Hầu hết phụ nữ mang thai không tập thể dục nhiều trong suốt thai kỳ. Đa số sẽ tận dụng cơ hội mang thai để ăn những gì mình muốn và không vận động nhiều, coi việc mang thai là một cái cớ để tăng cân và lười biếng.
Tuy nhiên, để có một sức khỏe tốt trong quá trình mang thai thì tập thể dục cũng quan trọng như việc ăn uống hay giấc ngủ.
Ảnh minh họa.
Tập thể dục an toàn trong thai kì
Có một quan niệm phổ biến rằng phụ nữ mang thai cần ít vận động và di chuyển. Nhưng điều này chỉ đúng đối với những phụ nữ đang phải đối mặt với biến chứng trong thai kì chứ không phải tất cả.
Tập thể dục khi mang thai sẽ không gây ảnh hưởng đến bạn hoặc thai nhi. Sẽ vẫn an toàn khi bạn tập luyện ở một mức độ nhất định trong quá trình mang thai. Trên thực tế, bác sĩ sẽ khuyên bạn nên tập thể dục vì nhiều lí do sẽ được đề cập ở phần sau.
Trước khi tham gia tập luyện, bạn cần thực hiện một số biện pháp phòng ngừa và lưu ý tránh một số vấn đề sau đây:
• Không tập luyện khi thấy không khỏe trong quá trình mang thai.
• Tuyệt đối không tham gia các môn thể thao đối kháng hoặc các môn thể thao đồng đội.
• Không tập các bài thể dục có các động tác nhảy trong suốt thai kì.
• Nếu bạn dự định tập aerobic trong khi mang thai, bạn chỉ nên tham gia ở cấp độ thấp.
• Sau khi kết thúc 3 tháng đầu thai kì, cần tránh các bài tập thể dục đòi hỏi bạn phải nằm nhiều vì nó có thể gây trở ngại cho tuần hoàn máu.
• Trong thời gian mang thai, bạn cần xác định mục tiêu tập thể dục là để giữ sức khỏe chứ không phải để giảm cân. Vì vậy, bạn không nên tham gia các bài tập giảm béo và không tập quá sức để không làm ảnh hưởng đến bản thân và thai nhi.
• Không tập thể dục vào những ngày quá nóng. Ngay cả vào những ngày thời tiết bình thường, cần đảm bảo rằng tập thể dục vào những khoảng thời gian mát như sáng sớm hoặc sau 4 giờ chiều.
• Nhớ uống đủ nước khi tập thể dục.
• Mặc những bộ đồ tập tạo cảm giác thoải mái.
• Luôn khởi động trước khi bắt đầu và hạ nhiệt thư giãn sau khi kết thúc bài tập.
• Hãy nhớ luôn lắng nghe cơ thể trong quá trình tập luyện. Nếu cảm thấy chóng mặt hay bị ngất, đau đột ngột ở lưng hay ngực, hay thấy ra máu, hay tim đập quá nhanh, chứng tỏ bạn đang tập quá sức và nên dừng lại. Cần gọi cho bác sĩ nếu bạn thấy bất kì triệu chứng nào trên đây để được kiểm tra kịp thời.
• Bạn không nên tập thể dục trong suốt thai kì nếu trước đây đã từng sẩy thai hoặc sinh non. Bác sĩ sẽ hiểu rõ nhất bạn nên nằm dưỡng thai hay có thể tham gia tập thể dục. Như vậy việc kiểm tra điều kiện sức khỏe trước khi tham gia tập thể dục là vô cùng quan trọng.
Ảnh minh họa.
Lợi ích của việc tập thể dục trong thai kì
• Lợi ích rõ ràng nhất của tập thể dục khi mang thai là giúp bạn kiểm soát giới hạn cân nặng. Phụ nữ thường xuyên tập thể dục trong quá trình mang thai sẽ giảm cân sau khi sinh dễ dàng hơn. Hơn nữa, việc tập thể dục giúp cải thiện hình ảnh cơ thể để bạn cảm thấy tự tin hơn về chính mình.
• Tập thể dục là một cách tuyệt vời để giảm bớt stress trong quá trình mang thai. Các bà mẹ thường xuyên tập thể dục trong thai kì sẽ ít bị thay đổi tâm lý và ít bị căng thẳng do ảnh hưởng của các hóc môn.
• Nếu bạn đang bị mất ngủ thì tập thể dục giúp bạn ngủ ngon hơn.
