#10yearschallenge của đất mẹ: Nhìn lại 10 năm, cảm xúc gói gọn trong 2 chữ "xót xa"

J.D,
Chia sẻ

Khi nghĩ lại những gì đã xảy ra với Trái đất trong vòng 10 năm qua, mọi thứ trở nên thật ảm đạm.

2019 sắp qua đi, chúng ta chuẩn bị bước sang năm 2020 - một thập niên mới, đánh dấu nhiều biến chuyển dành cho nhân loại.

Đời người có được mấy lần 10 năm? Đó là một khoảng thời gian không quá dài, nhưng đủ để tạo ra những thay đổi rõ rệt, có thể tốt, cũng có thể theo hướng tiêu cực hơn. Và khi các nhà khoa học nhìn lại chặng đường 10 năm của Trái đất, thì hành tinh này dường như đã thay đổi theo cái cách khiến con người ta phải đau lòng.

Biến đổi khí hậu

Chẳng thể nào phủ nhận được một sự thật rằng 10 năm qua, khí hậu Trái đất đã có những thay đổi cực kỳ rõ nét. Mà đáng buồn thay, đó lại là những thay đổi đầy tiêu cực.

#10yearschallenge của đất mẹ: Nhìn lại 10 năm, cảm xúc gói gọn trong 2 chữ xót xa - Ảnh 1.

Ảnh: Greenpeace

Theo như thống kê từ NASA, mỗi năm Nam Cực mất đến 127 gigaton băng đá (1 gigaton tương đương 1 tỉ tấn). Và con số ấy còn khủng khiếp hơn nếu chúng ta vòng lên phương Bắc, đến hòn đảo Greenland trong vành đai Bắc Cực. Nơi đây mất tới 286 gigaton mỗi năm.

Số băng này mất đi chủ yếu là bởi nhiệt độ toàn cầu đã tăng lên, và toàn bộ đã chảy ra các đại dương. Ước tính, nhiệt độ trung bình của nước biển đã tăng 0,9 độ C kể từ cuối thế kỷ 19, và nhiều khả năng sẽ tăng thêm 0,3 độ nữa vào cuối thập niên này - nghĩa là năm 2020.

#10yearschallenge của đất mẹ: Nhìn lại 10 năm, cảm xúc gói gọn trong 2 chữ xót xa - Ảnh 3.

Ảnh: WWF UK

Ô nhiễm nhựa

#10yearschallenge của đất mẹ: Nhìn lại 10 năm, cảm xúc gói gọn trong 2 chữ xót xa - Ảnh 4.

Bên cạnh biến đổi khí hậu thì từ năm 2018, cả thế giới như thức tỉnh trước thực trạng rác nhựa đang xâm chiếm các đại dương với mức độ kinh khủng như thế nào.

Ước tính mỗi năm, có khoảng 8 - 10 triệu tấn rác nhựa lọt ra ngoài đại dương. Mà tính chất của nhựa thì chắc ai cũng biết rồi, chúng sẽ ở đó hàng trăm, thậm chí cả ngàn năm mà vẫn không hề suy chuyển.

#10yearschallenge của đất mẹ: Nhìn lại 10 năm, cảm xúc gói gọn trong 2 chữ xót xa - Ảnh 5.

Ảnh: WWF - Philippines

Theo các nhà khoa học thì đến năm 2050, lượng rác nhựa trên đại dương sẽ còn vượt qua số cá về mặt khối lượng.

Xung đột bạo lực toàn cầu

Tháng 12/2010, Mohamed Bouazizi - một người bán hàng rong tại Tunisia đã cương quyết không chịu đóng tiền "bảo kê" cho quan chức tham nhũng địa phương. Hệ quả, sạp hàng rau củ của anh đã bị đập nát toàn bộ. Và trước áp lực ngày càng quá quắt của hệ thống công quyền, Bouazizi đã quyết định tự thiêu.

Đó là chuyện xảy ra 10 năm trước, nhưng cũng là khởi nguồn cho sự kiện "Mùa xuân Arab" - làn sóng tuần hành xảy ra khắp Trung Đông và Bắc Phi những năm sau đó, để rồi kết thúc bằng những cuộc nội chiến đẫm máu và làn sóng tị nạn ồ ạt của những người bị buộc phải rời khỏi nơi cư trú của mình.

#10yearschallenge của đất mẹ: Nhìn lại 10 năm, cảm xúc gói gọn trong 2 chữ xót xa - Ảnh 6.

Và những thay đổi tích cực?

Dĩ nhiên, chúng ta cũng có những câu chuyện tốt đẹp xảy ra trong 10 năm qua. Các vấn đề môi trường đang nghiêm trọng hơn, nhưng cùng với đó là nhận thức của người dân và các quốc gia cũng tăng lên. Nhiều đất nước đang dần chuyển dịch, hướng đến sự tăng trưởng bền vững và coi trọng hơn các nguồn năng lượng tái tạo.

Theo thống kê từ Ngân hàng thế giới (World Bank) và UN (Liên Hợp Quốc - LHQ), tình trạng đói nghèo đang ở mức thấp nhất trong lịch sử. Tỉ lệ trẻ em tử vong và giới trẻ mù chữ cũng giảm đi đáng kể, đồng thời tuổi thọ trung bình của thế giới cũng tăng lên.

Dẫu vậy, bức tranh toàn cảnh vẫn thật ảm đạm. Dù tỉ lệ đói nghèo giảm xuống, nhưng tại nhiều khu vực như châu Phi Hạ Sahara thì lại tăng đến chóng mặt. Tỷ lệ đói nghèo ở đây hiện đã lên tới 41%.

Với câu chuyện mù chữ, dù tổng quan đã giảm, nhưng tại các nước kém phát triển thì lại tăng mạnh, chủ yếu ảnh hưởng tới phụ nữ trẻ. Theo nghiên cứu gần nhất vào năm 2019, 59% người mù chữ hiện tại là các phụ nữ và trẻ em gái.

Tham khảo: BBC
Chia sẻ