Có rất nhiều vi khuẩn trú ngụ trong đường tiêu hóa, hỗ trợ cho việc cơ thể thực hiện rất nhiều chức năng quan trọng. Những vi khuẩn có lợi này giúp tăng cường miễn dịch, sản sinh hormone hạnh phúc serotonin, biến đổi thực phẩm thành năng lượng, loại bỏ các chất ngoại lai và độc tố ra khỏi cơ thể.

Nhưng nếu những vi khuẩn có lợi trong đường tiêu hóa bị áp đảo bởi những vi khuẩn gây hại, mọi thứ sẽ trở nên hỗn độn. Tình trạng mất cân bằng vi khuẩn đường ruột có thể tiềm ẩn nguy cơ tác động xấu tới cách vận hành của những cơ quan khác và cả hệ thống cơ thể.

10 dấu hiệu tố cáo đường ruột của bạn đang gặp trục trặc - Ảnh 1.

Trên thực tế, mất cân bằng đường ruột có liên quan tới mất cân bằng hormone, các bệnh tự miễn, tiểu đường, mệt mỏi mãn tính, đau xơ cơ, lo âu, trầm cảm, chàm, đỏ mặt và những vấn đề mãn tính khác về sức khỏe.

Phần lớn mọi người thậm chí không ý thức rằng có gì đó không ổn xảy ra với vi khuẩn đường ruột của họ. Do đó, họ không được điều trị kịp thời. Nhận biết dấu hiệu của đường ruột không khỏe sẽ giúp bạn nhận biết và tìm ra vấn đề tốt hơn.

Dưới đây là 10 dấu hiệu bạn có đường ruột không khỏe mạnh mà bạn cần biết:

1. Các vấn đề về tiêu hóa

Đầy hơi, chướng bụng, tiêu chảy hay tiêu hóa bất thường là những dấu hiệu rõ ràng của tình trạng mất cân bằng vi khuẩn đường ruột.

Do vi khuẩn đường ruột hoạt động để tiêu hóa và phân giải thức ăn, việc giải phóng khí trong quá trình này là hoàn toàn bình thường. Nhưng tình trạng quá nhiều khí gây đầy hơi nặng, chướng bụng và ợ có thể do bộ máy tiêu hóa mất cân bằng.

10 dấu hiệu tố cáo đường ruột của bạn đang gặp trục trặc - Ảnh 2.

Quá nhiều khí sẽ tích tụ trong đường tiêu hóa do phân giải thức ăn kém và bị lên men do vi khuẩn trong ruột già, nơi sinh ra khí. Cảm giác khó chịu trong tiêu hóa có thể đặc biệt nghiêm trọng sau khi ăn một bữa ăn giàu carbohydrate.

2. Thiếu hụt vitamin và khoáng chất

Nhiệm vụ chính của hệ tiêu hóa là phân giải thực phẩm bạn ăn và cung cấp dưỡng chất cho tất cả tế bào trong cơ thể. Những dưỡng chất này được tế bào sử dụng cho quá trình lớn lên, hồi phục và cung cấp năng lượng.

Khi quá trình tiêu hóa không hiệu quả do mất cân bằng vi khuẩn đường ruột, sự hấp thụ dưỡng chất của cơ thể bị suy yếu. Theo thời gian, điều này có thể gây thiếu hụt dinh dưỡng. Những thiếu hụt thông thường do đường ruột không khỏe mạnh bao gồm thiếu hụt hàm lượng vitamin D, K, B12, B7, magie.

10 dấu hiệu tố cáo đường ruột của bạn đang gặp trục trặc - Ảnh 3.

3. Thiếu năng lượng

Trao đổi chất là một quá trình phức tạp đòi hỏi sự phân giải hóa học của thức ăn để sinh nhiên liệu – nhiệm vụ này do các vi sinh đường ruột phụ trách. Mất cân bằng vi khuẩn đường ruột có thể ngăn cơ thể bạn hấp thu những dưỡng chất cần thiết từ thực phẩm khiến bạn lúc nào cũng mệt mỏi.

