10 kỹ thuật y tế nổi bật năm 2018 tại TP. HCM: "Gấu ngủ đông" cứu Việt kiều, phẫu thuật robot cứu mạng thai phụ
Kỹ thuật "gấu ngủ đông", phẫu thuật robot bán khẩn cứu thai phụ song sinh, lần đầu ghép thận từ người cho chết não tại bệnh viện chuyên khoa nhi... là những thành tựu nổi bật về áp dụng kỹ thuật chuyên sâu trong cứu sống người bệnh nặng của TP.HCM năm 2018.
Mới đây, Sở Y tế TP.HCM đã công bố 10 thành tựu nổi bật về áp dụng kỹ thuật chuyên sâu trong cứu sống người bệnh nặng và nguy kịch tại các bệnh viện (BV) trực thuộc thành phố trong năm 2018.
Theo đại diện Sở, các thành tựu ở nhiều góc cạnh khác nhau, góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh của Ngành Y tế.
1. Phát huy hiệu quả quy trình báo động đỏ
Ông N.V.T (49 tuổi) ngụ ở quận Tân Bình, bị té từ độ cao 4 mét xuống mặt đất vào ngày 20/8/2018, được BV quận Tân Phú chuyển đến BV Nhân Dân 115 trong tình trạng lơ mơ, sốc mất máu nặng, mạch, huyết áp không đo được. Bệnh nhân có vết thương bụng vùng hố chậu phải, nhiều quai ruột non lộ ra ngoài, có đoạn ruột đứt lìa, chấn thương đầu.
Huyết khối lấp hoàn toàn động mạch phổi hai bên của bệnh nhân được báo động đỏ liên viện cứu sống.
Êkíp cấp cứu đã kích hoạt quy trình báo động đỏ nội viện, phối hợp các chuyên khoa: Ngoại Tổng quát, Ngoại Lồng ngực Mạch máu, Hồi sức Ngoại để phẫu thuật cấp cứu bệnh nhân. Bệnh nhân ổn định và xuất viện sau một tuần.
Hay trường hợp của ông L.T.G (44 tuổi, quê Đồng Nai), bị cưa cắt ngang bụng nhập cấp cứu tại BV Đa khoa Khu vực Thủ Đức vào ngày 01/10/2018 trong tình trạng thở ngáp, mạch huyết áp không đo được, vết thương thấu bụng 15cm vùng hố chậu trái, lòi ruột ra ngoài.
Bệnh nhân bị cưa cắt ngang bụng được cứu sống.
Ngay lập tức BV kích hoạt quy trình báo động đỏ nội viện và liên viện với bệnh viện Nhân Dân Gia Định để hỗ trợ mang mảnh ghép mạch máu cùng ê-kíp phẫu thuật gây mê hồi sức hỗ trợ cấp cứu kịp thời.
Việc phối hợp nhịp nhàng giữa 2 BV đã góp phần quan trọng cứu sống người bệnh. anh G. được xuất viện sau 1 tháng điều trị.
2. Phối hợp liên viện, phản ứng nhanh xử lý thành công ổ dịch trong viện
Sáng 01/06/2018, tại Khoa Nội soi, BV Từ Dũ xuất hiện trường hợp bệnh nhân đang chờ phẫu thuật có biểu hiện nghi cúm. Đến chiều, số lượng người có triệu chứng tương tự đã tăng lên đến con số 20.
Ngay lập tức, bệnh viện Từ Dũ báo cáo Sở Y tế và tiến hành hội chẩn chuyên môn với bệnh viện Bệnh Nhiệt đới. BV Bệnh Nhiệt đới khởi động qui trình "phản ứng nhanh" huy động ê kip xét nghiệm làm việc xuyên đêm thực hiện tất cả các mẫu bệnh phẩm để có kết quả sớm nhất.
Bệnh nhân nghi nhiễm cúm A/H1N1 được cách ly tại BV Từ Dũ.
