Người phụ nữ Hà Nội 14 năm ù tai, lý do vô cùng bất ngờ

Sau khi sinh con thứ 2 cách đây 14 năm, tai phải của chị N.T.H (50 tuổi, Hà Nội) lúc nào cũng như có tiếng thổi ù ù bên tai, kéo theo đó là tình trạng căng thẳng, mất ngủ, đau đầu triền miên. 

Mặc dù đã thăm khám nhiều nơi, với tổng số tiền lên đến cả tỷ đồng nhưng vẫn không tìm ra căn nguyên gây bệnh. Ngày ngày chịu đựng tiếng ù tai, có thời điểm chị đã phải sử dụng thuốc chống trầm cảm với liều lượng cao. 

Thời gian gần đây, chị H. đến khám tại Bệnh viện Việt Pháp Hà Nội. Sau khi các nguyên nhân bất thường về tai, về nội thần kinh như u não, nhồi máu não được loại trừ hết, các bác sĩ nghi ngờ vấn đề về mạch máu. Mặc dù bệnh nhân đã được chụp cắt lớp vi tính mạch não, chụp DSA mạch não vẫn không thấy bất thường.

TS.BS Sabrina Stefanizzi Debuc và BS Christian Brosset (chuyên gia nội khoa thần kinh, Bệnh viện Việt Pháp Hà Nội) sau khi thăm khám lâm sàng đã lưu ý một điểm nhỏ bất thường và được hội chẩn với các chuyên gia về can thiệp mạch máu. Từ đó đưa tới kết luận bệnh nhân bị hẹp xoang tĩnh mạch ngang bên phải, một tĩnh mạch lớn nằm trong não. Đây có thể là nguyên nhân gây nên mọi triệu chứng của bệnh nhân trong nhiều năm qua.

14 năm ù tai không thể lý giải, người phụ nữ Hà Nội không ngờ mắc bệnh hiếm, rất dễ đột quỵ - Ảnh 1.

Đội ngũ chuyên gia can thiệp mạch máu não trong ca phẫu thuật phức tạp. (Ảnh: BVCC).

Theo TS.BS Nguyễn Ngọc Cương (chuyên gia can thiệp mạch máu): Hẹp tĩnh mạch não là bệnh hiếm gặp trên thế giới. Có thể hình dung tĩnh mạch như một đường ống, nó giống vòi nước. Khi vòi nước hẹp thì dòng chảy nhanh lên, phụt đi xa hơn.

"Vị trí hẹp tĩnh mạch của bệnh nhân ở ngay sát tai, khi máu chảy qua sẽ tạo áp lực mạnh. Đó là lý do tại sao bệnh nhân nghe tiếng thổi ù bên tai. Tình trạng hẹp tĩnh mạch này cũng khiến máu không được dẫn về tim mà ứ trệ lại trên não, làm tăng áp lực trong não, gây ra các cơn đau đầu mà bệnh nhân gặp phải", TS.BS Nguyễn Ngọc Cương nói.

Sau khi thống nhất, các chuyên gia đưa ra quyết định đặt stent xoang tĩnh mạch ngang bên phải cho bệnh nhân để giải phóng phần bị tắc hẹp, giúp máu lưu thông bình thường.

Đặt stent tĩnh mạch, đặc biệt là bên trong não là trường hợp rất hiếm. Do đó trong quá trình thực hiện các chuyên gia đã gặp không ít khó khăn. Các bác sĩ đã can thiệp theo hai đường: Chọc một đường từ động mạch đùi lên trên động mạch não để xác định vị trí hẹp, sau đó tiếp tục mở một đường từ tĩnh mạch cảnh ở vùng cổ, để đưa ống thông lên trên và đi vào tĩnh mạch não để đặt stent.

14 năm ù tai không thể lý giải, người phụ nữ Hà Nội không ngờ mắc bệnh hiếm, rất dễ đột quỵ - Ảnh 3.

Tĩnh mạch trước và sau khi đặt stent. (Ảnh: BVCC).

Ngay sau can thiệp, dấu hiệu ù tai bên phải của chị H. đã biến mất hoàn toàn. Chị có thể sinh hoạt bình thường và có giấc ngủ ngon đầu tiên sau 14 năm. 

Hẹp tĩnh mạch não - căn bệnh có nguy cơ đột quỵ tiềm ẩn

14 năm ù tai không thể lý giải, người phụ nữ Hà Nội không ngờ mắc bệnh hiếm, rất dễ đột quỵ - Ảnh 4.

Bệnh nhân hồi phục sau ca phẫu thuật và có giấc ngủ ngon sau 14 năm. (Ảnh: BVCC).

TS.BS Nguyễn Ngọc Cương cho biết, hẹp tĩnh mạch não nếu không được điều trị kịp thời sẽ làm tăng áp lực trong não, tiềm ẩn nguy cơ cao dẫn tới đột quỵ.

Hẹp tĩnh mạch não là căn bệnh hiếm gặp trên thế giới và ít được quan tâm đến. Bệnh nhân thường có dấu hiệu ù tai cùng bên với tĩnh mạch hẹp mà mọi thăm khám về tai mũi họng hay nội thần kinh đều cho kết quả bình thường. 

Một nghiệm pháp rất quan trọng để chẩn đoán là khi ép tĩnh mạch cảnh cùng bên thì tiếng ù tai mất hoàn toàn. Chẩn đoán bệnh này cần phải có kinh nghiệm vì dấu hiệu hình ảnh của hẹp xoang tĩnh mạch nội sọ cũng rất kín đáo.

TS.BS Nguyễn Ngọc Cương khuyến cáo: Ngay khi có dấu hiệu bất thường như ù tai, đau đầu, chóng mặt... sau khi đã khám và loại trừ các nguyên nhân gây bệnh ở tai, nội thần kinh...  thì người bệnh cần thăm khám chuyên khoa với các bác sĩ, chuyên khoa hàng đầu về mạch máu não. Như vậy sẽ giúp phát hiện và can thiệp kịp thời, tránh biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng đến tính mạng.