Ngoài ra, nó còn làm cho độc tố thẩm thấu qua thành ruột vào hệ tiêu hóa, từ đó, tác động tới mức độ năng lượng của bạn.

Hơn nữa, vi khuẩn đường ruột không khỏe mạnh dẫn tới tình trạng gia tăng một số hợp chất gây viêm nhất định có tên gọi cytokines –liên quan trực tiếp tới tình trạng mệt mỏi. Một nghiên cứu năm 2012 đăng tải trên Nutrition in Clinical Practice nhấn mạnh tầm quan trọng và tác động của hệ vi sinh đường ruột với việc hấp thụ dưỡng chất và điều hòa năng lượng. Tuy nhiên, vai trò cụ thể mà mỗi hệ vi sinh đường ruột cá thể nắm giữ trong việc tích luỹ năng lượng vẫn chưa được làm rõ.

10 dấu hiệu tố cáo đường ruột của bạn đang gặp trục trặc - Ảnh 4.

4. Tình trạng viêm có liên quan tới bệnh tự miễn

Sức khỏe đường ruột cũng liên quan tới các bệnh tự miễn như thấp khớp, bệnh Crohn’s và Lupus ban đỏ.

Một nghiên cứu năm 2013 trên eLife cho thấy, những người bị thấp khớp có rất nhiều nguy cơ nhiễm vi khuẩn có tên Prevotella copri (P. copri) trong đường ruột so với những người không bị bệnh. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, sự hiện diện của P. copri liên quan tới việc mất đi những lợi khuẩn trong đường ruột, hậu quả là sự tiếp nối của những triệu chứng khác hay những căn bệnh khác.

10 dấu hiệu tố cáo đường ruột của bạn đang gặp trục trặc - Ảnh 5.

5. Các vấn đề về da

Trên thực tế, các chuyên gia đã xác định trục đường ruột - não bộ - da, giúp lý giải đường ruột khỏe mạnh ảnh hưởng tới khả năng viêm khắp cơ thể, trong đó có làn da, như thế nào.

Tình trạng viêm có liên quan tới nhiều bệnh về da khác nhau, đặc biệt là mụn trứng cá và bệnh vảy nến. Một nghiên cứu năm 2011 trên Gut Pathogens gợi ý rằng, hệ vi sinh đường ruột và tính chất toàn vẹn của bản thân đường tiêu hóa là các yếu tố góp phần vào quá trình sinh mụn.

10 dấu hiệu tố cáo đường ruột của bạn đang gặp trục trặc - Ảnh 6.

6. Giai đoạn khởi phát tiểu đường

Vi khuẩn đường ruột của mỗi người bị tiểu đường tuýp 2 gồm số lượng lớn những vi khuẩn có hại, không hỗ trợ gì cho sức khỏe đường ruột. Một nghiên cứu năm 2016 đăng tải trên tạp chí Nature cho thấy, hệ vi sinh đường ruột có thể là mục tiêu tiềm năng cho các can thiệp mang tính trị liệu ở những người có nguy cơ mắc tiểu đường.

Trong cấu tạo của hệ vi sinh đường ruột, một số hợp chất nhất định có tên amino axit chuỗi phân nhánh có thể dẫn tới tình trạng kháng insulin. Nghiên cứu trên chỉ ra rằng, hoạt động của vi khuẩn gây hại trong hệ vi sinh đường ruột gây ra tình trạng kháng insulin, mà đây lại là dấu hiệu báo trước nguy cơ mắc tiểu đường.

10 dấu hiệu tố cáo đường ruột của bạn đang gặp trục trặc - Ảnh 7.

7. Khó giảm cân

Những người bị thừa cân hoặc béo phì có mức độ cân bằng vi khuẩn đường ruột khác so với người sở hữu cân nặng khoẻ mạnh. Trên thực tế, các chuyên gia tin rằng, sự cân bằng của hệ vi sinh mà bạn có lúc chào đời sẽ quyết định cân nặng của bạn trong suốt cuộc đời.

