Sáng 18/8, trường ĐH Sư phạm Hà Nội đã công bố điểm chuẩn năm 2024 theo phương thức lấy kết quả thi THPT QG. Điểm chuẩn trường này dao động 22 – 29,3 điểm. Ngành Sư phạm Ngữ văn là 1 trong 2 ngành lấy mức điểm cao nhất trường và cũng cao nhất trong số các trường đã công bố, trung bình thí sinh cần 9,76 điểm/môn mới đỗ.

Mức điểm này tăng 2,2-2,9 điểm so với điểm chuẩn năm 2023. Đáng chú ý, điểm chuẩn 29,3 điểm áp dụng chung với 2 tổ hợp C00 (Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý) và D01, D02, D03 (Toán, Ngữ Văn, Tiếng Anh/Tiếng Nga/Tiếng Pháp).

Trong khi đó thủ khoa D01 năm nay đạt tổng điểm 28,75 điểm, vậy nên ngành Sư phạm Ngữ văn được nhận định rất "khó thở" nếu thí sinh xét tổ hợp D01 không điểm cộng ưu tiên hay khuyến khích.

1 ngành học lấy điểm chuẩn cực


Theo đề án tuyển sinh, trường ĐH Sư phạm Hà Nội lấy 45 chỉ tiêu cho tổ hợp C00, 35 chỉ tiêu với tổ hợp khối D, tổng cộng 80 chỉ tiêu cho phương thức lấy kết quả thi THPT. Lượng chỉ tiêu ở phương thức này này giảm 50 thí sinh so với năm 2023 (130 chỉ tiêu) và 110 thí sinh so với năm 2022 (190 chỉ tiêu). Đây cũng là 1 trong những yếu tố đẩy điểm chuẩn thi THPT QG của ngành Sư phạm Ngữ văn tăng mạnh so với các năm trước.

Chia sẻ với truyền thông trước đó, đại diện trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho biết điểm chuẩn năm nay trường sẽ tăng do có đến 40.000 nguyện vọng đăng ký trong khi trường chỉ lấy 4.400 chỉ tiêu.

photo-1723975704411


Không chỉ có mức điểm cao chót vót tại trường ĐH Sư phạm Hà Nội, Sư phạm Ngữ Văn còn chứng tỏ sức hút khi là ngành có điểm chuẩn cao nhất trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 (28,83 điểm).

Sư phạm Ngữ Văn ghi nhận mức điểm 28,56 điểm tại Trường ĐH Sư phạm – ĐH Thái Nguyên, 28,46 điểm ở Trường ĐH Vinh, 28,1 điểm ở Trường ĐH Sư phạm – ĐH Huế. Tại Trường ĐH Giáo dục – ĐH Quốc gia Hà Nội, ngành Sư phạm Ngữ văn, Lịch sử, Lịch sử và Địa lý lấy 28,76 điểm.

photo-1723976997173


Sức hút ngành Sư phạm Ngữ văn

Theo thông tin trên website trường ĐH Sư phạm Hà Nội, ngành Sư phạm Ngữ văn phù hợp với các sinh viên có mong muốn trở thành giáo viên Ngữ văn ở các trường THCS, THPT; giảng viên Ngữ văn ở các trường cao đẳng, đại học; đồng thời làm các công việc liên quan đến thực hành, nghiên cứu văn học và ngôn ngữ tại các sở, vụ, viện, cơ quan văn hóa, xuất bản, báo chí, truyển thông.

Một trong những lý do nhiều thí sinh chia sẻ khi lựa chọn ngành Sư phạm nói chung, Sư phạm Ngữ văn nói riêng chính là chính sách hỗ trợ sinh viên tiền học phí, chi phí sinh hoạt. Theo quy định của Nghị định 116/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ sinh viên sư phạm (nếu đăng ký hưởng trợ cấp) sẽ được hỗ trợ tiền đóng học phí bằng mức thu học phí theo quy định của trường và được hỗ trợ 3,63 triệu đồng/tháng để chi trả chi phí sinh hoạt trong thời gian học tập tại trường.

Thời gian hỗ trợ chi phí sinh hoạt được xác định theo số tháng thực tế học tập tại trường theo quy định, nhưng không quá 10 tháng/năm học. Mức hỗ trợ tiền đóng học phí theo số tín chỉ sinh viên đăng ký trong từng kỳ học.

photo-1723975826099


Trong khi đó theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm học 2022-2023 cả nước thiếu 118.253 giáo viên các cấp, cho thấy ngành Sư phạm nói chung vẫn đang "khát" nhân lực và có triển vọng nghề nghiệp.

Báo cáo Về tình hình việc làm sinh viên sau tốt nghiệp trong 3 năm 2022, 2021 và 2020 của ĐH Sư phạm Hà Nội cho thấy tỷ lệ 93,15%, 94,23% và 94,6% sinh viên tốt nghiệp ngành Sư phạm Ngữ văn có việc làm trên tổng số sinh viên phản hồi với Nhà trường.

Tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp ngành Sư phạm Ngữ văn có việc làm của Trường ĐH Giáo dục – ĐH Quốc gia Hà Nội năm 2022 đạt 95,24%, năm 2021 là 94,9% và năm 2020 là 94,7%.