Đối với những diễn viên chân chính, một vai diễn thành công không chỉ đòi hỏi kỹ năng diễn xuất đỉnh cao. Để nhân vật tạo được sự chân thực tuyệt đối, họ phải chấp nhận thay đổi từ ngoại hình, giọng nói, cử chỉ đến cả tính cách, tư tưởng bản thân. Tất nhiên, nếu không đủ bản lĩnh kiểm soát, họ sẽ phải gánh chịu những sang chấn khủng khiếp về lâu dài. Sau đây là danh sách 10 tài tử điện ảnh đã gần như hóa điên do quá chìm đắm vào nhân vật mình đóng.
10. Ben Foster - The Program (2015)
Ben Foster là một trong những diễn viên làm việc thuộc hàng chăm chỉ nhất Hollywood hiện nay, hiếm có ai chịu khó đào sâu và hết mình cùng nhân vật như anh ta. Ở Alpla Dog (2006), Foster quyết định mạo hiểm sử dụng thuốc nhỏ mắt điều trị chứng trị tăng nhãn áp để nhập vai thành kẻ nghiện ma túy; với Lone Survivor (2013), anh đã "nếm" thử bụi đất để hiểu được các thử thách mà thủy quân lục chiến phải trải qua khi xử lý đầu đạn pháo hạng nặng; hay dù chỉ góp mặt ngắn ngủi trong Rampart (2011), Foster cũng dành thời gian lang thang giống hệt người vô gia cư trên đường phố Los Angeles.
Tuy nhiên, bộ phim gần như vắt kiệt tinh thần Ben Foster là The Program (2015) với hình tượng tay cua rơ tai tiếng Lance Amstrong. Foster đã tự rèn luyện cực kì khắc nghiệt nhằm sở hữu khối cơ bắp rắn chắc chẳng kém gì Amstrong thực tế, anh thậm chí còn đăng kí tham dự giải đua xe đạp Colorado US Challenge Tour.
Thứ khiến cho nam tài tử vượt khỏi giới hạn diễn xuất thông thường chính là chế độ dùng chất kích thích doping (được kiểm soát nghiêm ngặt) để có thể nhập tâm vào nhân vật Lance Amstrong. Hậu quả chúng đem lại nặng nề tới mức Ben Foster mất hàng tháng trời mới hồi phục toàn diện về thể chất. Anh từng thẳng thắn trả lời phỏng vấn: "Nó thật tồi tệ, cảm giác như bị mất đi cặp bi của mình vậy". Đáng tiếc thay, điều đó cũng không giúp The Program tránh khỏi phản ứng lãnh đạm từ giới phê bình chuyên môn.
9. Isabelle Adjani – Possession (1981)
Tác phẩm cult classic (phim độc) được cầm trịch bởi đạo diễn Ba Lan Andrzej Zulawski thật sự gây mệt mỏi cho cả ê-kíp thực hiện lẫn khán giả thưởng thức. Lấy cảm hứng từ kinh nghiệm đau thương của chính cuộc đời ông, Possession kể về cuộc hôn nhân tan vỡ, tràn ngập nỗi thống khổ giữa cặp đôi Sam Neill và Isabelle Adjani.
Adjani, ngọc nữ biểu tượng cho nét đẹp tinh tế Châu Âu thời điểm đó đã nỗ lực hết mình với bộ phim. Việc đóng đồng thời hai nhân vật (Anna/Helen) mang nội tâm phức tạp đòi hỏi cô phải lột tả hầu như tất cả cung bậc cảm xúc mà con người có thể gánh chịu: từ cuồng loạn sang tan nát, thánh thiện tới ma mãnh, đáng sợ đến quyến rũ; đặc biệt ở những phân cảnh khỏa thân.
