Ngày xưa em học sư phạm cũng không nghĩ rằng nghề này lại có nhiều điều éo le đến vậy. Chuyên môn là một chuyện, chuyện trong nghề không nói thì ai cũng tưởng giáo viên sướng lắm. Nhân một năm mới có một ngày, em xin có đôi lời gọi là thay tiếng lòng của hàng vạn anh chị em…
1. Bệnh nghề nghiệp
Làm giáo viên thì xác định là quanh năm nói to, nói nhiều, không ngày nào là không nói. Học sinh thì luôn nhiều năng lượng, chúng không bao giờ “quẩy” một mình: chơi phải có bạn, phá phải có phường mà đến trường thì phải kiếm chuyện. Đã thế, hít bụi phấn nhiều như hít cơm, tích tụ vài năm khéo cũng ra được vài hòn sỏi.
2. Bận tối mắt tối mũi
Nếu là giáo viên mới ra trường thì đi làm đồng thời sẽ là đi học cùng các chức vụ kiêm nhiệm, dự án của trường. Nếu đã công tác lâu năm thì bồi dưỡng học lên cao là tất yếu. 8 tiếng 1 ngày là để lên lớp, thời gian dành cho soạn bài, chấm điểm, sổ sách buộc phải ăn lậm vào buổi tối. Ai bảo làm giáo viên nhàn thì xem lại bản thân nhé!
3. Tay năm tay mười
Câu chuyện lương cơ bản như kỳ dâu là sự thật. Chẳng thế mà chị em nào cũng phải nghề tay trái tay phải phòng thân, cá kiếm chút ít dằn lưng tiêu Tết, con đi học, bố mẹ đến thăm, sự cố đột xuất. Mỗi mùa cưới, ta đi ăn cưới học sinh cũ thì cũng mệt đấy chẳng đùa đâu.
4. Bội thực giấy tờ
Có cái nghề nào lắm giấy tờ như nghề giáo không thì bước ra đây ngồi ngay ngắn cho tôi xem? Báo cáo tuần, sinh hoạt chuyên đề, họp phụ huynh, thao giảng, giáo án kỳ, sơ kết, bài kiểm tra, đánh giá... Đính kèm các loại giấy tờ là danh sách chị em nhà sổ: sổ đầu bài, sổ nhận xét, sổ chuyên đề, sổ sinh hoạt chuyên môn, sổ ghi phạt…
5. Phá cách là cái gì cơ?
Vốn là cái nghề mặc định chuẩn mực nên đồ âu, quần tây, chân váy nhẹ nhàng hoặc áo dài thướt tha là điển hình rồi. Xăm một vài hình trên cổ, nhuộm một mái tóc bạch kim hay xỏ chân vào chiếc quần rách nát theo xu hướng? Không nhé.
6. Chín vạn sắc thái của lũ quỷ học trò
Một lớp học không khác gì nồi lẩu thập cẩm mà giáo viên phải xoay sở thích ứng với cô bí thư lắm chiêu, ông tổ trưởng lẻo mép, bà má vô hình chuyên hóng biến khắp 4 phương. Hãy quen dần đi, chúng rất thú vị đấy!
7. Mãi mãi tuổi trung niên
Không tin bạn có thể kiểm tra ngay, tiếng Việt có ngàn vạn từ để chỉ tuổi: em, chị, cô, dì, bác, bà, cụ, kị, nhưng một khi đã làm giáo viên thì chế độ mặc định là “cô”. Dù cho bạn trẻ măng 20, 21 hay đã sắp có cháu bế thì bạn vẫn là “cô” của tụi học sinh thôi, mãi mãi tuổi trung niên nhé.
8. Dành cả thanh xuân để… tập huấn
Nói không ngoa chứ cứ hè đến là tập huấn, hết kỳ cũng tập huấn, cả năm cũng rải rác tập huấn. Không công cụ mới thì đề án mới, không đề án mới thì thông tư siêu mới. Phương pháp mới, sách mới, quy chuẩn đánh giá mới, không giây phút nào là không tập huấn.
9. “Thi thủ”
Nếu game có game thủ, du lịch có phượt thủ, chơi cờ có kỳ thủ thì ngành giáo dục có… “thi thủ”. Các cuộc thi rải rác cả năm học với đủ các nội dung khác nhau: giữa kỳ, cuối kỳ, thi văn nghệ, hội thao, chào mừng, kỷ niệm mới... khiến cả giáo viên lẫn học sinh đau đầu chóng mặt. Mỗi lần chọn người đi thi lại như quay chiếc nón kỳ diệu, có điều...
10. Cảm xúc lên xuống như đồ thị
Sáng sớm tung tẩy xinh đẹp đến trường nhưng chưa được bao lâu thì chuyên đề tuần đã phang vào mặt, các em học sinh bé nhỏ lỡ quên làm bài tập, quên đóng quỹ, hoặc yêu nhau quá hóa buồn cào nhẹ một cái, thế là tôi lại như siêu nhân mà xông ra. Đau tim nhất là mỗi lần họp phụ huynh, thân làm giáo viên chủ nhiệm chỉ biết lặng thầm hóa đá, quyết không nhỏ lệ dẫu cho diễn biến có thế nào.
Nói vậy thôi, chứ làm gì có nghề nào được tiếp xúc với tụi trẻ nhiều như nghề này. Tâm hồn luôn được tươi mới như sương mai, con cái đông đúc năm này qua năm khác nhớ không xuể ấy các mẹ nhỉ. Cả năm mới có một ngày kể chuyện nghề, mong là anh chị em nhà giáo luôn vững tin đồng hành cùng những thiên thần của mình nhé!