quên chính những gì gần gũi quý giá nhất với mình.
Có rất nhiều tiếc nuối, nhưng lạ một cái đó đều là tiếc vì đã không làm cho bố những việc thật nhỏ. Trong khi bao năm qua học hành đi làm, tôi chỉ chăm chăm nghĩ toàn những thứ xa vời vĩ mô, nghĩ phải "giàu", phải "thành công" thì bố mẹ vui, mỗi tháng cố gắng gửi tiền về đỡ đần bố mẹ trước, những cái khác tính sau, quan trọng nhất lúc này là ổn định cuộc sống... Bây giờ tôi mới biết giàu và thành công là những thứ quá xa vời, cũng quá trừu tượng. Bố mẹ không đợi được đến ngày ấy. Giá mà tôi nhận ra sớm hơn để gần gũi chăm sóc được bố mẹ ngày nào hay ngày ấy, để bây giờ không phải tiếc nuối gì.
Tôi nghĩ nhiều người khác cũng như tôi. Luôn nghĩ mình có nhiều thời gian, luôn nghĩ bố mẹ sẽ chờ mình, cho mình cơ hội. Vì bao năm qua bố mẹ luôn như thế, nên mình xem việc đó là hiển nhiên. Cuộc sống bình lặng làm mình quên mất tính vô thường của nó. Để lúc đột ngột người thân đi mất mình mới choáng váng chông chênh. Tôi luôn nghĩ sau này đầy đủ có điều kiện hơn sẽ bù đắp cho bố mẹ, mà không biết "sau này" là thứ cực kỳ xa vời...
Nỗi lo sợ của người mẹ già mắc bệnh ung thư sống một mình
Trong một căn hộ tại khu HH Linh Đàm, bác Vũ T. C, 72 tuổi, đang ngồi ăn cơm một mình - khác hẳn với những hình ảnh sôi động vui khỏe của nhiều bác cao tuổi khác tại đây, là thái cực quyền, là khiêu vũ… Bác C. cười khổ bảo vì đau người, đau tay và bạo bệnh ung thư nên chẳng vui khỏe được như các bạn già đồng niên...
Bác C. kể mình có 2 người con, một ở thành phố, một sống ở quê, nhưng bác chọn ở một mình vì muốn được yên tĩnh. Trước bác ở cùng đứa cháu nhưng cháu nó đi lấy chồng nên giờ bác chỉ còn lại một mình, tự xoay xở trong căn phòng rộng: tự nấu cơm, tự lo lắng mọi sinh hoạt, tự đi khám bệnh, đi xạ trị, tự đo huyết áp, buồn nôn lấy chậu đi nôn rồi lại tự dọn dẹp...
"Bác bị bệnh ung thư, tay sưng to vì bệnh tắc tĩnh mạch, huyết áp có lúc lên có lúc xuống. Bác cũng sợ lắm con ạ. Buổi tối bác để thuốc sẵn trong giường, để luôn cả cốc nước để lúc nào cảm thấy không ổn có thể lấy ngay mà uống được. Bác cũng lo sợ, có nhiều khi không yên tâm mà ngủ nữa, ví dụ có người đến, có chị có em thì cũng yên tâm mà ngủ, ít lo âu hơn. Nhưng...", bác C. kể câu chuyện hằng ngày của mình như thế bằng ánh mắt mênh mang mơ hồ.
Nhiều người trẻ không thích sống với người già vì những bất đồng thế hệ, vì họ hay can thiệp vào cuộc sống của giới trẻ. Nhưng khi xưa mẹ chăm bẵm thức đêm, mất ngủ lo lắng từng cơn sốt của con, với tất cả mọi vui buồn hôm sớm mẹ đều nghĩ cho giọt máu của mình. Đến khi về già, đặc biệt lúc bệnh tật cần sự cậy nhờ của con thì chẳng thể nói thích hay không mà từ chối.