• Bạn bị táo bón? Tập thể dục là một cách rất tốt giúp việc tiêu hóa và bài tiết hiệu quả hơn.
• Tập thể dục cũng sẽ giúp giảm đau nhức các khớp và cơ bắp trong thời kì mang thai.
• Nếu bạn đang lo lắng về tình trạng sinh nở thì việc tập thể dục sẽ giúp bạn có sức bền và dẻo dai hơn, cơ thể khỏe mạnh hơn và từ đó dễ sinh hơn.
• Nghiên cứu chỉ ra rằng phụ nữ thường xuyên tập thể dục khi mang thai sẽ ngăn ngừa được bệnh cao huyết áp, từ đó ít mắc phải nguy cơ tiền sản giật – một triệu chứng dẫn đến sinh non và gây nguy hiểm cho cả mẹ lẫn con.
• Tập thể dục trong thai kì sẽ cải thiện việc lưu thông máu. Điều này có thể giúp ngăn ngừa vấn đề giãn tĩnh mạch, bệnh trĩ và bệnh tiểu đường.
Ảnh minh họa.
Một số bài tập thể dục phù hợp khi mang thai
Dưới đây là một vài gợi ý về bài tập phù hợp cho các mẹ bầu. Tuy nhiên, cần nhớ tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi bạn bắt đầu kế hoạch tập luyện.
Chế độ tập luyện trong thai kì nên căn cứ vào mức độ sức khỏe của bạn trước khi bạn có thai. Có nghĩa là nếu bạn không tập thể dục trước đây thì khi mang thai bạn nên bắt đầu thật chậm. Còn nếu đã từng tham gia tập luyện trước đây thì bây giờ bạn có thể tiếp tục với một vài điều chỉnh nhỏ.
Đi bộ: Bài tập tốt nhất và an toàn nhất cho phụ nữ mang thai là đi bộ. Đi bộ rất đơn giản vì chẳng cần đến bất kỳ loại máy tập hoặc huấn luyện viên hướng dẫn. Và đi bộ cũng ít gây ra chấn thương và đủ nhẹ nhàng để không làm ảnh hưởng đến thai nhi. Bạn có thể đi bộ trong suốt thai kỳ từ tháng đầu tiên đến tháng cuối.
Bơi: cũng là một môn thể thao tuyệt vời cho mẹ bầu vì rất an toàn, đủ nhẹ nhàng và giúp giảm áp lực các khớp xương.
Aerobic dưới nước: là môn thể thao phổ biến cho phụ nữ mang thai, vừa mang lại sức khỏe vừa tạo sự vui vẻ.
Yoga: là một cách tuyệt vời để thư giãn và rèn luyện trong khi mang thai. Yoga không chỉ là tập thể dục mà còn giúp làm giảm bớt, thậm chí loại bỏ những đau nhức trong thai kì.
Pilates: có thể thay thế yoga bằng môn thể thao Pilates. Có một số lớp học Pilates cho phụ nữ mang thai giúp làm giảm bớt một số vấn đề trong quá trình mang bầu. Đặc biệt, Pilates sẽ giúp bạn tăng sức bền, hỗ trợ cho quá trình sinh nở.
Chạy bộ: cũng có thể thực hiện trong thời gian mang thai. Nhưng bạn cần điều chỉnh tốc độ chạy để không gây ảnh hưởng đến thai nhi. Nên tham khảo ý kiến tư vấn của bác sĩ nếu bạn lựa chọn tập chạy.
Đạp xe trong nhà: có thể thực hiện trong 3 tháng cuối thai kì. Nếu bạn ngại phải ra ngoài với bụng bầu lớn để đi bơi hay tập yoga, bạn có thể thay thế bằng việc tập đạp xe trong nhà.
Tập tạ: cũng là một lựa chọn tốt nhưng bạn đừng đẩy ở mức quá nặng. Nếu bạn có thể tìm một huấn luyện viên giúp bạn xác định các bài tập thích hợp cho việc mang thai thì sẽ rất có lợi vì tập tạ giúp săn chắc cơ bắp và tăng cường thể lực.
Tập Gym: Nếu bạn đã từng tập gym hoặc thường xuyên tập luyện với cường độ cao trước khi mang thai, bạn vẫn có thể tiếp tục trong một vài tháng trong thai kì chỉ khi bạn thấy khỏe và bác sĩ đồng ý.