Possession đã gây vết thương tinh thần nặng nề đối với Isabelle Adjani. Thay vì thăng hoa trong ngành công nghiệp giải trí suốt thập niên 80, cô dần rơi vào trạng thái trầm cảm đến mức từng tự sát bất thành. Isabelle Adjani thừa nhận phải mất nhiều năm dài để thoát khỏi vai diễn khủng khiếp này và cô sẽ không bao giờ dám nhận một vai nào tương tự nữa.
8. Jim Carrey – Man on the Moon (1999)
Man on the Moon, tác phẩm tái hiện cuộc đời và sự nghiệp danh hài huyền thoại Andy Kaufman đã đón nhận phản ứng rất tích tực vào thởi điểm công chiếu. Hầu hết người xem đều bất ngờ trước màn trình diễn hấp dẫn từ Jim Carrey. Có nhiều lời đồn đại, phàn nàn xoay quanh phương pháp diễn xuất đỉnh cao (method acting) của ông tại phim trường, mãi đến lúc một bộ phim tài liệu được phát hành trên Netflix công bố cảnh quay bị hãng Universal giấu kín gần 20 năm do lo sợ nó sẽ khiến công chúng hiểu nhầm Jim Carrey là "gã khốn".
Carrey vốn yêu thích phong cách hài hước ở Kaufman, tin rằng đấy là một trong những hình mẫu lý tưởng để bản thân noi theo (hai người còn có cùng ngày sinh nhật). Vì vậy, ông hoàn toàn hóa thân làm Andy Kaufman mọi nơi mọi lúc. Carrey chỉ tin tưởng tuyệt đối Bob Zmuda, trợ lí riêng cho Kaufman. Chuỗi ngày tồi tệ nhất diễn ra khi ông trở thành Tony Clifton, vai diễn nổi tiếng được Kaufman tạo nên. Toàn bộ ekip rất sợ điều này bởi Carrey thường xuyên gián đoạn quá trình ghi hình, ném đạo cụ vào mọi người và đột nhập sang các hậu trường phim khác.
Còn lại, khi Carrey quay phim dưới nhân cách Andy Kaufman nhỏ nhẹ, mọi thứ tiến hành rất trôi chảy, trừ những phân cảnh xuất hiện tay đô vật WWE Jerry Lawler, kẻ có mối ân oán ngoài đời với Kaufman . Ông liên tục chọc tức, nhổ nước bọt vào mặt Lawler. Tất nhiên, Lawler giận dữ đáp trả bằng việc siết cổ Carrey tới mức ông phải dùng nẹp cổ và nạng. Universal đã nhanh chóng tìm cách che đậy sự cố đó. Với Carrey, buông bỏ vai diễn này là điều hết sức đau lòng kéo theo chứng trầm cảm trì trệ. Nó mãi mãi thay đổi cuộc sống, đạo đức nghề nghiệp của ông.
7. Choi Min-sik – Oldboy (2003)
Nam tài tử Choi Min Sik vốn được coi như "báu vật quốc gia" tại quê nhà Hàn Quốc. Tâm huyết ông dành cho tuyệt phẩm Oldboy thuộc Bộ Ba Báo Thù của đạo diễn Park Chan Wook đã giúp tác phẩm đón nhận hàng loạt lời tán dương cùng nhiều giải thưởng quốc tế danh giá (trong đó có giải Grandpix Liên Hoan Phim Cannes 2004), mặc dù nó làm ông tiêu tốn không biết bao nhiêu sức lực về thể chất lẫn tinh thần.
Choi vào vai gã doanh nhân sống khép kín tên Oh Dae Su, lão đột ngột bị bắt cóc và bị nhốt trong căn phòng chật hẹp 15 năm trời mà không được biết nguyên nhân tại sao. Suốt quãng thời gian ấy, Oh nung nấu kế hoạch trả thù, đếm từng ngày trôi đi bằng sợi dây thép nóng đỏ đốt lên da thịt. Thay vì tận dụng kỹ thuật hóa trang, Choi Min Sik vẫn tự đốt da mình để có thể hiểu thấu nỗi đau đớn Oh phải chịu đựng.
