Theo một cuộc điều tra do Trung tâm nghiên cứu và quan sát điều kiện sống Pháp (Crédoc) thực hiện, giá cả các mặt hàng thực phẩm đang ngày càng trở nên đắt đỏ với mức thu thập của người dân Pháp.
Các số liệu mới nhất cho thấy, tỷ lệ lạm phát trong ngành thực phẩm trung bình ở mức trên 10% từ hơn 1 năm qua, thậm chí leo thang lên 14%-15% trong hai tháng gần đây, vượt xa so với tốc độ tăng lương hàng năm, dao động ở mức 4-6%.
Giá thực phẩm tăng cao là nguyên nhân chính dẫn đến số người Pháp không thể lo đủ bữa ăn trong ngày đã tăng mạnh thêm 4% chỉ trong vòng 6 tháng qua và nâng tỷ lệ đói nghèo lên 16%, gần như gấp đôi so với con số ghi nhận được vào năm 2016.
Ngay cả với những người không rơi vào hoàn cảnh khó khăn thì cứ 2 người được hỏi thì 1 người cho biết không thể mua tất cả những loại thực phẩm mà họ mong muốn và dần phải từ bỏ những lựa chọn ưu tiên trước đây như thịt, cá hay rau củ quả. Giỏ hàng mua sắm của người tiêu dùng Pháp cũng ngày càng ít các sản phẩm tươi sống nhưng đắt đỏ để nhường chỗ cho các mặt hàng giá rẻ không phải lúc nào cũng đảm bảo chất lượng.
Các con số đáng lo ngại khác cũng cho thấy 24% người Pháp dưới 40 tuổi và khoảng 7% người trong độ tuổi từ 60-69 đang có cuộc sống bấp bênh, không đủ ăn. Trong các gia đình có trẻ em, phụ nữ là những người có nguy cơ cao nhất rơi vào tình trạng ăn không đủ. Viện nghiên cứu Crédoc cảnh báo vấn đề mất an toàn và an ninh lương thực có thể sẽ dẫn đến những hệ luỵ về sức khoẻ.
Bộ Kinh tế Pháp hôm qua (17/5) đã triệu tập lãnh đạo ngành công nghiệp thực phẩm để yêu cầu đàm phán lại với các chuỗi phân phối lớn về mức tăng giá được xác định là 10% trong cuộc gặp hàng năm vào đầu tháng 3/2023, nhất là trong bối cảnh giá các nguyên liệu đầu vào và năng lượng đang có xu hướng giảm trong thời gian gần đây.
Bộ trưởng Kinh tế Pháp ông Bruno Le Maire cảnh báo sẽ sử dụng chế tài nếu giá thực phẩm không hạ nhiệt thời gian tới.
“Nếu các nhà công nghiệp thực phẩm từ chối đàm phán lại mức giá, chúng tôi sẽ sử dụng tất cả các chế tài, trong đó có cả công cụ thuế để thu hồi mức lợi tức mà họ có được từ túi tiền của người tiêu dùng”.