1. Đạt trọng lượng “chuẩn”

Việc thiếu cân có thể ảnh hưởng đến sự rụng trứng. Ngoài ra, việc tăng đủ cân sẽ giúp việc mang thai thuận lợi hơn do cơ thể khỏe mạnh, nguy cơ cao huyết áp hay tiểu đường thai kỳ cũng giảm xuống.

Việc năng vận động bằng các bài tập nhẹ nhàng như đi bộ, tập yoga cũng giúp quá trình thụ thai tốt hơn.

2. Tránh xa rượu và thuốc lá

Cả hai thứ trên đều gây khó thụ thai (do giảm lượng tinh trùng) hay gây hại nghiêm trọng đối với sự phát triển của thai nhi, chẳng hạn như bệnh tim mạch hay thiểu năng trí tuệ.

3. Kiểm tra lại đơn thuốc

Một số đơn thuốc và dược phẩm an toàn khi sử dụng trong thời kỳ mang thai, nhưng một số thì không.

Một số loại thuốc khác thì chưa được xác định rõ có ảnh hưởng hay không. Vì thế bạn thay đổi hoặc ngừng sử dụng cho đến khi bạn sinh xong em bé. Tốt nhất là nên gặp bác sỹ tư vấn ngay lập tức.

4. Gặp nha sỹ

Việc lên kế hoạch khám và làm sạch răng miệng định kỳ 6 tháng/lần không chỉ giảm nguy cơ viêm nhiễm mà còn giúp giảm nguy cơ đẻ non hoặc bị tiền sản giật.

5. Tiêm phòng

Gặp bác sỹ để biết loại vắc-xin nào bạn nên tiêm trước khi thụ thai.


6. Cân nhắc việc kiểm tra gen

Nếu trong gia đình có tiền sử mắc các bệnh liên quan đến gen thì nên đi xét nghiệm máu kiểm tra.

7. Sửa sang nhà cửa

Các độc tố bạn nên tranh tiếp xúc trong thời kỳ mang thai bao gồm thuốc trừ sâu, chất tẩy rửa và sơn và đặc biết là dung môi tẩy sơn.

Chúng có chứa rất nhiều hóa chất độc hại liên quan đến những khuyết tật ở trẻ. Vì vậy, nếu bạn cần phải sửa phòng hay tân trang đồ đạc hãy làm ngay từ lúc bạn chưa mang thai và nên để việc này cho các đức lang quân.


Nếu sơn sửa phòng cho em bé, hãy sử dụng loại sơn không có chất độc hại.

8. Bổ sung a-xit folic

A-xit folic là các dạng hòa tan trong nước của vitamin B9, cần thiết cho dinh dưỡng hằng ngày và đặc biệt giúp giảm nguy cơ khuyết tật cột sống ở thai nhi. Nhu cầu về chất này tăng cao ở phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh.

Loại vitamin này rất nhiều trong cải bó xôi và rất nhiều loại ngũ cốc khác nhưng phụ nữ mang thai nên uống vitamin B9 bổ sung để đáp ứng đủ 400mcg/ngày khi chưa mang thai) và 600mcg/ngày khi đang mang thai). Vì thế giải pháp là bạn sử dụng thuốc uống bổ trợ để đảm bảo có đủ lượng vitamin B cần thiết.

9. Hạn chế cafein

Không có tài liệu nào xác định cụ thể sử dụng bao nhiêu chất kích thích mỗi ngày là tốt cho phụ nữ mang thai, nhưng theo các bác sỹ, càng ít càng tốt, khoảng dưới 150 mg/ngày.


Nếu bắt đầu giảm cafein ngay từ bây giờ, bạn sẽ không phải trải qua cảm giác “cai nghiện” trong thời kỳ mang thai. Hơn nữa, chất cafein cũng ảnh hưởng tới khả năng sinh sản, vì vậy hãy từ bỏ chúng ngay từ bây giờ nếu bạn muốn sớm có thai.

10. Lựa chọn bác sỹ

Việc tìm một bác sỹ, người sẽ chăm sóc việc sinh nở của bạn rất quan trọng vì nó tạo cho bà bầu tâm lý thoải mái, tin tưởng.

11. Mang găng tay khi dọn vệ sinh chó mèo

Trong quá trình mang thai, bạn rất dễ nhiễm những bệnh do những động vật ký sinh gây ra do tiếp xúc với chất thải của động vật nuôi trong nhà. Vì thế bạn nên mang găng tay để dọn dep chúng, nếu không hãy nhờ các ông chồng.

12. Sửa sang đầu tóc

Việc nhuộn tóc trong khi mang thai có ảnh hưởng đến thai nhi hay không vẫn đang còn gây tranh cãi. Tuy nhiên nhiều bác sỹ khuyên rằng không nên nhuộm tóc trong thoài gian này.

Vì thế hãy chỉ đến tiệm cắt tóc và sửa sang lại mái tóc, nhuộm màu trước khi có thai thôi nhé.
Theo Dân Trí