1. Làn da của bé rất khô
Chúng ta vẫn thường nghe cụm từ “mềm mại như da em bé” nhưng trong thực tế da của bé sơ sinh thường có vẩy và nó khá khô bởi đơn giản đó là lần đầu tiên da bé được tiếp xúc với không khí.
Khi bé ở trong bụng mẹ, da bé có một lớp bảo vệ màu trắng dạng sáp được gọi là bã nhờn thai nhi. Khi bé tiếp xúc với không khí, da bị cọ xát và khô, lớp bã nhờn này sẽ bắt đầu bong ra, đáng chú ý nhất là ở bàn tay và bàn chân.
Mẹ đừng cố gắng làm sạch lớp vảy đó trên da bé mà chỉ cần bôi kem dưỡng ẩm cho bé là đủ. Lớp vảy đó sẽ sớm bong hết trong khoảng 1 – 2 tuần sau sinh.
2. Một số bé sơ sinh có móng tay dài
Một điều ngạc nhiên nữa về bé sơ sinh có thể mẹ không biết là nhiều bé mới sinh đã có móng tay khá dài và bé có thể tự mình cào lên mặt khiến da bé bị trầy xước ngay khi bé chào đời không lâu. Đó là lý do tại sao mẹ cần dùng bao tay cho bé – vừa để giữ ấm, bảo vệ bàn tay bé nhỏ của bé yêu, vừa tránh để bé cào lên mặt mình và đừng quên cắt tỉa móng tay cho bé.
3. Bé rất hay nấc
Cơ thể bé sơ sinh có rất nhiều điều khiến bố mẹ không khỏi ngạc nhiên. Trong khoảng 9 ngày tuổi, bé có thể bị nấc liên tục. Các mẹ đừng quá lo lắng bởi đây là điều hoàn toàn bình thường đối với trẻ sơ sinh và trong những tháng sau, khi các bộ phận trong cơ thể bé đã dần hoàn thiện, hệ tiêu hóa của bé làm việc tốt hơn thì những cái nấc trên của bé cũng sẽ giảm và mất dần.
4. Một số bé sinh ra đã có răng
Con trai nữ diễn viên Molly Sims là Brooks đã có một chiếc răng khi mới sinh ra. Mặc dù những trường hợp này ít gặp nhưng không phải không có.
5. Bản năng tìm vú mẹ của bé sơ sinh
Chỉ 8 phút sau khi lọt lòng, miệng bé đã bắt đầu có dấu hiệu tìm vú mẹ, bé há miệng hoặc mút mút. Sau những hoạt động “thăm dò”, “nghe ngóng”, bé bắt đầu di chuyển, dướn người về phía bầu vú mẹ. Phản xạ bản năng này tiếp tục duy trì trong 1 tuần đầu sau sinh. Khi đó bé sẽ trườn lên và dùng chân đẩy vào bụng mẹ, giống như từng làm trong tử cung của mẹ. Và chỉ khoảng 45 phút sau khi chào đời, bé sẽ dùng đủ mọi cách tìm bầu sữa mẹ - từ liếm, sờ, thậm chí huơ huơ nắm tay của mình vào ngực mẹ. Mùi vị của sữa non giống với mùi của nước ối nên rất quen thuộc với bé. Mắt của bé sẽ nhìn chằm chằm vào núm vú mẹ, sau đó bé đưa tay ra chạm vào núm vú và đưa vào miệng mình nếm nếm. Miệng bé có thể đưa qua đưa lại cho đến khi ngậm đúng núm vú thơm mùi sữa. Khi bé ngậm được núm vú, bé sẽ yên lặng, tập trung cao độ và “ăn ngon lành”.
6. Bé sơ sinh đại tiện và tiểu nhiều lần trong ngày
Trong những tuần đầu mới sinh, cả ngày mẹ chỉ bận cho bé bú bởi vì bé rất chóng đói. Điều này cũng giúp tuyến sữa của mẹ phát triển hơn để đáp ứng đủ nhu cầu bú sữa của bé. Hơn nữa, sữa mẹ dễ tiêu hóa nên bé cảm thấy nhanh đói và luôn muốn bú liên tục. Đó cũng là lý do bé sơ sinh đại tiện và tiểu nhiều lần trong ngày khiến mẹ liên tục phải thay tã cho bé. Một nghiên cứu đã chỉ ra, trung bình mỗi mẹ mất khoảng 2 phút 5 giây mỗi lần thay bỉm cho bé và mất khoảng 120 giờ/năm dùng cho việc thay bỉm cho bé.