Dù bác C. nói rằng đây là sự lựa chọn của mình, vì trẻ con đôi lúc ồn ã làm cho bác đau đầu, nên bác chọn ở 1 mình để yên tâm chữa bệnh; bác cũng chẳng một lời hờn trách con cái; bác vẫn khen con hiếu thảo, vẫn muốn mẹ ở cạnh để chăm sóc, nhưng nhìn thực tế cảnh mẹ già bệnh tật đơn độc một mình tự lo lắng cho chính mình thì vẫn không khỏi xót xa.
Ngoài bệnh ung thư, bác C. cũng bị tắc tĩnh mạch, cánh tay phải sưng phồng, đau nhức. Nhưng bác cũng không dám đi mổ vì bác sĩ nói tỷ lệ thành công chỉ là 50 - 50, giờ bác già rồi, mổ mạch này có khi vỡ mạch kia. Hơn nữa, bác cũng còn thêm bệnh nữa là van tim hở 3 lá nên không đủ sức khỏe để mổ. Bác C. có nói đến một chiếc máy bác đang định tìm mua để ở nhà tự tập tay, coi như một giải pháp tình thế.
"Nhà ở thành phố, sống 1 mình cũng nhiều lo âu, nhiều lúc bác cũng sợ bị thế nào không ai biết, rồi đến lúc không tỉnh dậy nữa cũng chẳng ai hay. Nhưng bác lại tự nhủ không được nghĩ thế, "sống chết có số" nên bác vượt qua mọi khó khăn để sống một mình. Lắm lúc tụt huyết áp, trong đêm bác buồn nôn, xong rồi phải cố dậy lấy chậu, rồi tự dọn, tự làm mọi việc cũng thấy tủi thân. Lúc đó bác chỉ nghĩ mình phải cố gắng thôi. Lần sau, bác để sẵn gừng bên cạnh xong uống hớp nước cho tỉnh", vẫn mạch câu chuyện về sống một mình bác C. như có cơ hội để trải lòng.
Tuy thế, bác vẫn một mực: "Con cái bác tốt lắm, các anh chị vẫn bảo bác về sống cùng. Các con bác thấy bác cần gì là cũng lo lắng cho ngay và cũng không để bác thiếu thốn về tiền bạc. Bác không nghĩ mình cô đơn đâu, chẳng qua là bác chọn sống ở đây thôi. Nhiều lúc con dâu cũng bảo mẹ về ở cùng, nhưng mà chúng nó thì đi làm cả ngày, các cháu thì đi học, bác vẫn ở một mình thôi, con cháu cũng đều bận cả, nên là bác ở đây thôi".
Chẳng có một lời hờn trách con cái nào của mẹ già nhưng vẫn thấy thương. Khi hỏi về những lần đi khám bệnh, đi điều trị bệnh một mình, bác C. tâm sự: "Mỗi lần đi khám bệnh nhưng bác bị nặng tai, nhiều lúc bác sĩ nói không nghe ra, bác sĩ lại quát: "Bà này, con cháu đâu, sao lại đi một mình?". Bác phải nói dối là tôi đẻ được đứa con không khôn ngoan, nó cũng có bệnh của nó, nên bác sĩ thông cảm. Thôi thì bác còn cố được thì bác cứ tự đi, chứ lôi các anh chị đi cũng mất việc của các con lắm". Bác C. còn nói thêm: "Chứ bảo các anh chị đưa đi, các con bác vẫn đưa đi khám được".
Dịp Vu Lan sắp tới, nói về món quà mong muốn nhận được từ con mình, bác C. bày tỏ: "Thực ra bác chưa bao giờ trách con cái mình, các anh chị vẫn chăm sóc bác. Nhưng bác cũng mong con hiểu mẹ hơn, quan tâm hơn chút nữa và thông cảm với bệnh tật của người già. Mẹ tuổi cao chỉ mong con cháu hiểu, lúc sống thế này chỉ mong con cháu quan tâm hơn một chút nữa. Tuổi già cuối đời cũng chỉ mong thế thôi".