Trong cuốn sách Lấp đầy trống rỗng - Chữa lành tổn thương cảm xúc thời thơ ấu của nữ TS.Tâm lý học Jonice Webb. Tác giả đã dày công nghiên cứu và chỉ ra 12 kiểu cha mẹ điển hình là "nguyên nhân" hình thành nên những đứa trẻ bị "thiếu hụt cảm xúc thời thơ ấu".
Mỗi người chúng ta đều có thể nhìn thấy một phần của chính mình trong 1 hoặc nhiều mẫu cha mẹ thất bại trong việc kết nối cảm xúc với con cái dưới đây:
Loại 1: Cha mẹ ái kỷ
Những người sống ái kỷ rất giống như tên gọi của họ. Phần lớn thời gian, họ thể hiện sự vượt trội, tự tin và lôi cuốn. Mặc dù kiêu ngạo nhưng họ rất dễ bị tổn thương và khá yếu đuối về tình cảm. Họ giữ mối hận thù, đổ lỗi thất bại cho người khác, xa lánh mọi người và nổi cơn thịnh nộ khi mọi thứ không theo ý mình. Họ không thích sai. Họ thích nghe mình nói chuyện.
Nhưng có lẽ đặc điểm tai hại nhất là họ thường phán xét người khác và thấy người khác thiếu sót một cách đáng buồn. Họ là Vua và Nữ hoàng của bất kỳ gia đình, văn phòng hay doanh nghiệp nào. Bạn có thể tưởng tượng rằng khi những người ái kỷ trở thành cha mẹ, họ đòi hỏi sự hoàn hảo từ con cái hoặc ít nhất, không được làm họ khó chịu.
Loại 2: Cha mẹ độc đoán
Năm 1966, nhà tâm lý học, Tiến sĩ Diana Baumrind mô tả các bậc cha mẹ độc đoán là những người có quy tắc, giới hạn và trừng phạt, nuôi dạy con cái của họ dựa trên những yêu cầu rất thiếu linh hoạt và không thể thay đổi.
Cha mẹ độc đoán đòi hỏi rất nhiều từ con cái của họ. Đứa trẻ phải tuân theo các quy tắc của cha mẹ mà không được hỏi lại. Đồng thời, những bậc cha mẹ này không giải thích nguyên nhân đằng sau các quy tắc của họ. Họ chỉ đơn giản yêu cầu sự tuân thủ và thẳng tay trừng phạt khi đứa trẻ không nghe lời.
Cha mẹ độc đoán thường trừng phạt hoặc đánh đòn hơn là thảo luận về một vấn đề với con của họ... Họ làm cha mẹ theo một khuôn mẫu mà họ có trong đầu về hành vi của một đứa trẻ nhìn chung phải như thế nào, mà không tính đến nhu cầu cá nhân, tính khí hoặc cảm xúc của từng đứa trẻ cụ thể.
Loại 3: Cha mẹ dễ dãi
Cha mẹ dễ dãi có thể được coi là đối cực của cha mẹ độc đoán theo nhiều cách. Phương châm của cha mẹ dễ dãi là “Đừng lo lắng, hãy hạnh phúc”. Dù bằng cách nào, họ cũng không cung cấp cho con mình những giới hạn, quy định, hoặc ở tuổi vị thành niên, sự hiện diện mạnh mẽ của người lớn để chống lại những lúc nổi loạn của trẻ.
Nói “không” sẽ rất tốn năng lượng. Buộc con cái làm việc nhà hoặc một trách nhiệm sẽ cần năng lượng. Đối phó với một đứa trẻ tức giận cần năng lượng. Bị con bạn ghét vì nói không cũng thật là đau khổ. Cha mẹ dễ dãi nhận thấy việc tự làm công việc nhà dễ dàng hơn là bắt trẻ phải làm. Và lờ đi hoặc tìm lời bào chữa cho đứa trẻ khi nó gây rắc rối thì cũng tương tự như vậy.
Cha mẹ dễ dãi thường được con cái xem là rất yêu thương mình. Điều này là do cha mẹ dễ dãi gây ra rất ít xung đột với con cái của họ. Họ chỉ đơn giản là không nói “không” đủ thường xuyên. Nhiều người trong số các bậc cha mẹ này rất khó chịu với xung đột nói chung, và cũng phải đấu tranh với tính tự kỷ luật.
Loại 4: Cha mẹ vắng bóng
Những bậc cha mẹ ly hôn hoặc quả phụ thường cố gắng đối phó với việc nuôi dạy con cái một cách tuyệt vọng. Thật không dễ dàng để nuôi con khi người cha, người mẹ đang đau khổ. Điều đó thậm chí còn khó hơn khi họ đang đau buồn với sự ra đi của người bạn đời của họ.
Những đứa trẻ mất cha hoặc mẹ do ly hôn hoặc qua đời có nỗi đau riêng của chúng. Sự đau buồn trong một gia đình có thể rất phức tạp và khó khăn. Nhưng ở đây, chúng tôi chỉ quan tâm chủ yếu đến một khía cạnh của tình huống này: khi nó dẫn đến việc đứa trẻ bị bỏ mặc về cảm xúc.
Loại 5: Cha mẹ nghiện ngập
Khi chúng ta nghe từ “nghiện”, hầu hết chúng ta đều nghĩ “nghiện rượu” hoặc “nghiện ma túy”. Nhưng nghiện bao gồm một loạt các hành vi rộng hơn nhiều, từ cờ bạc, mua sắm, nghiện internet hoặc khiêu dâm đến vé cào, thuốc lá, máy đánh bạc và chơi trò chơi trực tuyến. Một số hoạt động này nếu được theo đuổi một cách điều độ sẽ là những cách giảm căng thẳng khá tốt.
Trong thời kỳ bùng nổ chưa từng có của đồ chơi công nghệ cao, mua hàng bằng tín dụng, truy cập web không giới hạn và mạng xã hội, có khả năng rất lớn là bất kỳ ai trong chúng ta cũng có thể mắc vào các chứng nghiện ngập này. Con cái của những bậc cha mẹ nghiện ngập rối loạn chức năng này không chỉ bị bỏ mặc về mặt tình cảm mà còn bị tổn thương.
Loại 6: Cha mẹ trầm cảm
Các bậc cha mẹ trầm cảm có rất ít năng lượng hoặc nhiệt huyết cho công việc nuôi dạy con cái. Không giống như cha mẹ ái kỷ và đòi hỏi sự quan tâm, cha mẹ trầm cảm dường như biến mất trong cuộc sống gia đình.
Ở trường, con cái của cha mẹ trầm cảm dễ bị coi là những kẻ gây rối hơn con của các bậc cha mẹ không trầm cảm. Bởi vì cha mẹ trầm cảm ít đưa ra lời an ủi hoặc động viên, con của họ không biết cách tự xoa dịu bản thân và có thể sử dụng ma túy hoặc rượu ở tuổi vị thành niên. Bởi vì cha mẹ trầm cảm tỏ ra áp đặt hoặc bị choáng ngợp bởi những nhu cầu thông thường của việc nuôi dạy con cái, con của họ không cảm nhận được rằng chúng đáng giá và do đó, bản thân có nguy cơ trở nên trầm cảm khi trưởng thành. Cuối cùng, vì cha mẹ trầm cảm không kiểm soát được hành vi của mình, con cái của họ cũng có nguy cơ mất kiểm soát bản thân.
Loại 7: Cha mẹ nghiện công việc
Chủ nghĩa đam mê công việc thường được coi là một mặt tích cực trong xã hội của chúng ta. Trong nền kinh tế luôn chú trọng tới tăng trưởng, chúng ta coi trọng sự chăm chỉ và thu nhập cao. Những người tham công tiếc việc thường là những người thành công, có định hướng tốt và được đồng nghiệp, gia đình và cộng đồng ngưỡng mộ.
Thật không may, những đứa con của họ thường phải chịu đựng trong im lặng. Các bậc cha mẹ tham công tiếc việc làm việc đến 14 tiếng một ngày, bị ám ảnh bởi công việc, có xu hướng ít quan tâm đến nhu cầu và cảm xúc của con cái. Tệ hơn nữa, những đứa trẻ của người tham công tiếc việc không nhận được thiện cảm của người khác, vì chúng thường có cha mẹ thành đạt, giàu có và những điều tốt đẹp.
Loại 8: Cha mẹ với thành viên trong gia đình cần sự trợ giúp đặc biệt
Không có loại phụ huynh nào xứng đáng có mặt trong cuốn sách về sự thiếu quan tâm cảm xúc HƠN là phụ huynh trong một gia đình có người bị bệnh hoặc khuyết tật nặng. Nhưng vấn đề vẫn nằm ở đây, mặc dù đó không phải do lỗi của họ, bởi vì cuộc sống đã mang đến một thử thách nằm ngoài tầm kiểm soát của họ.
Khi cha mẹ (hoặc cảm thấy) bất lực trong việc thay đổi những điều tồi tệ trong cuộc sống của con cái, họ có xu hướng tối thiểu hóa tác động của những điều tồi tệ đó trong đầu họ. Những bậc cha mẹ như vậy không chỉ tối thiểu hóa sự đau khổ của con họ một cách vô thức mà họ còn vô tình tạo gánh nặng cho con về sự trưởng thành sớm mà con không thực sự có khả năng. Họ thường cần và mong đợi đứa con khỏe mạnh của mình cũng có lòng trắc ẩn, vị tha và kiên nhẫn như bản thân họ cần.
Loại 9: Cha mẹ quá chú trọng thành tựu
Phụ huynh chú trọng thành tựu hiếm khi có vẻ hài lòng. Nếu con của họ trở về nhà với toàn điểm A trong bảng điểm, họ sẽ nói, “Lần sau, bố/mẹ sẽ chờ điểm A ở con”. Loại cha mẹ này có một vài điểm chung với cha mẹ ái kỷ mà chúng ta đã nói đến.
