Chúng ta hân hoan với những thành tựu y tế. Chúng ta mừng rỡ khi các nhà khoa học tìm ra cách để ngăn chặn, tiêu diệt những bệnh tật nan y. Chúng ta mừng rỡ với những can thiệp y học giúp chúng ta sống khỏe hơn, sống lâu hơn và thoát khỏi những bệnh tật. Nhưng... Nhưng cái giá phải trả cho những điều đó dường như quá đắt…
Các nhà khoa học Trung Quốc vừa công bố đã thành công trong việc tạo ra những đứa trẻ được chỉnh sửa gen đầu tiên trên thế giới. Đó là hai bé gái sinh đôi vừa ra đời, với DNA được chỉnh sửa bằng công nghệ CRISPR đột phá. Theo đó, 2 đứa bé này sẽ miễn nhiễm với virus HIV. Một tin đáng mừng. Nhưng nó cũng dấy lên những lo ngại về việc chỉnh sửa gen này tác động gì đến thế hệ tương lai? Liệu những đứa trẻ được "biên tập" lại bản đồ gen sẽ trở thành những con người thế nào? Chúng chống được virus HIV nhưng chúng có khi nào lăn ra chết với virus cảm cúm thông thường? Hay một sự đột biến gen nào khiến chúng thành những kẻ sát nhân hàng loạt hay một gánh nặng, mối lo mới về những đứa trẻ được sinh ra từ những chỉnh sửa gen?
Phương pháp chỉnh sửa gen này hứa hẹn mang đến khả năng chống nhiễm virus HIV.
Khoan nói đến những thành tựu y học lớn lao, xa xôi, hãy chỉ nói đến việc can thiệp đẻ con trai hay con gái thôi đã thực sự khiến những người hay lo như tôi cảm thấy sợ hãi rồi. Đó là sự mất cân bằng giới tính trong tương lai. Khi mà nhiều bậc cha mẹ chỉ quan tâm đến việc mình sinh con trai hay con gái thay vì quan tâm đến cộng đồng, xã hội nơi con cái mình sẽ trưởng thành. Như những năm Dê Vàng, Khỉ Vàng, với số lượng thí sinh đông gấp bội. Như 4 triệu nam giới sẽ ế vợ trong tương lai. Và nếu có thể can thiệp chỉnh sửa gen, chúng ta sẽ có hàng triệu đứa trẻ "lỗi gen". Ai dám chắc việc chỉnh sửa này sẽ giúp những đứa trẻ đó thoát khỏi virus HIV nhưng sẽ có những thay đổi tiêu cực thế nào? Là còn chưa kể sự phân cách giàu nghèo sẽ càng rõ hơn, chiến tranh sẽ xảy ra khi khoảng cách giàu nghèo chênh lệch lớn. Sẽ là những nạn diệt chủng nơi mà người giàu có đông hơn sẽ loại bỏ kẻ nghèo, kẻ nghèo đông hơn sẽ tấn công kẻ giàu có. Bất công xã hội tăng đồng nghĩa với việc xã hội sẽ phải trải qua những cuộc xáo trộn kinh khủng khiếp.
Trở lại với những thành tựu y học Trung Quốc làm được mà Mỹ phản đối. Tôi vẫn tin vào những hệ giá trị đạo đức mà các nhà khoa học Mỹ đã đặt ra. Đó là trách nhiệm của họ với thế hệ tương lai của nhân loại chứ không phải trên từng cá thể. Ai cũng mơ sinh ra những đứa con có chỉ số IQ cao vút, sức khỏe như vận động viên, miễn nhiễm với mọi bệnh tật. Nhưng ai dám chắc sự an toàn? Ai dám chắc những can thiệp ấy không phát sinh ra những vấn đề nghiêm trọng hơn nữa? Như một thế hệ rập khuôn. Như một vòng tròn luẩn quẩn khi những đứa trẻ miễn nhiễm với những bệnh nan y nhưng lại mong manh với những hắt xì hơi, sổ mũi?
(Ảnh minh họa)
Tất nhiên, tôi cũng không dùng tư duy tiêu cực để nhìn nhận, đánh giá các thành tựu y học. Tôi cũng mơ đến những phương thuốc tiệt trừ bệnh ung thư. Nhất là với ung thư, như chúng ta biết, khả năng di truyền rất cao, nếu can thiệp được từ gốc thì hẳn mọi thứ sẽ tốt hơn nhiều. Nhưng cũng như một chiếc xe ô tô được chế thêm đủ món đồ chơi mà hệ thống điện của xe không đáp ứng được sẽ khiến chiếc xe ấy dễ chết máy, sập nguồn vậy. Không thể can thiệp vài mã gen khi mà chúng ta chưa kiểm soát được sự thay đổi đó có tác động thế nào đến tương lai đứa trẻ.
Tôi không nghĩ các nhà khoa học ở Mỹ phản đối những ca chỉnh sửa gen bắt nguồn từ đức tin của họ, mang nhiều ý nghĩa tôn giáo. Tôi cho rằng con người trải qua hàng triệu năm, bộ gen hiện tại của chúng ta đã là một sự tối ưu nhất rồi. Mọi chỉnh sửa nếu có chỉ có thể tốt được khi chúng tổng hòa được với bộ gen hiện tại. Nếu can thiệp quá mức cho phép, nó sẽ tạo ra những biến cố lớn, thậm chí gây hại đến không chỉ người được chỉnh sửa mà đến cả con cái của họ, cháu chắt của họ sau này. Và rộng ra, nó sẽ có những tác động tiêu cực khác mà chúng ta không thể biết được.
(Ảnh minh họa)
Nói một cách dân dã, quê mùa, bệnh tật đôi khi chính là những thúc đẩy để chúng ta bảo vệ môi trường này, trân quý sức khỏe này, chắt chiu mỗi ngày chúng ta được sống. Đừng ai nghĩ mình có thể miễn nhiễm với bệnh tật để phung phí sức khỏe, sống đến 300 tuổi để lãng phí hiện tại, có chỉ số IQ cao là không cần học tập, rèn luyện và nỗ lực.
(*Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả)