1. Từ Hi Thái hậu
Từ Hi, người cai trị thực sự của cuối triều đại nhà Thanh, khi vào cung chỉ là một tiểu thư quý tộc, nhưng cuối cùng lại trở thành một Thái hậu quyền lực, được đánh giá là rất có năng lực và thủ đoạn. Nhưng đây cũng chính là nguyên nhân khiến bà bị mang tiếng xấu, thủ đoạn của bà không chỉ dùng với các đại thần mà còn nhắm đến cả hai vị Hoàng đế Đồng Trị và Quang Tự. Qua những bức ảnh truyền lại, vị Thái hậu này trông điềm tĩnh và uy nghiêm, với một số nét đặc trưng của dân tộc du mục cưỡi trên lưng ngựa.
2. Phổ Nghi và Uyển Dung
Đây là bức ảnh chụp chung của Hoàng đế và hoàng hậu cuối cùng nhà Thanh - Phổ Nghi và Uyển Dung. Có lẽ cuộc đời gắn liền với chữ “cuối cùng” này mà cuộc sống của họ đầy rẫy những khó khăn và thăng trầm. Tuy nhiên, Phổ Nghi may mắn hơn Uyển Dung rất nhiều khi nhận được những đãi ngộ đặc biệt. So với ông, Uyển Dung thật đáng thương, nếu lựa chọn ly hôn như Văn Tú (cũng là vợ của Phổ Nghi), có lẽ bà đã không có kết cục như thế này. Bức ảnh được chụp khi Uyển Dung đang ở độ tuổi xinh đẹp nhất, yêu kiều như một bông hoa, có một người chồng chiều chuộng mình bên cạnh.
3. Tả Tông Đường
Tả Tông Đường là quan lại và danh tướng kiệt xuất cuối đời nhà Thanh. Ông là người đã có công trấn áp cuộc khởi nghĩa Thái Bình Thiên Quốc, trải qua các chức vụ Tổng đốc Mân – Chiết, Tổng đốc Thiểm – Cam, đã thành lập Phúc Châu thuyền cục với xưởng đóng tàu Mã Vĩ (Phúc Kiến) nổi tiếng là nền tảng của Hải quân Trung Quốc, sau đó đến Thiểm Tây kiểm soát cuộc khởi nghĩa của Niệm quân và là người dẫn quân chinh Tây, thu phục Tân Cương về cho Triều đình nhà Thanh, cuối đời làm Tổng đốc Lưỡng Giang và Quân cơ đại thần, đóng vai trò lớn trong việc vận động thành lập Hải quân Nha môn năm 1885. Ông cùng với Tăng Quốc Phiên, Lý Hồng Chương và Trương Chi Động được xưng là "Vãn Thanh Tứ đại Danh thần".
4. Lý Liên Anh
Thái giám tổng quản Lý Liên Anh đã đồng hành cùng Từ Hi gần 53 năm. Hậu thế nhận xét dung mạo của vị thái giám này không được “dễ nhìn” lắm, khuôn mặt vàng vọt, gò má cao và hóp, bọng mắt sưng tấy, mặt đầy mụn mủ, trông không giống “người tốt” chút nào. Điều này có lẽ đúng vì ông đã cùng Từ Hi làm đủ thứ chuyện trong suốt thời gian Thái hậu nắm quyền. Nhưng thực ra ông không phải là kẻ bội bạc hay xấu xa, không tham gia chính trị, nhiều nhất là có chút tham tiền mà thôi. Về phần Quang Tự bị giam cầm, Lý Liên Anh đã sử dụng địa vị đại thái giám của mình để bảo vệ vị Hoàng đế vốn không nắm nhiều quyền lực trong tay.
5. Trương Chi Động
Trương Chi Động trải qua các chức vụ Tuần phủ Sơn Tây, Tổng đốc Hồ Quảng, Tổng đốc Lưỡng Quảng, Tổng đốc Lưỡng Giang, Quân cơ đại thần, Thượng thư Bộ Binh, hết lòng phục vụ tận trung cho nhà Thanh.
Xuất thân là Tiến sĩ năm 1863, ông được cử tham gia Hàn lâm viện năm 1880, năm 1881 ông được bổ nhiệm làm Tuần phủ Sơn Tây. Song sự nghiệp của ông sáng chói khi ông được cử đến nhận trọng trách tại các tỉnh miền nam Trung Quốc.
Trương Chi Động mất năm 1909, chỉ 3 năm trước khi nhà Thanh sụp đổ.
6. Lý Hồng Chương
Lý Hồng Chương xuất thân từ một gia đình giàu có, đậu tiến sĩ đời Đạo Quang đã từng được bổ nhiệm chức Đạo đài tỉnh Phúc Kiến, Tăng Quốc Phiên nghe tiếng Chương đa tài, sau đó tiến cử về triều.
Trong cuộc đời quan trường của mình, ông đã thành lập Hoài quân tham gia cùng với Tăng Quốc Phiên, Tả Tông Đường trấn áp phong trào Thái Bình Thiên Quốc. Vì có công lao to lớn, ông được bổ nhiệm làm Tổng đốc Hồ Quảng, Tổng đốc Trực Lệ kiêm Bắc Dương đại thần, Tổng đốc Lưỡng Quảng, Túc Nghị Nhất đẳng Bá.
7. Tăng Quốc Phiên
Tăng Quốc Phiên đỗ Tiến sĩ triều Đạo Quang, giữ chức vụ Thị lang các Bộ Binh, Lễ, Lại, Hình, đồng thời là một Nho gia theo phái Đông Thành, nhân vật tiêu biểu của địa chủ người Hán, sau được bổ nhiệm chức Nội các Học sĩ trong triều đình Mãn Thanh. Ông là tướng lĩnh chỉ huy Tương quân (đoàn quân khởi phát ở Tương Hương), cánh quân chủ lực trong cuộc chiến chống quân Thái Bình Thiên Quốc. Tăng Quốc Phiên cùng với Tả Tông Đường và Lý Hồng Chương là ba nhân vật là người Hán có quyền thế và ảnh hưởng lớn đến Trung Quốc cuối thời nhà Thanh.
8. Viên Thế Khải
Viên Thế Khải là một đại thần cuối thời nhà Thanh và là Đại Tổng thống thứ hai của Trung Hoa Dân Quốc, đồng thời là Hoàng đế duy nhất của Hồng Hiến Đế chế. Viên Thế Khải đã cố gắng cứu vương triều của mình bằng một số dự án hiện đại hóa bao gồm cải cách quan thuế, tư pháp, giáo dục...
9. Diệp Hách Na Lạp Thụy Lân
Diệp Hách Na Lạp Thụy Lân xuất thân cùng một gia tộc với Từ Hi, nhưng cuộc sống của ông ít nổi bật hơn. Ông không tham gia bất kỳ sự kiện lớn nào, và chức vụ chính thức cao nhất là Thống đốc Lưỡng Quảng và Đại học sĩ Văn Uyên Các.
Nguồn: Sohu