Cha mẹ chú trọng thành tựu có thể được thúc đẩy bởi một số yếu tố khác nhau. Không phải tất cả cha mẹ chú trọng thành tựu đều lơ là về mặt tình cảm. Nhiều bậc cha mẹ của các vận động viên Olympic, nghệ sĩ piano hòa nhạc, cầu thủ bóng chày chuyên nghiệp có thể được coi là chú trọng thành tựu vì họ được định hướng và ủng hộ con mình trở thành người giỏi nhất.
Một số cha mẹ chú trọng thành tựu đặt áp lực cho con cái họ phải đạt được thành tích vì họ rất muốn có cơ hội mà chính họ đã không có được. Nhiều người đang hành động theo cảm giác của riêng họ rằng bản thân họ phải hoàn hảo. Một số đang cố gắng sống cuộc sống của chính họ thông qua đứa con của mình. Vẫn còn những phụ huynh chú trọng thành tựu khác có thể chỉ đơn giản là đang nuôi dạy con mình theo cách họ đã được nuôi dạy bởi vì đó là những gì họ biết.
Loại 10: Cha mẹ rối loạn nhân cách chống đối xã hội
Hầu hết mọi người sẽ không bao giờ nghĩ về những người này như một người bị rối loạn tâm thần. Trên thực tế, họ có thể có một sức hút thu hút mọi người đến với mình. Họ có thể được nhiều người ngưỡng mộ và tỏ ra vị tha, tốt bụng. Nhưng trong sâu thẳm, họ không giống như những người còn lại trong chúng ta
Một người rối loạn tâm thần có thể nói hoặc làm bất cứ điều gì họ muốn và không cảm thấy tồi tệ vào ngày hôm sau, hoặc bất cứ lúc nào. Cùng với sự thiếu cảm giác tội lỗi là sự thiếu đồng cảm sâu sắc. Đối với họ, cảm xúc của người khác là vô nghĩa vì họ không có khả năng cảm nhận được chúng. Trên thực tế, người mắc rối loạn nhân cách chống đối xã hội không cảm nhận thấy cảm xúc theo cách mà chúng ta cảm nhận.
Loại 11: Trẻ em gồng mình trong vai trò làm cha mẹ
Kiểu cha mẹ này thực sự cho phép, khuyến khích hoặc ép buộc con mình cư xử như thể mình là cha mẹ chứ không phải con cái. Đôi khi đứa trẻ phải tự mình “làm cha mẹ” của chính mình, và đôi khi nó cũng phải nuôi dưỡng anh chị em của mình. Trong những ví dụ cực đoan nhất, một đứa trẻ thậm chí có thể được gọi là cha mẹ của chính cha mẹ của nó. Trong phần lớn các gia đình này, có một số loại khó khăn cùng cực buộc đứa trẻ phải đột ngột trở thành người lớn.
Một số kiểu nuôi dạy con cái mà chúng ta đã nói đến là những ví dụ điển hình về những gia đình có hoàn cảnh khó khăn như vậy. Ví dụ: gia đình mất người thân, gia đình có thành viên bị bệnh hoặc gia đình có cha mẹ nghiện ngập hoặc trầm cảm. Một ví dụ khác có thể là một gia đình gặp khó khăn về tài chính đến mức cả cha và mẹ đều buộc phải làm việc nhiều giờ. Trong tất cả những trường hợp này, tồn tại một số lý do tại sao cha mẹ thực sự không thực hiện các chức năng của cha mẹ để đứa trẻ phải bước lên và tiếp quản vị trí đó.
Loại 12: Cha mẹ có hảo ý nhưng chính họ cũng bị bỏ rơi về mặt cảm xúc
Ngay cả những bậc cha mẹ yêu thương và tốt nhất cũng có thể thiếu quan tâm về mặt tình cảm với con mình. Như đã lưu ý ở đầu chương này, kiểu cha mẹ này có lẽ tạo nên nhóm phụ huynh lớn nhất trong số các bậc cha mẹ bỏ bê tình cảm.
Sự thật là, yêu thương con bạn là một việc rất khác so với việc hòa hợp với con bạn. Để phát triển lành mạnh, chỉ yêu thương một đứa trẻ thôi là chưa đủ. Để có thể hòa hợp với con mình, cha mẹ phải là người nhận thức và hiểu được cảm xúc nói chung. Cha mẹ phải tinh ý để có thể nhìn thấy những gì con mình có thể làm và không thể làm khi trẻ phát triển. Họ phải sẵn lòng, có thể nỗ lực và có năng lượng cần thiết để thực sự hiểu con mình. Cha mẹ tốt nếu thiếu bất kỳ một trong những lĩnh vực này đều có nguy cơ thất bại trong việc hiểu con mình về mặt cảm xúc.
*Tham khảo từ cuốn sách Lấp đầy những trống rỗng