7. Bé khóc rất to
Đây cũng là một điều đáng ngạc nhiên nữa về bé sơ sinh. Đó là bé khóc rất to và tiếng khóc của bé lúc nào cũng vậy - khi đói, khi mệt, khi khó chịu đều khóc một kiểu giống nhau. Đó là cách cơ thể bé phản ứng lại những thứ khiến chúng thấy khó chịu. Nó được xem là ngôn ngữ giao tiếp đầu tiên của trẻ sơ sinh, giống như việc trẻ cất tiếng khóc chào đời. Và tiếng khóc của bé không hề nhỏ tý nào, có thể ví âm thanh của nó như tiếng còi xe báo hỏa hoạn.
8. Những âm thanh lạ lùng của bé
Âm thanh phát ra từ miệng bé hay tiếng thở của bé có rất nhiều kiểu “lạ” làm bố mẹ bất ngờ và đôi khi không khỏi lo lắng, sợ rằng bé bị làm sao. Nó có thể là tiếng thở hổn hển theo cung bậc cao thấp, trầm bổng khác nhau hay như tiếng mưa rơi lộp bộp, tiếng khò khè và thậm chí là cả tiếng òng ọc như nước chảy.
9. Bé sơ sinh cố làm cho mình càng nhỏ càng tốt
Nếu các mẹ chú ý quan sát sẽ thấy bé rất thích cuộn tròn mình thành một quả bóng, cho cánh tay vào ngực mình và co chân lên bụng. Đó cũng là tư thế quen thuộc của bé khi còn trong bụng mẹ.
10. Bé thay đổi qua từng đêm
Bé mới sinh ra, mẹ thấy lông mày của bé chưa có nhưng có thể ngay sáng hôm sau, mẹ đã thấy lông mày của bé “xuất hiện”. Và đó là điều tuyệt vời khi bố mẹ được tận mắt chứng kiến sự lớn lên và phát triển mỗi ngày của bé.
11. Cuống rốn của bé cần được giữ sạch, khô ráo
Khi còn trong bụng mẹ, bé nhận chất dinh dưỡng và oxy qua nhau thai bám vào thành tử cung mẹ, nhau thai được nối với bé bằng dây rốn thông qua một lỗ nhỏ trên bụng của bé. Sau khi bé chào đời, dây rốn được cắt bỏ. Thông thường, dây rốn sẽ tự khô và rụng trong vòng từ 1 – 2 tuần. Trong thời gian rốn chưa khô rụng, cuống rốn của bé cần phải luôn được giữ sạch và khô ráo. Nếu không được chăm sóc tốt, bộ phận này sẽ là cửa ngõ để vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể bé, gây nhiễm khuẩn. Vì vậy mẹ cần phải tắm cho bé đúng cách để bảo vệ rốn của bé nói riêng cũng như cơ thể non nớt của bé nói chung.
12. Bé hắt hơi khi nhìn vào ánh sáng
Tại sao bé sơ sinh lại hay bị hắt hơi? Đây có phải là dấu hiệu bé bị cảm lạnh hoặc mắc bệnh gì đó hay không? Đơn giản, đó chỉ là cách cơ thể làm sạch mũi và làm thông suốt đường hô hấp của bé. Nếu mũi của bé bị tắc, bé cũng hắt hơi giống như phản xạ tự nhiên để làm mũi hết bị tắc. Sau khi bú xong, bé cũng thường hít một hơi dài và hắt hơi để làm thông thoáng mũi một lần nữa. Và một phản xạ đặc biệt khác của bé khi nhìn vào ánh sáng mặt trời hoặc ánh đèn, bé sẽ hắt hơi.
13. Khi bé mơ, bé nở nụ cười
Khuôn mặt của bé sơ sinh vô cùng đáng yêu lúc bé nở nụ cười hay với cái cau mày trong vài giây khi bé đang có những ước mơ nhỏ bé, ngọt ngào của mình.
Điều bất ngờ là trung bình một ngày bé sơ sinh cười khoảng 300 lần/ngày, trong khi bố mẹ chỉ cười khoảng 60 lần/ngày.
14. Bé không nằm yên
Dù ban đêm mẹ đã quấn bé với tã, bỉm, quần áo… rất cẩn thận nhưng bé sẽ vẫn có cách của riêng mình để có thể tự giải phóng đôi tay nhỏ bé xinh xinh, cho nó được “tự do” thoải mái.