16 tuổi đã bị ung thư tinh hoàn

Vốn được xem là bệnh ít gặp, theo y văn chỉ chiếm chừng 1% ung thư ở nam giới nhưng chỉ tính riêng trong năm 2017 và 2018, khoa Nam học, BV. Bình Dân (TP.HCM) đã tiếp nhận điều trị lần lượt là 63 và 78 trường hợp ung thư tinh hoàn, hầu hết đều còn rất trẻ.

Ung thư tinh hoàn gây giảm sức khỏe, giảm chất lượng sống, hiếm muộn và có thể dẫn đến tử vong.

Độ tuổi trung bình của các trường hợp bướu tinh hoàn tại BV. Bình Dân chỉ khoảng ngoài 30, trong đó nhiều trường hợp người bệnh là những thanh thiếu niên mới từ 16 đến 19 tuổi.

Các chuyên gia cho rằng bệnh ung thư tinh hoàn có thể hình thành ở mọi lứa tuổi, nhưng từ 16 - 40 là lứa tuổi bị nhiều nhất. Thống kê cho thấy có hơn 50% bệnh nhân ung thư tinh hoàn nằm trong độ tuổi này. Vì vậy, nam giới trong độ tuổi này cần đặc biệt lưu ý về sức khỏe của bản thân. Ngay khi nhận thấy có các dấu hiệu bất thường, cần đi thăm khám, xét nghiệm ngay.

Ung thư tinh hoàn thường không gây đau, nhưng khối u ung thư có thể gây ra tổn thương cho tinh hoàn hoặc cơ quan lân cận. Lúc đầu khối ung thư còn khu trú ở tuyến, hầu như chưa có biểu hiện. Về sau, tinh hoàn tăng dần thể tích và nổi cục. Tuy nhiên, di căn lại có thể xảy ra sớm theo đường bạch mạch, xâm lấn các cụm hạch ở thắt lưng, động mạch chủ, rồi lên các hạch thượng đòn, vào phổi (nhiều nhất) và gan.

Cụ thể, bệnh nhân N.T.H (19 tuổi, Bảo Lộc) đến phòng khám nam khoa vì trong vài tháng gần đây phát hiện vùng bìu phải có một khối cứng, to dần lên. Nam thanh niên bàng hoàng khi bác sĩ thông báo bị bướu tinh hoàn và khuyên anh nên đi trữ tinh trùng trước khi can thiệp điều trị. H. đã hỏi lại bác sĩ rất nhiều lần vì không tin rằng mình mắc bệnh và thậm chí rối trí vì quá sợ hãi khi được thông báo về bệnh.

16 tuổi cũng bị ung thư tinh hoàn - Ảnh 1.

Một ca phẫu thuật nam khoa tại BV. Bình Dân

Một trường hợp khác, bệnh nhân L.L.V (23 tuổi nhà ở Bến Tre), đến phòng khám nam khoa của bệnh viện chỉ khoảng 3 tháng sờ thấy một nốt cộm ở tinh hoàn nhưng kết quả chẩn đoán đã ghi nhận bệnh nhân bị mắc ung thư vùng kín. “Tôi phát hiện khối u một cách rất vô tình.Ngoài ra tôi không có cảm giác đau hoặc bất kỳ cảm giác nào khác”, bệnh nhân chia sẻ.

Không chỉ đến bệnh viện ở giai đoạn sớm, nhiều người đến bệnh viện thì tình trạng khối u đã ở giai đoạn di căn. Rất nhiều người hoang mang đến hoảng loạn bởi trước đó họ sờ thấy có khối cứng ở tinh hoàn nhưng không đi khám vì nghĩ không sao.

Cẩn trọng với một khối đặc, cứng, không đau trong bìu

Triệu chứng thường gặp nhất của ung thư tinh hoàn là bệnh nhân sờ thấy một khối cứng, đặc trong bìu, không đau. Các triệu chứng khác có thể gặp là: đau tinh hoàn, vú to lên, đau lưng, đau hông khi ung thư đã di căn đến các cơ quan khác. Vậy nên nếu gặp triệu chứng này, đi khám ngay, thay vì chần chừ, chủ quan.

Trong trường hợp của bệnh nhân H, các bác sĩ khoa Nam học đã phát hiện một khối u tinh hoàn phải đã di căn. Bệnh nhân được các bác sĩ phẫu thuật cắt bỏ tinh hoàn.Giải phẫu bệnh sau phẫu thuật là một u tinh hoàn ác tính.H. tiếp tục được điều trị với phác đồ hóa trị hỗ trợ tại Khoa Ung bướu để điều trị triệt căn ung thư.

Cùng với bệnh nhân H, nhiều bệnh nhân khác cũng đã phải bị cắt bỏ tinh hoàn dù trước đó mình hoàn toàn khỏe mạnh. Những người may mắn phát hiện sớm cũng đã được điều trị theo phác đồ để tiêu diệt tiệt căn.

Có thể chữa khỏi hoàn toàn nếu điều trị sớm và theo dõi sát

Điều trị chính trong ung thư tinh hoàn là phẫu thuật cắt tinh hoàn có chứa bướu. Sau khi phẫu thuật, tuỳ thuộc vào kết quả giải phẫu bệnh mà có thể phối hợp hoá trị và xạ trị cho bệnh nhân.

Ung thư tinh hoàn nếu được phát hiện và điều trị sớm tỷ lệ sống sau 5 năm của ung thư tinh hoàn lên tới 95%. Theo thống kê tại Mỹ năm 2018 có 8500 trường hợp ung thư tinh hoàn mới mắc, nhưng chỉ có 350 trường hợp tử vong. Điều này cũng phản ánh việc ung thư tinh hoàn là ung thư có khả năng được chữa lành cao so với các loại ung thư khác.

Sự chủ quan và chần chừ thường là nguyên nhân khiến người bệnh ung thư tinh hoàn đến bệnh viện khi đã ở giai đoạn trễ, gây khó khăn cho việc điều trị. Ngoài ra, cũng cần lưu ý là nhiều bệnh nhân chủ quan nghĩ rằng phẫu thuật cắt u là đã hết bệnh nên lơ là việc theo dõi tái khám, cho đến khi u tái phát hoặc di căn xa mới đi khám lại thì đã muộn, gây nguy hiểm đến tính mạng.

Để chẩn đoán ung thư tinh hoàn, người bệnh sẽ được thăm khám tổng quát và chuyên sâu nam khoa, thực hiện các xét nghiệm máu để tìm chất đánh dấu ung thư (tumor marker), siêu âm bụng, siêu âm đàn hồi mô và nếu cần thiết chụp cộng hưởng từ (MRI). Nếu bệnh nhân trong độ tuổi sinh sản, mong muốn có con sẽ làm thêm các xét nghiệm chuyên sâu về sinh sản, tinh dịch đồ và được hướng dẫn trữ tinh trùng trước khi điều trị.

Việc ung thư tinh hoàn thường phát hiện ở người trẻ còn cho thấy vai trò của gia đình trong việc cung cấp thông tin, kiến thức về sức khỏe và hỗ trợ để người bệnh sớm đến với các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời.

Để phòng ngừa ung thư tinh hoàn, nam giới, nhất là những người trong độ tuổi từ 15 đến 35 tuổi, cần tự kiểm tra tinh hoàn bằng cách nắn nhẹ hai bên bìu ít nhất 1 lần/tháng. Đây là phương pháp theo dõi đơn giản và dễ áp dụng. Khi phát hiện có một khối đặc bất thường trong bìu, cho dù không gây đau cũng cần đến bệnh có chuyên khoa về nam học gần nhất để được thăm khám và điều trị kịp thời.

Bên cạnh đó, cần đảm bảo các biện pháp bảo hộ khi chơi các môn thể thao nguy hiểm.Duy trì lối sống và sinh hoạt tình dục lành mạnh, khám sức khỏe định kỳ để phát hiện kịp thời và chữa trị đúng cách. Các phương pháp chẩn đoán và liệu pháp điều trị ung thư tinh hoàn có hiệu quả đến mức độ nào, việc phòng ngừa, phát hiện sớm bệnh vẫn được các bác sĩ cho rằng đóng một vai trò quan trọng.

Hiện y học vẫn chưa tìm ra được nguyên nhân chính xác gây ra bệnh ung thư tinh hoàn, tuy nhiên có một vài trường hợp có thể gia tăng nguy cơ ung thư:

- Những người có tinh hoàn ẩn (tình trạng tình hoàn không nằm trong bìu mà nằm trong ổ bụng, thông thường ở giai đoạn bào thai hay trong 3 tháng đầu sau khi sinh, tinh hoàn của các bé trai sẽ di chuyển từ ổ bụng xuống bìu).

- Tinh hoàn bị teo.

- Người mẹ trong lúc mang thai sử dụng các thuốc nội tiết (DES, estrogen).

- Ngoài ra, cũng như nhiều bệnh khác, ung thư tinh hoàn cũng có tính di truyền (cha, anh em trai bị ung thư tinh hoàn). Một bé trai nếu có bố bị ung thư tinh hoàn, sau này lớn lên, nguy cơ bị bệnh sẽ cao hơn gấp 4 lần so với các bạn cùng trang lứa.