Nhờ vậy, công tác phòng chống dịch trong bệnh viện được triển khai và dịch bệnh đã được khống chế sau 3 ngày.
Với tinh thần làm việc khẩn trương cũng như sự phối hợp nhịp nhàng giữa 2 BV, dịch bệnh đã được khống chế.
3. "Ghép thận từ người cho chết não" lần đầu tiên thực hiện tại BV chuyên khoa Nhi
Ngày 10/12/2018, BV Nhi Đồng 2 nhận được thông tin trường hợp chết não có mong muốn hiến thận từ Trung tâm điều phối ghép tạng Quốc gia.
Quả thận trước khi được ghép cho bệnh nhân.
BV đã nhanh chóng thông báo cho gia đình bệnh nhân Đ.V.H (15 tuổi) trong danh sách chờ ghép đến bệnh viện để làm một số xét nghiệm hòa hợp miễn dịch.
16 giờ ngày 12/12/2018, thận hiến được vận chuyển về bằng đường hàng không và ngay sau đó được chuyển đến bệnh viện Nhi đồng 2. Trải qua 6 giờ phẫu thuật, bệnh nhân được chuyển đến khoa Hồi sức và tiếp tục điều trị với phác đồ sau ghép.
Chàng trai khỏe lại sau ghép thận.
Hiện tại, bệnh nhân ổn định, chức năng thận cải thiện, cung lượng nước tiểu tốt và chuẩn bị đi học trở lại như bao bạn bè khác.
4. Phẫu thuật robot bán khẩn cứu thai phụ song sinh
Chị T. nhập cấp cứu tại BV Bình Dân trong tình trạng đau dữ dội vùng thượng vị kèm nôn ói dịch vàng liên tục. Kết quả khảo sát hình ảnh cho thấy ống mật chủ có sỏi với kích thước khoảng 6mm, bên trong túi mật chứa nhiều sỏi, đường mật trong và ngoài gan giãn nhẹ ứ đọng dịch mật.
Xét nghiệm máu của chị T. gợi ý tình trạng nhiễm trùng và diễn tiến viêm tụy cấp.
Ca phẫu thuật bằng robot cứu ba mẹ con thai phụ.
Ê kíp phẫu thuật đã đã thực hiện phẫu thuật bằng robot khẩn cấp lần đầu tiên, loại bỏ túi mật viêm cấp, phù nề với kích thước khoảng 10cm.
Dụng cụ bắt sỏi được đưa qua nội soi ống mềm chuyên dụng đã tiếp cận và lấy sỏi tại đoạn cuối ống mật chủ ra ngoài. Ống mật chủ được khâu kín. Kết quả phẫu thuật can thiệp bán cấp thành công, đảm bảo an toàn cho cả mẹ và song thai 17 tuần tuổi.
5. Ứng dụng thành công kỹ thuật dị ghép tế bào gốc trong điều trị hội chứng thực bào máu nguyên phát
Năm 2018, bệnh viện Truyền Máu Huyết Học lần đầu thực hiện thành công kỹ thuật dị ghép tế bào gốc cho bệnh nhân: T. H, (34 tuổi), cư ngụ tại quận Gò Vấp được chẩn đoán là hội chứng thực bào máu nguyên phát; từ người cho là chị gái phù hợp HLA 10/10.
Đánh giá sau 21 ngày dị ghép: tình trạng lâm sàng của bệnh nhân được cải thiện đáng kể, tủy đồ ghi nhận mật độ tủy trung bình, với sự hồi phục các dòng tế bào, xét nghiệm thể khảm (chimersim) chứng minh 100% tế bào mọc trong tủy từ chị gái của bệnh nhân.
6. Kỹ thuật "gấu ngủ đông" cứu bệnh nhân ngừng tim, nhồi máu cơ tim cấp
Tính đến nay, đã có 5 trường hợp bệnh nhân được cứu sống nhờ áp dụng phương pháp này. Điển hình là bệnh nhân T.T.T, Việt kiều Mỹ (54 tuổi), ngưng tim ngưng thở 3 lần, được báo động đỏ liên viện và chuyển về BV Nhân dân Gia Định.