Bên cạnh đó, ông còn phải đối mặt trước thách thức món bạch tuộc sống, một loại thực phẩm truyền thống vô cùng nguy hiểm ở Hàn Quốc (các xúc tua ngoe nguẩy của nó có thể giết chết thực khách tay mơ). Thông thường, người ta hay cắt nhỏ chúng ra nhiều phần cho dễ thưởng thức, nhưng Choi lại quyết định ăn nguyên một con bạch tuộc, và tốn đến 7 con như thế để hoàn thành cảnh quay trên. Nó khiến Choi rất khổ tâm bởi ông là một người ăn chay. Trước khi bắt đầu, ông luôn cầu nguyện và xin lỗi những chú bạch tuộc. Nam tài tử tiết lộ ông bị trường đoạn này ám ảnh khá lâu.
6. Johnny Depp – Fear and Loathing in Las Vegas (1998)
Anh chàng Johnny Depp và Hunter S. Thompson, nhà văn Mỹ tiêu biểu thập niên 70, tình cờ gặp nhau tại một buổi tiệc rồi nhanh chóng trở nên thân thiết. Thompson đã đề nghị Depp hóa thân thành nhân vật Raoul Duke, cũng chính là hiện thân nhà văn trong bộ phim chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết cùng tên Fear and Loathing in Las Vegas.
Để chuẩn bị cho vai diễn thật trọn vẹn, Johnny Depp dọn tới sinh sống ở tầng hầm dưới nhà Thomspon suốt ròng rã bốn tháng trời. Anh quan sát, nghiên cứu cẩn thận các hành vi, cử chỉ, thói quen lập dị từ nhà văn; thậm chí bán luôn xe hơi nhằm đổi lấy chiếc Chevrolet Caprice mà Thompson từng lái. Hơn nữa, khi đạo diễn Terry Gilliam triệu tập cuộc họp cùng Depp, anh đã đến dự với bộ quần áo 30 năm chưa giặt của Thomspon.
Lúc quay phim, mọi người khá lo lắng cho Johnny Depp vì anh quá hòa nhập vào nhân vật. Kể cả khi bộ phim đóng máy vài tháng sau đó, Depp vẫn gặp vấn đề trầm trọng trong việc thoát khỏi vai diễn qua hàng loạt tin đồn nghiện rượu, lạm dụng chất kích thích. Bỏ ngoài tai mối quan ngại, anh chàng tiếp tục khắc họa hình tượng Thompson ở The Rum Diary (2011), dự án điện ảnh tâm huyết mà Depp quyết giành quyền tham gia, và nhiều sắc thái của nhân vật này liên tiếp xuất hiện trong những lần sắm vai khác của Depp.
5. Martin Sheen – Apocalypse Now (1979)
Tính chất điên rồ đằng sau kiệt tác nghệ thuật về chiến tranh Việt Nam Apocalypse Now là một câu chuyện hết sức kinh điển. 16 tháng quần quật trên phim trường đã khiến các thành viên ê-kíp gặp áp lực cực lớn. Đạo diễn Francis Ford Coppola đã từng có ý định tự tử và sụt kí trầm trọng lúc thực hiện bộ phim. Thế nhưng, chừng đó vẫn chưa thấm tháp gì so với những gì nam diễn viên chính Martin Sheen phải trải qua.
Lấy nội dung xoay quanh viên sĩ quan đặc nhiệm Mỹ Benjamin L. Willard do Martin thủ vai, phân cảnh mở đầu Apocalypse Now được quay trong một tình huống khó tin. Khi Francis Ford Coppola bắt gặp Martin Sheen đang hoàn toàn say xỉn tại phim trường, ông lập tức chỉ đạo ghi lại chuỗi hành động vô thức của Martin. Anh đã thực sự nhảy múa không tự chủ, đấm tay vào gương đến chảy máu rồi ngồi gào khóc như mưa.
