Vài ngày trước, mạng xã hội lan truyền một clip về người đàn ông Syria tên Abdel Hameed Alyousef. Anh bật khóc, trên tay ôm xác hai đứa con sinh đôi của mình sau một vụ tấn công hoá học ở thị trấn Khan Sheikhoun. Hai cô bé mới chỉ tròn 9 tháng tuổi.
Nếu chỉ nhìn vào bức hình chụp lại mà không để ý tới nét mặt người cha, người ta thậm chí còn có thể nghĩ rằng hai em bé bầu bĩnh với mái tóc nâu óng kia chỉ đang say ngủ. Những khuôn mặt đáng yêu và trong sáng ấy khiến cho không ai dám tin rằng các em sẽ mãi mãi không còn có thể thức dậy nữa. “Tạm biệt, các con của bố, tạm biệt”, người cha nghẹn ngào.
Ngày 4/4/2017 đã khắc một vết thương không thể quên vào lòng những người dân Syria khi một loại khí độc cướp đi sinh mạng của ít nhất 72 người, trong đó có 20 trẻ em. Và đối với Abdel Hameed Alyousef, đó cũng là ngày đánh dấu thời khắc mà cả thế giới của riêng anh hoàn toàn sụp đổ.
Hai em bé xinh xắn trong vòng tay cha kia, đáng lẽ các em có thể được lớn lên trong một gia đình hạnh phúc, đáng lẽ các em có thể được đi học và yêu thương. Hai em sẽ là những đứa trẻ thông minh sáng láng, và có thể là những kỹ sư, bác sĩ, nhà khoa học, nhà nông xuất chúng… trong tương lai. Tất cả đều đã có thể nếu như vụ tấn công hoá học đó không xảy ra...
Hai cô bé nằm trong vòng tay cha, như chỉ đang say giấc ngủ.
Có lẽ rất nhiều người đã không thể cầm được nước mắt khi chứng kiến gương mặt của 2 cô bé cũng như hình ảnh người đàn ông tội nghiệp bật khóc khi ôm xác 2 con. Vậy mà, thực tế sao chua xót khi Abdel không phải là người cha duy nhất phải gánh chịu nỗi đau mất người thân, 2 cô con gái sinh đôi của anh Abdel cũng không phải là những đứa trẻ Syria đầu tiên phải gánh chịu hậu quả của chiến tranh, của những xung đột mãi không có hồi kết.
Tháng 9/2015, truyền thông thế giới đã từng chấn động khi hình ảnh một em bé Syria 3 tuổi nằm trên bờ biển Địa Trung Hải được đăng tải. Cuộc khủng hoảng người di cư là nguyên nhân khiến cho thiên thần nhỏ phải ra đi mãi mãi: chiếc thuyền chở gia đình em bị lật trên hành trình đi tới Canada.
Em bé nằm trên bờ biển Địa Trung Hải - bức ảnh một thời gây chấn động.
Một năm sau đó, người ta lại bàng hoàng khi các kênh thông tấn lớn đăng tải đoạn clip về cậu bé 5 tuổi Omran Daqneesh người phủ đầy bụi trắng và dường như không hề biết máu đang chảy trên một nửa khuôn mặt mình. Ánh mắt thất thần của Omran khi ấy khiến cho bất kỳ ai cũng phải rùng mình. Ánh mắt vô hồn của cậu bé sau khi được giải cứu khỏi khu vực bị không kích là minh chứng rõ ràng nhất cho sự tàn bạo của chiến tranh.
Omran Daqneesh, cậu bé 5 tuổi được giải cứu khỏi một cuộc không kích năm 2016
Cuộc nội chiến Syria nổ ra đã 6 năm. Trong suốt quãng thời gian đó, chúng ta vẫn thường xuyên nghe tin về những vụ tấn công, những cuộc oanh tạc… mà trong đó nạn nhân không loại trừ trẻ nhỏ. Nhưng Syria chỉ là một trong rất nhiều điểm nóng giao tranh ác liệt trên thế giới. Và những ví dụ ở trên đây chỉ là số ít trong rất nhiều trường hợp mà tham vọng, sự đố kỵ và tội ác của người lớn đã khiến trẻ nhỏ phải chịu đựng đớn đau.
Theo thống kê của UNICEF, những cuộc chiến tranh trên thế giới chỉ riêng những năm 90 đã khiến 2 triệu trẻ em thiệt mạng, 4 - 5 triệu em tàn tật và khoảng 10 triệu em nhỏ khác chịu đựng những sang chấn tâm lý nặng nề. Trẻ em không có khả năng tự vệ, và sẽ là đối tượng dễ chịu tổn thương nhất khi có bất cứ biến cố xã hội nào xảy ra, dẫu đó là dịch bệnh, nạn nghèo đói hay giao tranh.
Người cha bật khóc bên nấm mồ của 2 con.
Khác với sự ngây thơ của trẻ nhỏ, người lớn luôn có lý do để bào chữa cho hành động của mình. Xả thải ra môi trường để phát triển các ngành công nghiệp. Giam giữ các loài thú hoang dã để tạo cơ hội giải trí cho con người. Phát triển vũ khí hạt nhân để tự vệ. Khuấy động các cuộc chiến dưới cái tên bảo vệ hoà bình và công lý.
Và như một hệ quả tất yếu, những đứa trẻ của chúng ta sinh ra trong bầu không khí ngột ngạt của khí thải, lớn lên thiếu sự chan hoà của thiên nhiên và thậm chí quen nghe tiếng súng hơn tiếng chim hót từ khi lọt lòng. Thậm chí, trong nhiều trường hợp, chúng còn phải mất đi mạng sống khi chưa kịp ý thức được rằng mình vô tội, như câu chuyện của 2 em nhỏ 9 tháng tuổi ở Khan Sheikhoun mới đây.