Nỗi lo không của riêng ai
Những năm gần đây, khi quá trình đô thị hóa phát triển mạnh mẽ thì các tòa nhà cao tầng đua nhau mọc lên. Thang máy là một trong những phần quan trọng đối với việc di chuyển của người dân. Tuy nhiên, chỉ trong thời gian ngắn, tại Hà Nội và TP.HCM liên tục xảy ra những sự cố đáng tiếc do thang máy gây nên. Điều này khiến không ít người tỏ ra hoang mang mỗi khi bước chân vào thang máy.
Theo đó, ngày 30/6 tại nhà N5A Khu đô thị Trung Hòa – Nhân Chính (Hà Nội) đã xảy ra một vụ tai nạn thang máy nghiêm trọng khiến ông Trần Anh Tuấn (sinh năm 1964 – trú tại Phú Thọ) – là nhân viên bảo vệ tòa nhà trên. Trong khi mở cửa thang máy hỏng để kiểm tra, người bảo vệ đã hụt chân và rơi thẳng xuống hộp kỹ thuật thang máy từ tầng 7 xuống đất và tử vong.
Hiện trường vụ việc khiến 1 bảo vệ tử vong (ảnh Kenh14).
Mới đây, vào ngày 12/7 tại nhà hàng tiệc cưới Phúc An Khánh (Quận 1 – TP.HCM) đã xảy ra vụ việc 15 người bị kẹt thang máy trong tình trạng hoảng loạn, nhân viên cứu hộ phải đập vỡ kính trên nóc thang để giải cứu.
Cụ thể, nhà hàng có 5 thang máy và mỗi thang đều có nhân viên trực bấm tầng cho khách, mỗi thang chở tối đa được 13 người với khối lượng khoảng 900 kg. Tuy nhiên, có đến 15 khách vào cùng thang máy, đuổi nhân viên nhà hàng ra ngoài rồi tự bấm thang di chuyển. Khi đến giữa tầng 1 và tầng 2, thang máy gặp sự cố, hệ thống điện bị ngắt khiến 15 khách vô cùng hoảng loạn và gọi cứu hộ. Phía nhà hàng cũng lập tức gọi cho công ty bảo trì thang máy tới.
Thang máy tại nhà hàng Phúc An Khang khiến 15 người hoảng loạn (ảnh Zing).
Lực lượng cứu hộ nhanh chóng có mặt và bàn phương án giải cứu. Do tầng 2 không có cửa vào thang máy nên các chiến sĩ cứu hộ phải lên tầng ba rồi theo giếng thang để tiếp cận nhóm hành khách từ nóc thang máy.
Lực lượng cứu hộ đã dùng búa đập vỡ phần kính trên nóc thang máy rồi lần lượt đưa khách trèo ra ngoài phần tiếp giáp mái tôn nhà dân bên cạnh rồi xuống đất. Cuộc giải cứu nhóm hành khách diễn ra trong vòng một giờ. Tất cả đều thoát nạn an toàn. Theo báo cáo của lực lượng PCCC, nguyên nhân ban đầu có thể do hành khách không tuân thủ những quy định sử dụng thang máy, số lượng người vào thang vượt quá quy định.
Chuyên gia kỹ thuật nói gì
Liên quan đến vấn đề an toàn thang máy qua 2 vụ việc trên, ông Huỳnh Hữu Phú (Chuyên gia kỹ thuật Công ty TNHH thang máy Phát Thành) cho biết. Đối với vụ bảo vệ bị tử vong tại KĐT Trung Hòa – Nhân chính, nguyên nhân là do mở cửa tầng thang máy nhưng cabin không dừng bên trong đúng vị trí tầng mở cửa (vì hoảng sợ độ cao do không gian trống bên trong hố, hoặc trượt chân khi mở cửa tầng và lao vào hố sâu dẫn tới tử vong). Hoặc nhân viên đang bảo trì mở cửa tầng để kiểm tra thiết bị bên trong, do bất cẩn không chú ý đi thẳng vào hố sâu và té ngã dẫn đến tử vong.
