Có những khoảnh khắc trong quá trình mang thai rất kì diệu và xúc động mà bạn không bao giờ muốn kết thúc. Nhưng có một sự thật là, cơ thể bạn cũng sẽ có rất nhiều thay đổi trong suốt thai kỳ kéo theo những rắc rối về sức khỏe khiến cuộc sống của bạn bị ảnh hưởng khá nhiều. Một trong những rắc rối đó là chứng đau lưng.
Khi mang thai cơ thể bạn sẽ bắt đầu sản xuất một số hóc môn, trong đó có hóc môn relaxin giúp cơ thể chuẩn bị cho việc sinh nở. Một trong những ảnh hưởng của relaxin là làm cho các dây chằng mềm và dãn ra khiến cho cơ thể mẹ bầu ít ổn định và dễ bị tổn thương. Thêm vào đó bụng cũng phát triển lớn hơn, các cơ bắp căng ra để mang thêm trọng lượng, đặc biệt là ở vùng lưng dẫn đến chứng đau lưng.
Mang thai được coi là một yếu tố ảnh hưởng khiến cho cảm giác khó chịu và đau lưng trong giai đoạn đầu của thai kỳ. Các nghiên cứu chỉ ra rằng khoản 80% phụ nữ mang thai bị đau lưng ở một số thời điểm trong thai kỳ.
Nguyên nhân gây đau lưng ở phụ nữ mang thai:
Đau lưng khi mang bầu thường thấy xuất hiện ở vùng hông lưng nhất là vùng trên xương cùng. Các nguyên nhân phổ biến nhất gây đau lưng thai kỳ là:
1. Tăng cân
Trong thời kỳ mang thai, phụ nữ có xu hướng tăng cân rất nhiều và cột sống phải hỗ trợ để mang thêm trọng lượng đó. Cân nặng của thai nhi tăng dần lên và tử cung to ra chèn ép lên các mạch máu và dây thần kinh vùng xương chậu và lưng gây đau lưng.
2. Thay đổi tư thế
Trọng tâm cơ thể sẽ thay đổi trong thời kỳ mang thai. Kết quả là bạn có thể bị đau lưng do cơ bụng bị kéo giãn.
3. Sự tách cơ
Khi tử cung mở rộng, hai cơ bắp song song từ lồng ngực đến xương mu có thể bị tách dọc theo đường nối giữa, do đó có thể gây ra triệu chứng đau lưng.
4. Căng thẳng
Căng thẳng có thể gây căng và co thắt cơ lưng dẫn đến đau lưng.
5. Thừa cân
Bạn có thể đau lưng nhiều hơn trong quá trình mang thai nếu bạn bị thừa cân hoặc không phải là mang thai lần đầu. Công việc vất vả, chứng đau lưng hoặc đau vùng xương chậu, hoặc tổn thương xương chậu trước đây cũng có thể gây ra đau lưng trong thai kỳ.
Mặc dù mang thai đồng nghĩa với đau lưng nhưng hoàn toàn có thể chữa được. Dưới đây là 11 cách hiệu quả giúp giảm đau lưng trong thai kỳ.
1. Biết giới hạn của bản thân
Đừng cố nhấc các vật nặng. Trong trường hợp bạn phải cúi xuống nhấc vật nặng, hãy làm đúng tư thế. Đừng uốn cong eo, hãy cong gối hoặc ngồi xổm và nhấc nó lên. Đừng làm căng cơ lưng.
2. Duy trì tư thế đúng
• Tránh ngồi hoặc đứng quá lâu. Không đứng bằng một chân. Thỉnh thoảng nên ngồi xuống ghế nghỉ ngơi, nhất là sau khi phải đứng trong một thời gian dài.
• Khi ngồi trên ghế cần chọn ghế có tựa, nên dùng thêm gối tựa và cố gắng giữ lưng thẳng.
• Đứng thẳng với hai vai thả lỏng.
• Khi đi làm hoặc lúc lái xe các mẹ bầu có thể cân nhắc dùng đai hỗ trợ. Cố gắng không ngồi bắt chéo chân và sắp xếp đúng khoảng cách giữa màn hình máy tính và ghế. Cố gắng thỉnh thoảng rời khỏi bàn làm việc và hít thở không khí trong lành vào giờ ăn trưa.
• Hãy cẩn thận khi làm việc nhà, tránh các việc quá nặng.
• Nếu bạn đang có con trong độ tuổi tập đi và mang thai lần hai, cần đặc biệt chú ý tư thế khi nâng đỡ bế con. Cố gắng quỳ xuống hoặc ngồi xổm để bế đỡ con.
3. Lưu ý tư thế khi ngủ
• Nằm nghiêng một bên khi ngủ và không gập đầu gối. Sử dụng gối chữ U cho phụ nữ mang bầu hoặc kẹp gối giữa hai chân và chèn gối sau lưng khi ngủ sẽ giúp cho mẹ bầu thoải mái hơn.
• Ngủ trên tấm đệm cứng tạo độ phẳng
• Khi ra khỏi giường, lật người sang một bên, từ từ đẩy người ngồi dậy và sau đó đứng lên Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ phụ khoa về các bài tập kéo giãn và các bài tập ít tác động an toàn cho bạn. Các những bài tập đó có thể giúp giảm đau lưng và tăng cường sự linh hoạt cho cơ thể.
