Trái đất và thế giới tự nhiên đang gặp nguy hiểm - đây không phải là một vấn đề mới. Các quốc gia vốn đã ý thức được điều này, và từng bước tiến hành những biện pháp nhằm ngăn chặn các thảm kịch có khả năng xảy ra với thế giới của chúng ta.

Tuy nhiên hiệu quả của nó đến đâu? Trong buổi họp báo vào ngày 15/9, Liên hợp Quốc (UN) đã tiết lộ một sự thật đáng buồn: toàn bộ số mục tiêu mà nhân loại đặt ra 10 năm trước để bảo vệ Trái đất, tất cả đều... không đạt được. 

Trên thực tế thì theo đánh giá mới của Quỹ Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (WWF), kể từ năm 1970 đến nay đã có tới 70% thế giới tự nhiên - bao gồm các loài thú, chim, cá... biến mất. Vào năm 2019, báo cáo IPBES (Đánh giá Toàn cầu về Đa dạng sinh học và Dịch vụ Hệ sinh thái) của UN đã cảnh báo rằng ít nhất 1 triệu loài vật có thể đang đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng vì các hoạt động của con người - thứ vốn đã xâm thực 3/4 quỹ đất đang có của Trái đất. 

 - Ảnh 1.

Năm 2010, 190 nước thành viên của Hội nghị Đa dạng Sinh học UN đã cam kết tuân thủ kế hoạch nhằm giảm thiểu tổn hại từ con người đối với thế giới tự nhiên, với thời hạn kéo dài 10 năm. Trong đó, nhân loại đưa ra 20 mục tiêu, bao gồm cả việc loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch, hạn chế xâm lấn môi trường tự nhiên, hoặc tìm hướng bảo vệ trữ lượng cá ngoài đại dương.

Có điều theo bản Báo cáo về Đa dạng sinh học Toàn cầu (GBO) do UN đưa ra vào ngày 15/9, thì nhân loại chẳng hoàn thành được bất kỳ hạng mục nào cả.

"Chúng ta vào lúc này đang hủy diệt mọi sự sống không phải con người một cách có hệ thống," - trích lời Anne Larigauderie, thư ký IPBES. 

Con người là sinh vật nguy hiểm bậc nhất

Đại dịch Covid-19 bất ngờ xảy ra đã làm cản trở 2 sự kiện lớn về đa dạng sinh học trong năm 2020: COP15 (Hội nghị về biến đổi khí hậu) và một hội nghị toàn cầu của IUCN. Cả hai sự kiện đều nhằm mục đích thúc đẩy nỗ lực bảo tồn thiên nhiên trên phạm vi toàn cầu, và giờ phải dời lại vào năm 2021.

Tuy nhiên theo Larigauderie, cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu mà Covid-19 gây ra nên được xem là lời cảnh tỉnh đầy nghiêm túc đối với nhân loại. "Cuộc khủng hoảng này có mọi thứ mà chúng ta cần thảo luận tại COP15 sẽ tổ chức ở Trung Quốc," - bà nhận định. 

 - Ảnh 2.

Elizabeth Maruma Mrema, thư ký điều hành của Công ước về Đa dạng sinh học cho biết, xã hội hiện nay đang dần nhận định được tầm quan trọng của thiên nhiên. 

"Covid-19 cho chúng ta thấy một bức tranh rất rõ ràng, rằng việc chặt phá rừng sẽ khiến con người tiếp cận gần với thiên nhiên hoang dã hơn, và nó gây ảnh hưởng đến cuộc sống của chính chúng ta." 

"Công chúng dần nhận ra rằng giống loài nguy hiểm nhất chính là chúng ta - nhân loại, và bản thân họ cần phải có sự đóng góp, như tạo ra áp lực khiến các ngành công nghiệp thay đổi." 

Những kế hoạch mới đã được đặt ra, với mục tiêu đảo ngược lại những tổn hại với thế giới tự nhiên vào năm 2030. Kế hoạch bao gồm việc thay đổi hệ thống nông nghiệp của thế giới, giảm thiểu lượng thực phẩm lãng phí cũng như mức tiêu thụ quá mức của nhân loại.

Hành tinh đang lâm nguy

Trên thực tế, bản báo cáo của UN cho biết đã có một vài nỗ lực được thực hiện để bảo vệ môi trường trong thập kỷ vừa qua. Chẳng hạn, tỉ lệ chặt phá rừng đã giảm xuống khoảng 1/3 so với thế kỷ trước đó. 

Trong 20 năm kể từ năm 2000, diện tích đất được bảo vệ đã tăng từ 10% lên 15%, và từ 3% lên 7% đối với đại dương. 

Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất lại nằm ở các khoản trợ cấp dành cho nhiên liệu hóa thạch trên thế giới, với ước tính giá trị lên tới 500 tỉ USD mỗi năm. Theo David Cooper, trưởng nhóm nghiên cứu đứng sau bản báo cáo GBO, có nhiều lý do đã ngăn cản chính phủ các nước cắt giảm hỗ trợ cho các ngành gây ô nhiễm.

 - Ảnh 3.

Nói về bản báo cáo của UN, Andy Purvis từ Bộ Khoa học Đời sống của Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên (Anh) cho biết chuyện nhân loại không hoàn thành toàn bộ 20 mục tiêu đặt ra quả thực là một tin sốc. 

"Chúng ta cần phải hiểu rằng hành tinh này đang trong tình trạng khẩn cấp," - ông chia sẻ. "Không chỉ các loài vật chết đi, mà hệ sinh thái sẽ bị hủy hoại nghiêm trọng, vượt quá sức chịu đựng của chính chúng ta."

Nguồn: Science Alert