Sự gian truân từ Apocalypse Now đã làm Martin Sheen lên cơn đau tim và mất nhiều tuần liền phục hồi ở Phillipine trước khi quay trở lại tham gia cùng mọi người. Ngay sau bộ phim này, anh bắt đầu chấn chỉnh cuộc sống bản thân điều độ hơn trước.
4. Adrien Brody – The Pianist (2003)
The Pianist kể về cuộc đời nghệ sĩ dương cầm Ba Lan gốc Do Thái Wladyslaw Szpillman. Ông là một trong số 20 nạn nhân may mắn sống sót khỏi cuộc diệt chủng hướng vào cộng đồng do thái của phát xít Đức thời kì chiến tranh thế giới thứ hai. Bằng màn trình diễn chạm tới trái tim khán giả, Adrien Brody trở thành nam tài tử trẻ nhất lịch sử hiện nay đón nhận tượng vàng Oscar hạng mục nam chính xuất sắc nhất ở độ tuổi 29.
Với khao khát trải nghiệm cảm giác đói khát, tuyệt vọng, cũng như cô độc, Brody đã vứt bỏ điện thoại, đem bán hết toàn bộ nhà cửa, xe hơi tại New York. Anh còn thẳng thừng nói lời chia tay cô bạn gái lâu năm rồi lẳng lặng bay sang Berlin và Warsaw sinh sống tám tháng liền. Dưới chế độ ăn kiêng hết sức ngặt nghèo, anh tự giảm cân hơn 12 kg nhằm đạt được trạng thái thể chất tương đồng nhân vật chính. "Đó là khoảng thời gian buồn bã nhất đời tôi", Brody trả lời phỏng vấn.
Trong cảnh bần hàn cơ cực ấy, chính âm nhạc, phím đàn đã giúp cho lão nghệ sĩ đủ sức đương đầu nỗi sợ hãi bị bè lũ phát xít phát hiện. Vì vậy, Adrien Brody cũng phải dành 4 tiếng đồng hồ mỗi ngày để tập chơi nhuần nhuyễn một trích đoạn piano nổi tiếng của Frédéric Chopin: "Tôi đã phải chơi đàn thực sự và thật lạ kỳ, có một sức mạnh nào đó khiến tôi đồng cảm một phần tâm hồn của Szpilman".
3. Joaquin Phoenix - I’m Still Here (2010)
I’m Still Here thuộc thể loại phim tài liệu, giải thích về khoảng thời gian biến mất khó hiểu của Joaquin Phoenix do chính anh cùng cậu em rể Casey Affleck đầu tư sản xuất. Lúc đang ở đỉnh cao phong độ nghề nghiệp (giải Quả Cầu Vàng cho Walk In Line), Phoenix tuyên bố rời xa Hollywood đầy hào nhoáng và bắt đầu thử sức với sự nghiệp hát rap. Tất cả người xem đều tin rằng nội dung phim dựa trên cuộc đời anh, đến khi Phoenix tiết lộ đó chỉ là trò đùa tại liên hoan phim Venice.
Nhằm đánh lừa khán giả thật thuyết phục, Phoenix quyết tâm thay đổi về ngoại hình lẫn tính cách. Anh khiến mọi người bất ngờ trước thái độ suồng sã, thiếu đứng đắn bên cạnh bộ dạng lúng túng mỗi dịp xuất hiện trước công chúng. Phoenix cũng tăng cân, để râu ria, tóc tai xồm xoàm. Anh đã lột tả xuất sắc một diễn viên nổi tiếng đang dần lạc lối, không thể kiểm soát được bản thân và danh tiếng cá nhân.
Đây không hẳn là trường hợp người diễn viên quá nhập tâm vào nhân vật (method acting) vì Phoenix vẫn đủ sức làm chủ tình hình. Dẫu vậy, nỗ lực mà anh bỏ ra thực sự rất ấn tượng khi bất chấp sự nghiệp hiện tại và những lời đàm tiếu vây quanh để tự bêu xấu chính mình.