Kỹ thuật "gấu ngủ đông" góp phần cứu sống bệnh nhân.
Bệnh nhân được can thiệp bằng các kỹ thuật như "can thiệp động mạch vành cấp cứu qua da", "đặt bóng đối xung động mạch chủ". Đặc biệt là "hạ thân nhiệt chỉ huy qua catheter nội mạch" (gấu ngủ đông) lần đầu tiên áp dụng tại khu vực phía Nam, làm giảm tổn thương não do bệnh nhân bị ngừng tim, ngừng thở kéo dài.
Bệnh nhân sau đó hồi phục tim phổi và xuất viện sau 2 tuần, trở về cuộc sống đời thường.
7. Lần đầu nối mạch chi bằng bộ nối mạch máu
Tháng 11/2018, ông H.T (64 tuổi, ngụ Bình Thuận) được chuyển đến BV Chấn thương Chỉnh hình trong tình trạng cổ tay trái bị chém, mất nhiều máu, không gập được các ngón tay, toàn bộ gân cơ mặt trước cổ tay bị đứt cùng với bó mạch thần kinh trụ, thần kinh giữa.
Bộ nối mạch máu lần đầu sử dụng tại Bệnh viện Chấn thương hỉnh hình TP.HCM.
Ê-kíp cấp cứu đã sử dụng bộ nối mạch máu Anstomosis Coupler thay vì khâu nối mạch máu bằng chỉ như trước để nối động mạch trụ, rút ngắn thời gian phẫu thuật gần 30 phút. Tình trạng người bệnh sau đó ổn định và được xuất viện.
8. Kỹ thuật mới trong xử trí cấp cứu băng huyết sau sinh
BV Nhân dân Gia Định đã áp dụng qui trình kĩ thuật điều trị băng huyết sau sinh bằng can thiệp thuyên tắc động mạch tử cung điều trị thành công 3 trường hợp băng huyết sau sinh nặng đe dọa tính mạng.
Phương pháp này có tỉ lệ cầm máu 100%, không ghi nhận tai biến, biến chứng nặng và vẫn bảo tồn được chức năng sinh sản của sản phụ;
Sản phụ băng huyết sau sinh được cứu.
Đồng thời, BV hỗ trợ chuyên môn một trường hợp báo động đỏ liên viện, cứu sống sản phụ băng huyết sau sinh tại BV Quận 9 vào tháng 9/2018.
9. Ứng dụng telemedicine cứu sống bé 2 tuổi bị tay chân miệng nguy kịch
Nhờ hệ thống telemedicine, các bác sĩ BV Nhi đồng 1 đã trao đổi, hướng dẫn BV Cà Mau biện pháp hồi sức tích cực cho một bệnh nhi bị tay chân miệng độ 4 thay vì phải đi ngay và chấp nhận rủi ro cao.
Bệnh nhi Tay chân miệng điều trị tại BV Nhi Đồng 1.
Khi tình trạng ổn định bé được chuyển đến BV Nhi đồng 1 tiếp tục điều trị và đã xuất viện
10. Bệnh viện chuyên khoa Nhi đầu tiên triển khai kỹ thuật ECMO
Tháng 2/2018, BV Nhi đồng Thành phố là bệnh viện nhi đầu tiên trong khu vực phía Nam triển khai kỹ thuật ECMO.
Bệnh nhi được điều trị bằng hệ thống ECMO.
Tính đến nay, nơi này đã cứu sống 3 trường hợp suy hô hấp tuần hoàn nặng, trong đó trường hợp ngoạn mục nhất là bé trai P.N.H (9 tuổi), với chẩn đoán viêm cơ tim cấp - sốc tim - rối loạn nhịp.
Việc triển khai thành công kỹ thuật ECMO, giúp cứu sống những bệnh nhi có nguy cơ tử vong lên đến 60-70%