
Hãng tin CNN cho hay trong nhiều thập kỷ, hệ thống thuế quan của Mỹ đã đánh thuế nhiều mặt hàng nữ giới cao hơn so với nam giới và chúng được gọi là "Thuế quan hồng" (Pink Tariff), tương tự như cách gọi "Thuế hồng" (Pink Tax) để ám chỉ đồ dùng nữ giới đắt hơn nam giới dù chẳng khác biệt nhiều về chất lượng hay công dụng.
Ví dụ điển hình là hải quan Mỹ áp thuế với quần áo nữ cao hơn 3% so với quần áo nam giới, dù chẳng khác biệt nhiều về công dụng.
Theo nghiên cứu của Phó chủ tịch kiêm Giám đốc thương mại và thị trường toàn cầu Edward Gresser tại Viện Chính sách Tiến bộ (PPI), điều đó có nghĩa là 170 triệu phụ nữ Mỹ phải trả thêm trung bình 1 USD cho mỗi sản phẩm may mặc so với nam giới, khiến họ mất hơn 2 tỷ USD mỗi năm.

Trung bình phụ nữ phải trả nhiều tiền hơn so với nam giới cho cùng một loại sản phẩm
Di tích gần 100 năm
Hãng tin CNN cho hay hầu hết hàng may mặc và giày dép sản xuất đều được phân loại theo giới tính trong Biểu thuế quan của Mỹ (HTS), nêu rõ mức thuế cho tất cả các loại hàng hóa nhập khẩu vào thị trường này.
Phó chủ tịch Gresser cho hay mức thuế đối với quần áo nữ trung bình là 16,7% vào năm 2022, cao hơn 2,9 điểm phần trăm so với mức thuế trung bình 13,6% đối với quần áo nam.
Phân tích theo từng mặt hàng, ví dụ bộ vest nữ năm 2017 phải chịu mức thuế 15,1%, trong khi bộ vest nam phải chịu mức thuế 13,3%. Đồ lót nữ bị đánh thuế 12,8%, trong khi đồ lót nam bị đánh thuế 8,6%.
Mặc dù không đưa ra được lý do hợp lý nào khiến thuế quan đối với quần áo nữ cao hơn quần áo nam, nhưng chính sách này đã hình thành trong nhiều thập kỷ mà chưa rõ tại sao không được thay đổi.
Tuy nhiên theo CNN, câu chuyện bắt nguồn từ vấn đề lịch sử cách đây 95 năm.
Trong những năm 1930 và 1940, khi Mỹ vẫn còn đang hỗ trợ nền kinh tế thế giới thiết kế hệ thống thương mại tự do toàn cầu, sản xuất quần áo nữ là một ngành công nghiệp nhỏ hơn trong khi quần áo nam là nguồn việc làm chính và là động lực kinh tế.
Các nhà sản xuất hàng dệt may và may mặc của Mỹ vào thời điểm đó tập trung nhiều hơn vào việc vận động hành lang để giảm thuế quan và chấm dứt các rào cản thương mại đối với quần áo nam, trong khi những sản phẩm cho nữ thì lại bị bỏ mặc.
Bởi vậy cho đến tận ngày nay, khoảng cách thuế quan hiện tại là di tích của chế độ thương mại cũ đó.
Mặc dù các công ty đã cố gắng chấm dứt sự thiên vị về giới trong thuế suất nhưng chẳng mấy tác dụng và cũng không ai hiểu tại sao chúng không được thay đổi.

Năm 2017, một số công ty như Steve Madden, Asics, Columbia Sportswear và các doanh nghiệp khác đã đệ đơn lên tòa án yêu cầu bãi bỏ sự chênh lệch thuế suất về giới này nhưng đã bị thất bại khi thẩm phán cho rằng khoảng cách thuế suất không được thiết kế để phân biệt đối xử giới tính.
Chính phủ liên bang cũng không có nhiều động thái để sửa đổi chính sách cho đến tận hiện nay khi hai nhà lập pháp đảng Dân chủ, Nghị sĩ Lizzie Fletcher của Texas và Brittany Pettersen của Colorado, đã đưa ra luật được gọi là "Đạo luật Nghiên cứu Thuế suất Hồng".
Hai nghị sĩ này sẽ hợp tác cùng Bộ Tài chính và các cơ quan khác xem xét tác động của thuế suất đối với phụ nữ và các nhóm người tiêu dùng khác nhằm xây dựng một kế hoạch mới cho thuế suất.
Thuế hồng
Ở một khía cạnh khác, trong khi phụ nữ Mỹ chịu thuế quan hồng thì câu chuyện thuế hồng lại diễn ra ở khắp nơi trên thế giới.
Người dân trên thế giới có lẽ đã nghe về nhiều loại thuế, nhưng có lẽ không nhiều người biết đến Thuế Hồng (Pink Tax), thuật ngữ chỉ loại chi phí phụ thêm chỉ nhằm vào một nửa dân số thế giới và đang thu hút được sự chú ý của những nhà vận động nữ quyền.
Thuế Hồng dùng để chỉ những chi phí phụ thêm mà một người phụ nữ phải trả so với nam giới. Bạn nghe không có lầm, phụ nữ trên thế giới hiện nay phải trả nhiều hơn 1.351 USD/năm so với đàn ông bởi những sản phẩm, dịch vụ tương đương mà họ mua.
Nhiều nghiên cứu cho thấy có 42% số lần mua sắm của nữ giới tốn nhiều tiền hơn đàn ông trên cùng dòng sản phẩm.
Bạn không tin ư? Nghiên cứu của Cơ quan tư vấn tiêu dùng New York (CDCA) trên 800 loại sản phẩm cho thấy những mặt hàng cho nữ giới đắt hơn so với nam giới ở cùng mục đích. Ví dụ đồ chơi cho các bé gái đắt hơn 7% so với bé nam, quần áo nữ đắt hơn 8% so với nam giới và các sản phẩm chăm sóc sức khỏe đắt hơn 13%.
Như vậy, những người phụ nữ không chỉ kiếm ít hơn đàn ông mà còn phải chi tiêu nhiều hơn chỉ vì họ là phái yếu.

Thông thường, giá sản phẩm chịu tác động rất lớn từ cung cầu trên thị trường, nhưng không phải tất cả các thị trường đều hoạt động đúng theo lý thuyết.
Những nhà cung cấp dịch vụ giặt khô là hơi tại Mỹ thường lấy 2,86 USD cho áo phông nam nhưng đòi 4,95 USD cho áo phông nữ. Các công ty cho biết do phụ nữ kỹ tính hơn nên công đoạn giặt khô là hơi cho phái nữ mất thời gian hơn so với phục vụ cho nam giới, khiến mức giá khác nhau. Nói cách khác, nữ giới phải trả thêm tiền vì họ yêu cầu được phục vụ đúng chất lượng.
Chuyển qua mảng sản phẩm chăm sóc sức khỏe và vệ sinh cá nhân, thông thường phụ nữ Mỹ phải trả nhiều hơn 13% so với nam giới. Ví dụ cùng là sản phẩm dao cạo nhưng nam giới chỉ phải mua với giá 14,99 USD thì nữ giới phải trả tới 18,49 USD. Những doanh nghiệp cho biết họ tốn nhiều tiền quảng cáo cho sản phẩm của nữ giới hơn và điều này khiến giá cả cao hơn. Câu chuyện nghe có vẻ vô lý khi phái yếu phải trả nhiều tiền hơn chỉ vì họ trở thành "con mồi" chính của các nhãn hàng.
Tồi tệ hơn, sự phân biệt giới tính còn được thể hiện đối với trẻ nhỏ khi đồ chơi các bé gái thường có giá đắt hơn 13% so với bé trai.
Bạn có biết rằng băng vệ sinh được coi là một mặt hàng xa xỉ tại Mỹ cùng nhiều nước Phương Tây, qua đó phải chịu thuế VAT trong khi nhiều sản phẩm thiết yếu khác lại được miễn thuế. Đây rõ ràng là một sự bất công với nữ giới nhưng hầu như không được các nước quan tâm.
Trớ trêu thay, không phải Mỹ hay bất kỳ nước phát triển nào khác, Kenya mới là quốc gia đầu tiên trên thế giới loại bỏ thuế đánh vào băng vệ sinh cho phụ nữ. Tiếp theo đó, Canada và Anh mới loại bỏ thuế này vào năm 2015.
Tại Mỹ, chỉ có rất ít bang không đánh thuế VAT với mặt hàng băng vệ sinh, còn lại đa số vẫn thu lợi từ sản phẩm thiết yếu cho phái nữ.
Báo cáo năm 2018 của nghị sĩ Cristina Garcia thuộc bang California cho thấy hàng năm ngân sách bang này thu tới 20 triệu USD tiền thuế băng vệ sinh, một điều bất công với phái nữ.
Trong khi đó vào tháng 7/2016, chính quyền New York quyết định loại bỏ thuế băng vệ sinh, vốn đóng góp 10 triệu USD tiền thuế mỗi năm cho ngân sách, trước áp lực từ các tổ chức bảo vệ nữ giới.

"Nếu chúng ta không thể phát miễn phí băng vệ sinh cho phụ nữ thì ít nhất chúng ta cũng nên khiến chúng rẻ đi để người dân chịu được. Hiện nay, việc có kinh nguyệt với những người nghèo hàng tháng đồng nghĩa với việc họ gặp thêm khó khăn khi phải kiếm thêm tiền chi trả cho phụ phí này", nghị sĩ Garcia nói.
Báo cáo của ngân hàng JPMorgan Chase cho thấy bình quân mỗi phụ nữ phải trả "thuế hồng" lên đến 1.300 USD/năm, một con số bất công chỉ vì họ là phái yếu.
*Nguồn: CNN, BI