2. Shelley Duvall – The Shining (1980)
Stanley Kubrick vốn nổi tiếng bởi bản tính cầu toàn cực đoan. Hầu hết diễn viên từng cộng tác cùng ông đều chẳng thể quên nổi các đòi hỏi khắt khe từ vị đạo diễn này, thậm chí chúng ám ảnh tới mức khiến họ suy nhược cơ thể. Một trong những "nạn nhân" đáng thương của Stanley Kubrick chính là Shelley Duvall khi cô tham gia dự án The Shining, tượng đài phim kinh dị chuyển thể cuốn tiểu thuyết ăn khách của nhà văn Stephen King.
Stanley Kubrick đã bí mật lên kế hoạch cô lập Shelley Duvall, luôn tìm cách quát nạt cô nặng nề trước mặt toàn bộ ê-kíp và yêu cầu không ai được phép cảm thông với Duvall. Quá trình quay căng thẳng đến nỗi Shelley Duvall mắc chứng rụng tóc trầm trọng. Cô còn bị mất nước do bật khóc liên tục, thường xuyên cảm thấy tuyệt vọng sợ hãi.
Đặc biệt, phân đoạn nhân vật nữ chính dùng gậy bóng chày để tự vệ trước gã chồng vũ phu đã ám ảnh Shelley Duvall suốt thời gian dài. Chỉ vì muốn hành động vung gậy hoàn hảo nhất có thể, Kubrick bắt ép Duvall thực hiện tận 127 lần quay (sách kỉ lục Guiness thế giới ghi nhận đây là cảnh phim quay lại nhiều nhất). Sự nghiệp diễn xuất của Duvall lao dốc không phanh ngay sau đó và cô đành phải sống ẩn dật đến nay.
1. Heath Ledger – The Dark Knight (2008)
Hơn một tuần trước, ngày 22/01, cộng đồng yêu điện ảnh vừa tổ chức lễ tưởng niệm 10 năm ngày Heath Ledger vĩnh viễn chìm vào giấc ngủ say. Màn hóa thân đỉnh cao thành gã "hoàng tử giới tội phạm" của anh chinh phục biết bao khán giả bằng kỹ thuật diễn xuất bậc thầy đầy mê hoặc, góp phần đưa The Dark Knight bước lên hàng ngũ những kiệt tác điện ảnh siêu anh hùng đáng nhớ nhất từng được sản xuất.
Ban đầu, Christopher Nolan tiếp cận Heath Ledger cho nhân vật tay tỷ phú ăn chơi kiêm hiệp sĩ áo đen Gotham Bruce Wayne ở Batman Begin nhưng bị anh từ chối vì Ledger không thích sắm vai siêu anh hùng trừ gian diệt bạo. Tuy nhiên, lúc vị đạo diễn tìm kiếm gương mặt phù hợp để đảm nhiệm tượng đài phản diện đối chọi Batman, Ledger đã chủ động liên lạc, đề nghị với Nolan. Anh tự giam mình trong căn hộ cả tháng trời, bắt chước điệu bộ, giọng nói các tên sát nhân tâm thần và ghi chép tất cả tư liệu, nghiên cứu, cảm nghĩ về tên hề điên loạn Joker.
Heath Ledger bị vai diễn vắt kiệt hết sức lực, thậm chí đeo bám dai dẳng dù rời khỏi trường quay. Anh mất ngủ trầm trọng, chỉ chợp mắt đúng 2 tiếng mỗi ngày. Ledger đành tìm đến sự trợ giúp từ các viên thuốc an thần và một lần sử dụng quá liều đã đột ngột gây nên cái chết của anh. Gần một năm sau khi The Dark Knight khởi chiếu, Ledger được trao tặng tượng vàng Oscar vì vai diễn để đời.