Số lượng lớn vi sinh vật gây hại trong ruột non có thể phá vỡ khả năng hấp thụ chất béo, khoáng chất và vitamin. Khi cơ thể không thể tiêu hóa và hấp thu chất béo một cách bình thường, bạn thực sự sẽ tăng cân.

10 dấu hiệu tố cáo đường ruột của bạn đang gặp trục trặc - Ảnh 8.

8. Hơi thở có mùi

Mất cân bằng hệ vi sinh đường ruột có thể dẫn tới sự gia tăng vi khuẩn gây hại trong miệng và hậu quả là hơi thở thiếu thơm tho. Dạng hơi thở bốc mùi này rất khó điều trị bằng nước súc miệng hay thông qua duy trì vệ sinh đường miệng phù hợp.

10 dấu hiệu tố cáo đường ruột của bạn đang gặp trục trặc - Ảnh 9.

9. Các vấn đề về tâm trạng

Vi khuẩn gây hại trong đường ruột sản sinh ra độc tố có thể di chuyển tới não thông qua máu. Những độc tố này phá vỡ chu trình sản sinh serotonin và những chất truyền dẫn thần kinh khác trong não, tác động tiêu cực tới tâm trạng của bạn.

Ngoài ra, 70% hoặc hơn 70% hàm lượng serotonin trong cơ thể bắt nguồn từ đường ruột và các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng, vi khuẩn đường ruột có thể ảnh hưởng tới hàm lượng serotonin trong ruột và gây ra hàng loạt tác động đến sức khỏe.

Một nghiên cứu năm 2013 đăng tải trên tạp chí Cell cho thấy, thay thế vi khuẩn đường ruột của những con chuột bị mắc chứng lo âu bằng vi khuẩn đường ruột của những con chuột bạo dạn, dũng cảm khiến nhóm chuột đầu tiên giảm căng thẳng, lo âu và tăng giao tiếp xã hội.

10 dấu hiệu tố cáo đường ruột của bạn đang gặp trục trặc - Ảnh 10.

10. Khó ngủ

Đường ruột lưu trữ và điều hòa serotonin, một chất truyền dẫn thần kinh thiết yếu, đóng vai trò then chốt trong việc khởi phát và điều chỉnh mô thức ngủ. Đường ruột không khỏe mạnh đồng nghĩa với việc mất cân bằng serotonin, dẫn tới chứng mất ngủ hoặc gặp khó khăn để ngủ.

Trên thực tế, hệ vi sinh đường ruột cũng ảnh hưởng tới giấc ngủ thông qua việc thay đổi nhịp điệu ngày đêm và thay đổi chu kỳ ngủ - thức của cơ thể.

10 dấu hiệu tố cáo đường ruột của bạn đang gặp trục trặc - Ảnh 11.

Bí quyết xây dựng và duy trì đường ruột khỏe mạnh:

- Ăn thực phẩm toàn phần, giàu dinh dưỡng để cung cấp cho cơ thể những dưỡng chất cần thiết nhằm vận hành một cách thích hợp.

- Lựa chọn thực phẩm hữu cơ càng nhiều càng tốt.

- Ăn ít đường bởi đường dẫn tới sự tăng trưởng của vi khuẩn có hại trong đường ruột.

- Nhai thật kỹ khi ăn để thúc đẩy quá trình tiêu hóa lành mạnh.

- Giữ cho cơ thể đủ nước. Khi đó, đường ruột sẽ được duy trì khỏe mạnh.

- Áp dụng một chương trình thải độc nhẹ nhàng 1 lần/tháng để loại bỏ nhiều yếu tố gây viêm, bao gồm cả đường ruột không khỏe mạnh.

- Hấp thụ nhiều thực phẩm lợi khuẩn hơn hoặc dùng thực phẩm chức năng bổ sung lợi khuẩn để đảm bảo sự cân bằng vi khuẩn đường ruột.

- Không uống rượu bia và bỏ thuốc lá hoàn toàn.