"Xin hỏi các bố mẹ từ này đọc như thế nào ạ?" - Một phụ huynh ở An Giang đăng tải hình ảnh trang sách lớp 1 của con mình, đồng thời cho biết, chị không hiểu "công kênh" ở đây có nghĩa là gì.
Trong trang sách có thể thấy, phía trên từ "công kênh", người biên soạn có bổ sung thêm hình ảnh minh họa một người con đang vui vẻ ngồi vắt vẻo trên vai bố.
Nhiều phụ huynh chưa nghe "công kênh"
Từ ảnh minh họa, nhiều phụ huynh nhận ra, đây có thể là từ chỉ hành động bố cõng con. Tuy nhiên, không ít người cho biết, "công kênh" là từ khá lạ, họ còn chưa nghe, chưa dùng bao giờ. Một số ý kiến thắc mắc, liệu có phải nhóm biên soạn đang lẫn lộn giữa "công kênh" và "cồng kềnh".
Một phụ huynh nêu ý kiến: "Công kênh" nghe tựa như chênh vênh, nhưng mình chưa nghe hay sử dụng bao giờ luôn. Ví dụ "cồng kềnh" thì còn nghe nhiều và sử dụng nhiều, mình hay nói: Hàng hóa đồ đạc xếp cồng kềnh thế kia. 36 tuổi mà chưa nghe từ "công kênh" bao giờ, hôm nay mới nghe lần đầu".
Người mẹ này than thở: "Dạy lớp 1 bây giờ khó thật, nhiều khi con hỏi vài từ, mình phải tìm hiểu kỹ mới có thể trả lời con. Mới lớp 1 thôi con đã phải học những từ rất hóc búa".
Cũng có ý kiến nhận định, có thể tác giả sử dụng từ địa phương vì từ này rất lạ. Ở đây, "chông chênh" sẽ có lý hơn. Đồng thời cho rằng, việc các con được bổ sung thêm vốn từ là tốt, nhưng nếu dùng những từ quá đặc trưng của vùng miền sẽ không phù hợp để dạy cho học sinh mới bắt đầu làm quen, tập nói, tập viết chính xác.
"SGK dành cho trẻ lớp 1 phải sử dụng từ toàn dân, dễ hiểu nhưng có những từ ngữ đã sử dụng xa lạ đến người lớn cũng bó tay. Nếu ngữ liệu được dùng thuộc đặc trưng phát âm vùng miền, phải có từ ngữ để giải thích, chứ bảo trẻ con nhìn hình tự hiểu thì sau trẻ không có vốn từ, không biết cách giải thích lại. Không lẽ sau này con hỏi, mình cũng bảo con nhìn hình tự hiểu hay sao?", một phụ huynh nói.
"Công kênh" hay "cồng kềnh"?
Trên thực tế, "công kênh" không phải là từ dùng sai. Từ điển tiếng Việt 2008 của Trung tâm Từ điển học do Hoàng Phê chủ biên giảng "công kênh" là "mang người nào đó đi bằng cách để ngồi hoặc đứng trên vai". Chẳng hạn: Bố công kênh con trên vai. Quyển từ điển này có giảng kênh là "nâng một bên, một đầu vật nặng cho cao lên một chút".
Còn "công", theo học giả An Chi giải thích thì đây vốn là một từ gốc Hán, bắt nguồn ở một từ ghi bằng chữ [扛], mà âm Hán Việt hiện hành là giang, có nghĩa là "khiêng; nâng lên, nhấc lên". Như vậy là nó "cặp bồ" rất ăn ý với kênh để tạo nên một cấu trúc đẳng lập gồm hai từ đồng nghĩa.
Còn "cồng kềnh" là "đồ vật không gọn, choán nhiều chỗ và gây vướng víu" (Từ điển tiếng Việt 2008). Chẳng hạn: Hàng hóa chất cồng kềnh trên xe/Mang vác cồng kềnh. Kềnh được xác định là thuộc khẩu ngữ và nghĩa là "to hơn rất nhiều so với đồng loại". "Cồng" vốn là một từ Việt gốc Hán, bắt nguồn ở một từ ghi bằng chữ [洪] mà âm Hán Việt hiện hành là hồng, có nghĩa là “to lớn”.
Như vậy, "công kênh" và "cồng kềnh" là hai từ hoàn toàn khác nhau. Và "công kênh" trong sách giáo khoa tiếng Việt là một từ đúng.