18 thành viên đoàn thanh tra bị Ngân hàng SCB mua chuộc triệu đô ra sao? - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Văn Hưng, Phó Chánh thanh tra phụ trách Cơ quan Thanh tra Ngân hàng Nhà nước đã nhận 390.000 USD từ Ngân hàng SCB.

Theo kết luận điều tra, tháng 8/2017, ông Nguyễn Văn Hưng, Phó Chánh thanh tra phụ trách Cơ quan Thanh tra Ngân hàng Nhà nước, đã ra Quyết định số 315 về việc thành lập Đoàn thanh tra liên ngành. Thời gian thanh tra kéo dài từ 30/6/2014 đến 30/6/2017, có thể mở rộng nếu cần thiết, tập trung vào Hội sở chính và 12 Chi nhánh của SCB.

Nhiệm vụ bao gồm kiểm tra hồ sơ khách hàng, dự án và phương án tái cơ cấu, cấp tín dụng mới, và nhiều nhiệm vụ khác.

Tài liệu và thông tin thu thập từ SCB giúp Đoàn thanh tra phát hiện nhiều sai phạm, bao gồm: tình trạng tăng trưởng tín dụng, phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro, tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu, và xử lý nợ xấu.

Tuy nhiên, sau khi thu hẹp phạm vi và thời kỳ thanh tra, kết quả đã bị "điều chỉnh" để SCB và khách hàng có thể tất toán trước ngày 30/6/2017. Đoàn thanh tra không tiến hành thanh tra nguồn tiền trả nợ, không phát hiện được vi phạm liên quan đến việc cho vay mới để trả nợ cũ.

Sau đợt thanh tra thứ 2, dù phát hiện loạt sai phạm tại SCB nhưng Đoàn thành tra đã không có kiến nghị chuyển Cơ quan điều tra.

Bà Đỗ Thị Nhàn (cựu Cục trưởng thuộc NHNN, Trưởng Đoàn thanh tra) và ông Nguyễn Văn Hưng đều thừa nhận với cảnh sát, quá trình chỉnh sửa và hoàn thiện báo cáo không trung thực và đầy đủ đã làm cho lãnh đạo NHNN và Chính phủ không nhận được thông tin đầy đủ và chính xác về tình hình, vi phạm, và sai phạm của SCB.

18 thành viên đoàn thanh tra bị Ngân hàng SCB mua chuộc triệu đô ra sao? - Ảnh 2.

Bà Đỗ Thị Nhàn đã nhận tiền từ SCB, với tổng số lên đến 5,2 triệu USD.

Đáng chú ý, đoàn thanh tra khác cũng bị mua chuộc bằng tiền, giúp SCB tránh khỏi diện kiểm soát đặc biệt và tiếp tục tái cơ cấu mà không bị xử lý.

Bản kết luận của cơ quan điều tra đã chi tiết hóa thông tin về việc các thành viên trong đoàn thanh tra đều nhận hối lộ từ SCB.

Cụ thể, bà Đỗ Thị Nhàn đã nhận tiền từ SCB, với tổng số lên đến 5,2 triệu USD; cựu Phó chánh thanh tra phụ trách Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng - Ngân hàng Nhà nước, ông Nguyễn Văn Hưng, đã nhận tổng cộng 390.000 USD từ lãnh đạo SCB.

16 thành viên khác của Đoàn thanh tra cũng nhận tiền và quà từ SCB, với số tiền từ 10.000 USD đến 21.000 USD, kèm theo lợi ích vật chất và quà tặng. Điều đáng nói là một số thành viên đã sử dụng số tiền này vào mục đích cá nhân.

Ngoài việc nhận hối lộ, trong quá trình xây dựng báo cáo thanh tra, các thành viên trong đoàn thanh tra đã lơ là, làm mờ thông tin quan trọng về sai phạm của SCB. Điều này đã tạo điều kiện cho SCB tránh khỏi diện kiểm soát đặc biệt và tiếp tục thực hiện các hoạt động tái cơ cấu mà không phải chịu trách nhiệm.

Bản kết luận còn chỉ ra rằng, cựu Cục trưởng Ngân hàng Nhà nước Đỗ Thị Nhàn và các thành viên trong đoàn thanh tra đã không trung thực trong báo cáo về tình hình tài chính và sai phạm của SCB. Điều này đã làm cho Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước không có đủ thông tin để xử lý và ngăn chặn các hành vi phạm tội của cựu Chủ tịch Vạn Thịnh Phát Trương Mỹ Lan.

Đoàn thanh tra Ngân hàng SCB do bà Nhàn làm trưởng đoàn có 18 thành viên, chia thành 5 tổ, bao gồm 9 cán bộ thanh tra Ngân hàng Nhà nước, 2 cán bộ Kiểm toán Nhà nước, 4 cán bộ Thanh tra Chính phủ và 3 người của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia.