"Ugly law" - Đạo luật chống lại những kẻ không lành lặn hoặc bị coi là xấu xí
Vào tháng 7/1867, 2 năm sau khi nội chiến Mỹ kết thúc.
Martin Oates, một cựu binh Liên bang xuất hiện tại khu công cộng của thành phố San Francisco dưới bộ dạng "nghèo khổ, loạn trí và bị liệt."
Khi đó, một sắc lệnh ngang trái đã được ban hành, cảnh sát nhanh chóng có mặt để áp giải Martin Oates về đồn.
Đạo luật mới của San Francisco "nói không" với những người như Otes: Người bệnh tật, què quặt, tàn phế hoặc không lành lặn nói chung... sẽ bị phạt tiền khi xuất hiện ở nơi công cộng: Nộp ngay 25 USD (tương đương 400 USD của thế giới hiện đại) hoặc phạt tù 25 ngày, đáng sợ nhất là bị gửi đến trại tế bần và không biết bao giờ mới được thoát ra.
Theo nhà nghiên cứu lịch sử Susan Schweik, San Francisco là thành phố đầu tiên ở Mỹ thông qua "luật xấu xí" (ugly law). Nhiều thành phố lớn khác cũng lần lượt ban hành phiên bản luật của mình với nội dung tương tự, bao gồm Chicago, bang Illinois (năm 1881); Denver, bang Colorado và Lincoln, bang Nebraska (1889); Columbus, bang Ohio (1894); Portland, bang Oregon (1881); và New Orleans, bang Louisiana vào (1883).
Một người đàn ông què quặt bị cảnh sát Mỹ áp giải về đồn khi Luật Xấu xí vẫn còn hiệu lực
Không chỉ tàn nhẫn, "Ugly Law" còn xấu xí theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng
Đặc biệt, luật xấu xí còn được chính quyền Pennsylvania áp dụng cho toàn bang vào năm 1891, lệnh cấm không chỉ bao gồm khiếm khuyết về ngoại hình mà còn về mặt nhận thức. Hai thành phố New York, Los Angeles sau đó cũng có ý định thông qua luật xấu xí nhưng thất bại.
Ban đầu, những văn bản pháp lý dạng này thường được biết đến như luật chống ăn xin, phản ánh nỗ lực giữ gìn hình ảnh của thành phố. Mãi tới sau này, cái tên "luật xấu xí" mới ra đời, vừa để chỉ ngoại hình của những người bị áp dụng luật vừa để chỉ sự xấu xí của chính quy định trong luật.
Mục đích của luật xấu xí không phải đánh giá nhan sắc của người dân mà là một hình thức phân biệt đối xử hợp pháp. Các nhà lập pháp hy vọng với luật xấu xí, những người nghèo khó, tàn tật và khiếm khuyết (vốn là người thường hành nghề ăn xin) sẽ bị "tống khứ" ra khỏi tầm mắt của công chúng, từ đó bảo đảm được mỹ quan đô thị, giảm thiểu căng thẳng giữa các lớp người trong xã hội.
Có nhiều nguyên nhân tạo nên đạo luật ngang trái này: Lượng người di dân và các cựu binh sau nội chiến đổ về các thành phố lớn để kiếm ăn, trong đó có vô số người hành khất cũng như ăn trộm.
Theo Cleveland, trong vụ việc ấy, một cảnh sát thành phố Omaha muốn bắt giữ ăn xin nhưng không có lý do chính đáng. Sau khi "lật tung" bộ quy định thành phố, người cảnh sát phát hiện sắc lệnh xấu xí vẫn còn hiệu lực và bắt giữ người ăn xin với lý do trên người anh ta có "nhiều vết tích và sẹo".
Không đồng tình với cảnh sát, công tố viên vụ việc nhận định rằng dù đạo luật vẫn còn hiệu lực, nhưng việc truy tố là bất khả thi vì không có đủ bằng chứng tại tòa để chứng minh "sự xấu xí" của nghi can. Nhà chức trách sau đó đã không thể đưa ra cáo trạng để buộc tội.
Mặc dù đã lỗi thời, nhiều văn bản luật xấu xí không được bãi bỏ cho tới cuối thập niên 1970. Vào năm 1974, Chicago là thành phố cuối cùng ở Mỹ bãi bỏ sắc lệnh xấu xí sau khi nó có hiệu lực trong 93 năm.
Phải tới năm 1990, chính quyền liên bang mới ban hành Đạo luật người Mỹ khuyết tật sau thời gian dài đấu tranh và vận động chính trị của các cá nhân, tổ chức hoạt động xã hội. Đạo luật này ra đời nhằm đảm bảo người khuyết tật không bị phân biệt đối xử dựa trên khiếm khuyết về cơ thể hoặc tâm lý, được bình đẳng về cơ hội việc làm, về quyền tiếp cận các dịch vụ của chính phủ và không gian công cộng.
Theo CNN