10 bí quyết tiết kiệm này sẽ giúp bạn giàu sang từng ngày
Hạn chế thời gian mở ứng dụng thương mại điện tử, cụ thể hơn là hạn chế số lượng đơn hàng được mua trong tháng.
“Tiền đi đâu hết rồi?”, “Thật sự chẳng có mua gì nhưng vẫn hết tiền”... Đây chính là những câu nghi vấn tự dối lòng của nhiều người để che đậy sự thiếu nghị lực và quản lý tiền bạc trong cuộc sống.
Sống mà không biết tiết kiệm thì dù giàu sang đến mấy cũng sẽ trắng tay nghèo nàn. Tiết kiệm cũng không phải chuyện khổ ải, khó khăn. Bạn không muốn rèn luyện vì cho rằng nó không hề dễ dàng, nhưng đó là bạn chưa biết kiểm soát bản thân.
Làm theo 10 bí quyết tiết kiệm dưới đây, bạn sẽ không còn tự hỏi những câu "ngớ ngẩn" khi nhận ra ví tiền đã cạn:
1. Nếu ở khách sạn bên ngoài, nhớ lấy về đồ dùng rửa mặt, bàn chải đánh răng dùng một lần. Tất nhiên, nếu bạn cảm thấy ngại thì không cần làm vậy. Nhưng khách sạn cung cấp những thứ này cho khách hàng, nên chúng ta hoàn toàn có quyền sử dụng. Cho dù giàu có đến mấy thì chúng ta cũng không nên lãng phí.
2. Đi nhà hàng, bạn nên gọi món theo đúng khẩu phần ăn của mình. Cố gắng kìm chế bản thân, đừng để “cơn đói làm mờ mắt”, nếu không bạn sẽ rất phung phí tiền bạc. Tuy nhiên, mọi chuyện đều có hướng giải quyết. Bạn có thể nhờ nhân viên gói mang về. Đừng vì chút thể diện mà khiến bản thân phải chịu thiệt, túi tiền phải “chảy nước mắt” nhé!
3. Không đặt đồ ăn qua mạng, không uống trà sữa, không ăn vặt.
Điều này có thể liên quan đến thói quen sống của nhiều người. Một người thích nấu ăn và biết tiết kiệm thì tự nhiên trường hợp đặt đồ ăn qua mạng cũng ít hơn, thậm chí là hoàn toàn không có.
Trà sữa là thức uống vừa tốn tiền vừa gây hại cho sức khỏe. Nhưng giới trẻ hiện nay cực kỳ yêu thích, ngay cả dân văn phòng cũng vậy. Song, nếu bạn muốn tiết kiệm thì đầu tiên phải biết kiểm soát thói quen này, tốt nhất là buông bỏ luôn.
4. Ở thời đại thương mại điện tử lên ngôi này, hẳn rằng mỗi tháng bạn đều đặt mua vài đơn hàng đúng không. Thế nhưng đừng vứt những hộp giấy, mà hãy giữ lại. Khi đóng gói gửi hàng cho ai đó hoặc thậm chí là làm quà, bạn cũng có thể tận dụng. Nếu không dùng hết, bạn cũng có thể bán phế liệu, không được bao nhiêu nhưng ít ra bạn đã biết tạo ra giá trị hết sức có thể, chứ không phải vứt đi một cách vô dụng.
5. Điều chỉnh thói quen dùng điện nước. Nhiều người sẽ không chú ý đến vấn đề này, nhưng thực tế nếu biết cách, bạn có thể tiết kiệm được rất nhiều tiền.
Bạn có thể dùng nước rửa rau tưới cây, dùng nước giặt đồ xả bồn vệ sinh… Tắt hết nguồn điện khi ra ngoài (tủ lạnh giữ nguyên)...
6. Bán lại đồ dùng cũ hoặc không còn cần thiết. Hiện tại trên mạng có rất nhiều nhóm hoặc ứng dụng nhượng đồ, bán vật dụng secondhand. Bạn có thể rao bán để kiếm về chút tiền nhỏ, thay vì vứt đi trong khi đồ vẫn còn dùng tốt hoặc bỏ quên chúng ở một góc rồi hư hỏng.
7. Đặt xe khi ra ngoài không phải là biện pháp hay để tiết kiệm. Nếu tần suất di chuyển nhiều, bạn có thể tập đi xe buýt hoặc thậm chí là tàu điện. Khoảng thời gian ngồi trên xe buýt không nhàm chán như bạn nghĩ. Bạn có thể đọc sách, nghe nhạc, nhìn ngắm dòng xe phía dưới rồi chiêm nghiệm cuộc sống. Hơn nữa, xe buýt ngày nay không còn quá tệ như xưa.
8. Tập thói quen mang theo bình nước ra ngoài. Hãy tự chuẩn bị thức uống cho mình. Trà, nước cam, cafe, nước lọc… Điều này giúp bạn không còn ý muốn mua nước uống bên ngoài. Đôi khi ra tiệm cafe đổi giá, bạn hãy tận dụng chiếc bình của bình, vừa bảo vệ môi trường vừa tập sống là người văn minh.
9. Tập thói quen ghi chép chi tiêu.
Hẳn là nhiều người nghĩ ghi chép chi tiêu là không cần thiết. Tiêu xài là ý thức cá nhân, ghi chép chỉ là hình thức, không thay đổi được gì. Nhưng nếu kiên trì trong 1 tháng, bạn sẽ nhận ra ngay vấn đề chi tiêu của mình đang nằm ở đâu.
Nhờ có thói quen này, bạn mới kiểm soát được sự cân bằng trong thu và chi. Ở thời đại thanh toán bằng ví điện tử như ngày nay, việc tiêu dùng của bạn càng trở nên khó kiểm soát hơn. Đến giữa tháng hoặc cuối tháng, trong đầu lại hiện lên câu: “Tiền đi đâu hết vậy nhỉ”.
Để không khiến bản thân loay hoay trong câu hỏi này, hãy tập ghi chép chi tiêu ngay!
10. Hạn chế thời gian mở ứng dụng thương mại điện tử, cụ thể hơn là hạn chế số lượng đơn hàng được mua trong tháng.
Giới trẻ ngày nay rất thích mua sắm online, vì tiện lợi và có thể đặt hàng bất cứ lúc nào, mẫu mã phong phú. Song, đây cũng là nguyên nhân khiến không ít bạn trẻ “nghèo vẫn hoàn nghèo, cuối tháng hết tiền”...
Tiết kiệm đòi hỏi chúng ta phải có lòng quyết tâm và kiên trì. Một khi đã nhận được một vài thành quả ban đầu, bạn sẽ “nghiện” luôn cuộc sống tối giản và cần kiệm.
(Nguồn: Zhihu)