• Nếu bác sĩ đồng ý bạn có thể thử liệu pháp mát xa nhẹ nhàng.
• Không dùng bất kỳ loại thuốc nào mà không có sự đồng ý của bác sĩ vì có thể gây ra biến chứng trong thai kỳ.
4. Lựa chọn trang phục phù hợp
• Mặc áo ngực bầu đúng kích cỡ, cần đảm bảo rằng áo đủ rộng để không chèn ép vai và lồng ngực.
• Đeo đai hỗ trợ hoặc mặc quần gen bụng cho phụ nữ bầu.
• Tránh mặc quần áo chật trong khi mang thai vì điều này có thể gây tắc nghẽn mạch máu và giảm nguồn cung cấp oxy cho các cơ khiến lưng bị đau.
• Bạn nên dừng đi những đôi giày, dép cao gót trong thời gian mang thai cho đến khi sinh nở. Bác sĩ khuyên bạn mang giày đế thấp mặc dù nhìn chúng không được thời trang nhưng sẽ tạo cảm giác thoải mái và an toàn cho cả mẹ và bé.
5. Châm cứu
Châm cứu là một liệu pháp chữa trị của y học Trung Quốc trong đó sử dụng các kim nhỏ để kích thích một số điểm trên cơ thể để giảm đau lưng. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng châm cứu có thể có hiệu quả trong việc làm giảm đau lưng trong quá trình mang thai.
6. Liệu pháp điều trị bằng hương thơm
Thư giãn trong bồn nước ấm pha thêm vài giọt tinh dầu oải hương có thể giúp giảm đau cơ một cách dễ dàng. Tuy nhiên, không nên sử dụng tinh dầu hoa oải hương thường xuyên trong 3 tháng đầu mang thai vì nó có thể kích thích các cơn co thắt dạ con.
7. Các bài tập cho tim mạch giúp giảm đau lưng
Một hoạt động làm tăng nhịp tim trong một khoảng thời gian nhất định được gọi là các bài tập cho tim mạch. Đi bộ, đạp xe, bơi lội đều an toàn cho phần lớn phụ nữ mang thai và có thể thực hiện trong khoảng 20 - 45 phút/ngày, từ 3-5 ngày/tuần. Phụ nữ mang thai nên tập thể dục ở mức độ nhẹ hoặc trung bình, không nên tập quá sức. Hãy nhớ rằng bất kỳ bài tập thể dục nào cũng tốt hơn là không tập gì, ngay cả 10 phút đi bộ vào giờ ăn trưa cũng rất có lợi.
8. Liệu pháp thảo dược
Có thể sử dụng liệu pháp thảo dược để chữa đau lưng nhưng cần cẩn thận trong quá trình mang thai khi mà chưa chứng minh được chúng hoàn toàn an toàn.
9. Chườm nóng/lạnh
Dùng miếng chườm nóng hoặc miếng dán lạnh có thể làm giảm đau lưng tạm thời. Mát-xa cũng rất hữu ích cho phụ nữ mang thai khi bị đau lưng.
10. Thư giãn tâm trí
Tĩnh tâm là một cách giúp thả lỏng lưng. Các mẹ bầu có thể thử một số bài tập yoga và thiền sẽ giúp não và lưng được thư giãn.
11. Chế độ dinh dưỡng
Bạn nên kiểm soát việc tăng cân trong quá trình mang thai vì thêm trọng lượng là thêm áp lực lên lưng. Chế độ dinh dưỡng cân bằng là một khía cạnh quan trọng giúp bạn có một thai kỳ khỏe mạnh. Một chế độ ăn uống lành mạnh cân bằng lượng chất béo, protein, đủ nước và nhiều trái cây rau quả sẽ đảm bảo đủ dinh dưỡng cho cơ thể.
Không dùng các chất cafein là một cách tự nhiên để tránh bị đau lưng.
Đau lưng có thể liên quan đến loãng xương do mang thai, viêm xương khớp đốt sống, hay viêm khớp nhiễm trùng nhưng đây không phải là vấn đề phổ biến.
Một số hoạt động mẹ bầu nên tránh để ngăn ngừa đau lưng khi mang thai:
• Đi bộ nhanh
• Đi bộ quá lâu
• Ngồi bắt chéo chân
• Ngồi quỳ lên hai chân
• Nằm ngửa
• Bơi ếch
Mang thai được coi là quãng thời gian nhạy cảm. Các chuyên gia y tế sử dụng các biện pháp phòng ngừa đặc biệt để đảm bảo sức khỏe của mẹ và sự phát triển của thai nhi. Do đó, không nên bỏ qua các triệu chứng liên quan đến đau lưng khi mang thai. Nếu không được giải quyết triệt để, những triệu chứng này có thể kéo dài và ảnh hưởng đến sinh hoạt và sức khỏe người mẹ sau khi sinh nở. Quan trọng là bạn phải hiểu được các vấn đề cơ bản của chứng đau lưng, từ đó có phương pháp phòng chống và điều trị thích hợp.
Mang thai là khoảnh khắc hạnh phúc của các ông bố bà mẹ. Đó cũng là một quãng thời gian người mẹ phải thận trọng để bảo vệ thai nhi và sinh nở mẹ tròn con vuông. Mỗi em bé có sự phát triển khác nhau ngay từ trong bụng mẹ. Hãy chăm sóc bản thân để bé phát triển tốt và mẹ thoát khỏi chứng đau lưng khi mang thai.