Đó là 12 mẹo cực thú vị được bật mí trong cuốn sách “Hướng dẫn sinh tồn qua cuộc chiến nuôi con nhỏ” của cặp vợ chồng Mike Spohr và Heather – 2 nhà biên tập đến từ trang BuzzFeed đồng thời cũng là 2 phụ huynh của blog nổi tiếng The Spohrs Are Multipying.
Cặp vợ chồng Mike Spohr và Heather.
Cùng “bỏ túi” 12 bí kíp này nhé!
1. Trẻ có thể làm bạn bị thương nếu không cẩn thận
Bố mẹ cần bảo vệ bản thân cẩn thận khỏi những vết thương bởi chỉ chợp mắt một lúc thôi cũng không hề an toàn khi có trẻ nhỏ ở quanh. Con có thể kéo tóc, cào mặt, cấu xé, nhảy lên người,… bố mẹ bất cứ khi nào chúng muốn, đặc biệt là những lúc chúng mè nheo giận dỗi. Vì vậy, hãy luôn luôn giữ cảnh giác.
2. Làm quen dần với những lần ngượng chín mặt vì con
Nếu bạn lỡ xì hơi hay bị tiêu chảy chẳng hạn thì cũng đừng quá bất ngờ khi trẻ mang chuyện đó đi kể cho bất cứ người nào chúng gặp. Và cũng chuẩn bị tinh thần cho những lần ra ngoài với con, ví dụ như khi trẻ thấy một người với miếng dán mắt, chắc chắn điều đầu tiên chúng hét lên sẽ là “Cướp biển kìa!”. Vì vậy, hãy học thuộc dần câu “Ôi, tôi xin lỗi, tôi không biết rằng con tôi lại nói như vây” kèm theo một nụ cười mỗi khi ra ngoài.
3. Đừng để “sa vào con đường” lười tắm cho con
Chúng ta đều biết rằng tắm cho trẻ là một nhiệm vụ vô cùng khó nhằn, và chắc hẳn hầu như bố mẹ nào cũng sẽ đều cảm thấy chán ngán mỗi lần phải tắm cho trẻ. Tuy vậy, đừng vì thế mà cho phép bản thân bỏ qua một hôm tắm cho con, bởi như thế dần dần sẽ thành thói quen, và trẻ cũng sẽ trở nên lười tắm.
4. Chuẩn bị kỹ càng trước khi đi máy bay cùng con
Đi máy bay cùng con sẽ là một trải nghiệm thú vị, nhưng cũng sẽ khá là vất vả. Sẽ có rất nhiều khó khăn mà bạn phải đối mặt, và không thể không kể đến việc thay tã cho con. Chắc hẳn bố mẹ sẽ muốn có những sự chuẩn bị, thậm chí là tập dượt trước để có thể thay tã trong nhà vệ sinh chật hẹp giữa những rung lắc của máy bay.
5. Cách hiệu quả có thể khiến con yên lặng
Nếu con bạn đang nói quá nhiều hay làm ồn ở những nơi đòi hỏi yên tĩnh như trong thư viện, thì có một mẹo cực hay cho bố mẹ, đó là… hỏi con rằng con thích điều gì ở rau củ quả, chắc chắn con sẽ yên lặng ngay trong tích tắc.
6. Trẻ con cực kì nhanh nhạy với… kẹo
Vì vậy, bố mẹ sẽ cần phải nhanh tay nhanh mắt hơn trẻ để phát hiện ra kẹo sớm hơn. Nếu không, hoặc là bạn sẽ phải buộc nói “Không” với trẻ để rồi đối mặt với cơn mè nheo của chúng, hoặc là phải để trẻ ăn rồi đối mặt với sự “năng động thái quá” do ăn nhiều đường của trẻ.
7. Đối phó khi trẻ muốn ăn đồ ăn của bạn
Trẻ con có thể biếng ăn, nhưng có một thứ mà lúc nào chúng cũng muốn ăn, đó chính là đồ ăn của bố mẹ. Cách duy nhất để có thể giải quyết chính là bảo con rằng đồ ăn của bạn rất nóng hoặc rất cay, trẻ sẽ không đòi nữa, ít nhất là trong một lát.
8. Tốt nhất là nên hạn chế nói bằng ngôn ngữ của trẻ
Bởi vì trò chuyện với trẻ bằng những từ ngữ vô nghĩa như những nguyên âm khi trẻ bập bẹ sẽ làm ảnh hưởng đến sự phát triển khả năng ngôn ngữ và làm chậm quá trình tập nói của con.
9. Nếu một người nào đó chào con nhưng con không đáp lại, hãy thử những cớ sau để tránh khỏi sự ngượng ngùng cho người đó
“Thực ra con bé/thằng bé có chào lại, nhưng chỉ ở trong đầu thôi.”
“Tôi xin lỗi nhưng chắc vì con bé/thằng bé đang buồn. Chương trình yêu thích của nó trên TV mới bị ngừng chiếu.”
“Chắc con bé/thằng bé không nhìn thấy anh/chị mà đang nhìn người ở phía sau.”
10. Đừng bao giờ đồng ý để trẻ kéo dài thời gian đi ngủ
Tốt hơn hết là đừng đồng ý với những nài nỉ của trẻ đòi bạn đọc thêm những câu chuyện hay nô đùa thêm một lúc nữa. Bởi điều đó đồng nghĩa với việc bạn sẽ phải trải qua những đêm căng mắt trông con đến tận hơn 11 giờ vẫn chưa được đi ngủ.
11. Hãy tạo ra càng nhiều chuyến du lịch “mini” càng tốt
Những chuyến du lịch “mini” là những chuyến ra ngoài chơi không nhất thiết phải đến những nơi thật xa hay kéo dài thật nhiều ngày nhưng chúng không chỉ có thể giúp trẻ học hỏi quan sát thêm thật nhiều điều mới mà còn có thể thay đổi không khí. Trẻ sẽ vui vẻ và không mè nheo hay quấy nhiễu bạn quá nhiều nữa.
12. Khi con bạn đã lớn, bạn có thể sẽ mắc phải hội chứng rối loạn “hậu nuôi dạy con nhỏ”
Đó là khi bạn vẫn còn tiếp tục những thói quen khi con còn nhỏ. Để thoát khỏi hội chứng này, bạn cần phải quên đi những thói quen đó và thay vào đó là rèn luyện những thói quen mới phù hợp với con bạn.
Nguồn: buzzfeed