Đối với trường hợp 15 người bị kẹt thang máy tại nhà hàng tiệc cưới ông Huỳnh Hữu Phú khẳng định: “Ở đây chưa rõ nguyên nhân này như thế nào, vì nguyên tắc chung của thang máy là khi quá tải cửa thang sẽ mở và chuông báo liên tục, thang máy không di chuyển, đây là sự cố hỏng thang do nguyên nhân khác không phải do qua tải. (Cụ thể như thế nào thì cần có khảo sát thực tế tại hiện trường mới có kết quả chính sát nguyên nhân)”.
Bảo dưỡng, bảo trì thường xuyên sẽ giúp thang máy tránh được những trục trặc không đáng có.
Ông Phú cũng nói thêm: “Việc cứu hộ cần phải được thực hiện bởi người được huấn luyện và có chuyên môn (người kẹt trong thang máy cần bình tĩnh, chờ đợi người chuyên môn đến xử lý an toàn để đưa người bên trong ra ngoài, không cố ý tự thoát ra như cạy cửa, đập kính, …)”.
“Khi vào sử dụng thang máy phải chú ý trước cửa có bảng cấm vào, đang bảo dưỡng,… hoặc thấy có vấn đề bất thường, thì không sử dụng thang máy, khi cháy nổ tuyệt đối không sử dụng thang máy”, ông Phú nhấn mạnh.
Chủ quan trong bảo hành, bảo dưỡng sẽ gây hậu quả khôn lường
Thang máy là một trong những sản phẩm được xem là tiên tiến, hiện đại và đảm nhiệm hàng trăm, hàng triệu mạng sống của người dân mỗi ngày. Tuy nhiên, nhiều đơn vị quản lý, vận hành lại không tuân thủ nghiêm ngặt những quy định trong sử dụng như bảo hành, bảo dưỡng định kỳ nên sự cố có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Tại Việt Nam có 02 dòng thang máy điện: Thang nhập khẩu nguyên chiếc 100% (Việt Nam lắp đặt và bảo hành, bảo trì); Thang có cabin và một số phụ kiện khác được sản xuất và lắp đặt tại Việt Nam (nhưng c ác thiết bị chính đều nhập khẩu có nguồn gốc như: Máy kéo, cáp treo, Governor, thanh rail dẫn hướng, PLC, VVVF, hệ dẫn động cửa, ..)
Ông Phú cho biết: “Cho dù thang ngoại nhập hay thang nội sản xuất trong nước điều phải tuân thủ theo tiêu chuẩn Việt Nam: TCVN 6395:2008 - Thang máy điện – yêu cầu an toàn về cấu tạo và lắp đặt (đây là yêu cầu tối thiểu phải áp dụng); TCVN 7628:2007- thang máy điện - lắp đặt thang máy; TCVN 6396:2009 - thang máy thủy lực – yêu cầu an toàn về cấu tạo và lắp đặt; TCVN 6397:2010 - thang cuốn và băng tải chở người – yêu cầu an toàn về cấu tạo và lắp đặt”.
Hầu hết các đơn vị có tên tuổi đều có bộ phận bảo trì sửa chữa 24/24 ở khắp các tỉnh thành, nên việc sửa chữa cứu hộ là rất nhanh chóng, nhưng song song với đó hiện nay có rất nhiều đơn vị mới thành lập, chủ yếu là bán mới, bán thương mại, đội ngũ sửa chữa cứu hộ rất mỏng và chưa nhiều kinh nghiệm, nên việc khắc phục nhanh chóng cũng có nhiều khó khăn.
“Mặt khác các đơn vị sử dụng thang máy khá chủ quan việc bảo trì, khi hết chế độ bảo hành, khách hàng thường không quan tâm đến việc ký hợp đồng bảo trì, hoặc ký với những đơn vị, cá nhân không có chuyên môn, kinh nghiệm (để giảm chi phí), và rủi ro hay tai nạn rình rập là chuyện dễ xảy ra!”, ông Phú nhấn mạnh.