Những ngày vừa qua, vụ đầu độc người thân trong gia đình bằng xyanua ở Đồng Nai đã gây rúng động dư luận. Chỉ trong 8 tháng, lần lượt 5 người thuộc 3 thế hệ gia đình ông Nguyễn Văn Hải tại xã Vĩnh Thanh, huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai).
Theo lời khai của Nguyễn Thị Hồng Bích (SN 1986, ngụ xã Vĩnh Thanh, huyện Nhơn Trạch), bị can đã đầu độc 4 người thân khiến 3 nạn nhân tử vong và một người bị thương. Các nạn nhân tử vong gồm ông Nguyễn Thoại Thanh Thế (SN 1985, chồng Bích), bé Nguyễn Khả Di (7 tuổi), Nguyễn Hoài Nam (12 tuổi, cháu Bích); người bị thương là N.H.B.T. (18 tuổi, cháu Bích).
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, còn có 2 cái chết bất thường khác trong gia đình Bích là ông Nguyễn Văn Hải (cha Bích) và bé Nguyễn Hoài Minh (14 tuổi, con Bích). Hiện, Công an tỉnh Đồng Nai đang tiếp tục điều tra, làm rõ cái chết của hai nạn nhân này.
Liên quan đến vụ án trên, nhiều người bày tỏ thắc mắc liệu cơ quan chức năng có cần thực hiện khai quật tử thi để tìm nguyên nhân tử vong của các nạn nhân còn lại hay không và việc này sẽ đượ thực hiện khi nào.
Chia sẻ trên báo Dân Trí, Đại tá Đỗ Cảnh Thìn, nguyên Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu tội phạm học và điều tra tội phạm, Viện Khoa học Cảnh sát, Học viện Cảnh sát Nhân dân cho biết. việc khai quật mộ khám nghiệm tử thi tùy thuộc vào tính chất vụ án. Nếu cái chết có dấu hiệu tội phạm và chưa xác định được nguyên nhân, cơ quan tố tụng sẽ yêu cầu khai quật tử thi để làm rõ.
Cơ quan tố tụng sẽ kiểm tra tử thi có bị chấn thương, chứa chất độc hay không. Khi khám nghiệm tử thi, họ sẽ chứng minh nguyên nhân cái chết của nạn nhân.
Trong vụ án đầu độc bằng xyanua ở huyện Nhơn Trạch, nếu cơ quan điều tra khai quật tử thi phát hiện chất này trong cơ thể các nạn nhân, sẽ có căn cứ xác định nguyên nhân chết.
Nạn nhân bị đầu độc bằng xyanua, dù trải qua cả trăm năm, cơ quan điều tra khai quật mộ khám nghiệm cũng có thể phát hiện được chất này.
Theo Đại tá Thìn, lời khai nghi phạm chỉ làm rõ thêm những chứng cứ mà cơ quan chức năng thu thập được. Nếu chỉ dùng lời khai thay thế cho chứng cứ sẽ dễ xảy ra sai lệch, dẫn đến oan sai hoặc bỏ lọt tội phạm.
Về nguyên tắc, cơ quan chức năng sẽ khai quật mộ kiểm tra để chứng minh lời khai của nghi phạm có đúng hay không.
Trong quy tắc tố tụng, thủ phạm không cần phải chứng minh bản thân có tội hay vô tội. Trách nhiệm chứng minh người đó có tội hay vô tội thuộc về cơ quan tố tụng. Vì vậy, việc khai quật mộ cần căn cứ vào yêu cầu của vụ án. Nếu thủ phạm khai giết người bằng xyanua, không cần khai quật mộ cũng không hoàn toàn chính xác.
Đại tá Thìn cho biết, cơ quan điều tra cần chứng minh Nguyễn Thị Hồng Bích là thủ phạm giết người bằng xyanua, cho nên phải khai quật mộ để xem lời khai có đúng không. Thời gian và cách thức khai quật mộ là việc của cơ quan tố tụng, họ sẽ cân nhắc.
Trước đó, theo thông tin trên VTC News, tại phiên họp thường kỳ tháng 6 năm 2024 của Đồng Nai, Đại tá Nguyễn Mạnh Toàn - Phó Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai thông tin, đơn vị đang mở rộng điều tra và tiếp tục lấy lời khai của bị can đầu độc người thân bằng xyanua ở huyện Nhơn Trạch.
Theo Phó Giám đốc Công an Đồng Nai, do mâu thuẫn trong gia đình nên Nguyễn Thị Hồng Bích đã lên mạng đặt mua xyanua về đầu độc người thân.
Quá trình điều tra cơ quan CSĐT xác định, năm 2022, Bích đặt mua trên mạng chất độc xyanua, dạng bột màu trắng và cất trong phòng ngủ. Sau đó, kẻ này đã dùng xyanua lần lượt đầu độc chồng và 2 người cháu ruột tử vong, nạn nhân thứ 4 may mắn sống sót. "Đây là vụ án giết người có tính chất nghiêm trọng, giết nhiều người với động cơ đê hèn, Công an tỉnh Đồng Nai đã khởi tố bị can, bắt bị can Bích về hành vi giết người. Công an tỉnh Đồng Nai đang tiếp tục các biện pháp xác minh, điều tra xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật", Đại tá Toàn nói.