Xuất hiện vàng da, nhất là vùng mắt kèm theo rối loạn tiêu hóa… Có thể bị viêm gan B
Hai mẹ con cùng nhập viện một ngày vì viêm gan B
Mới đây, BS Đinh Xuân Hoàng - Phó Trưởng khoa Nội – Nhi – Đông y BV ĐK Hùng Vương (tỉnh Phú Thọ) cho biết, đơn vị y tế này vừa tiếp nhận hai trường hợp bệnh nhân khá đặc biệt, bệnh nhân là hai mẹ con cùng bị viêm gan B và cùng nhập viện điều trị một ngày.
Bệnh nhân B. T. T (29 tuổi, Bắc Quang – Hà Giang) phát hiện bị viêm gan B cách đây ba năm nhưng không điều trị thường xuyên.
Qua khai thác bệnh sử, được biết, thời gian gần đây bệnh nhân thấy cơ thể mệt mỏi, ăn uống không ngon miệng, đêm khó ngủ kèm theo đau âm ỉ hạ sườn phải và thượng vị. Khi thấy không còn chịu đựng được những cơn đau mỏi nữa bệnh nhân mới đến BV để kiểm tra.
Qua các kết quả cận lâm sàng BS chẩn đoán bệnh nhân bị viêm gan B với chỉ số men gan rất cao 103 U/L gấp gần 3 lần so với người bình thường.
Tiếp đến là bé L.T.K.L (7 tuổi) con gái bệnh nhân T cũng nhập viện với một vài những biểu hiện của bệnh giống người mẹ, bé L ngay sau đó đã được các BS thăm khám và xét nghiệm, bệnh nhân được chẩn đoán viêm gan B, chỉ số men gan rất cao 267 U/L.
Cả hai bệnh nhân đã được các BS điều trị tích cực bằng việc đưa men gan trở về giới hạn cho phép, ngăn chặn sự phát triển của virus viêm gan B và giảm nồng độ virus trong máu. Sau khi được can thiệp kịp thời, tuy còn dấu hiệu mệt mỏi nhưng da bệnh nhân đã bớt vàng, sự sống cơ bản dần được hồi sinh.
Yếu tố nguy cơ chủ yếu dẫn đến viêm gan B
Hiện tỷ lệ nhiễm viêm gan ở nước ta khá cao. Ước tính có khoảng 10-20 triệu người mắc gan B và khoảng 5 triệu người nhiễm viêm gan C. Đây chính là lý do mà Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) gọi căn bệnh này là kẻ giết người thầm lặng.
Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến căn bệnh giết người này, người mắc bệnh viêm gan B là do gan bị virus viêm gan B tấn công? Virus viêm gan B xâm nhập vào cơ thể qua 3 con đường:
Lây truyền qua đường máu: Qua các dụng cụ dính máu của người bệnh lây sang máu người lành như dụng cụ y tế không khử trùng tốt, châm cứu, xỏ tai, dùng chung bơm kim tiêm, dao cạo râu, bàn chải đánh rang, bấm móng tay…
Virus HBV sống rất dai, thậm chí có thể tồn tại trong máu khô nhiều ngày nên nếu không tự bảo vệ bản thân thì khả năng nhiễm viêm gan B là rất cao.
Lây truyền từ mẹ sang con: Nếu người mẹ nhiễm virus HBV thì nguy cơ truyền bệnh cho con rất cao.
Cụ thể, trong 3 tháng đầu của thai kì, tỷ lây nhiễm chỉ khoảng 1%. Người mẹ bị nhiễm ở 3 tháng giữa thì sẽ tăng lên 10% và sẽ lên đến 60 – 70% khả năng lây nhiễm nếu như mẹ mắc bệnh ở 3 tháng cuối cùng.
Nguy cơ lây từ mẹ sang con sẽ ở mức cao nhất là 90% nếu sau khi sinh không có bất cứ biện pháp nào bảo vệ đứa bé.
Lây truyền qua đường tình dục: Việc quan hệ tình dùng không an toàn, không có biện pháp bảo vệ như dùng bao cao su cũng sẽ bị lây nhiễm từ người mang bệnh.
Cần lưu ý Viêm gan B không lây truyền qua hô hấp (hơi thở, hắt hơi...), tiêu hóa (ăn uống) và tiếp xúc bình thường như nhiều người nhầm tưởng.
Người bị viêm gan B có những dấu hiệu gì?
Theo các chuyên gia, bệnh viêm gan B có rất ít triệu chứng, đặc biệt viêm gan B giai đoạn đầu triệu chứng rất mơ hồ, dễ nhầm với bệnh khác, người bệnh thường tình cờ phát hiện ra khi kiểm tra sức khỏe.
Viêm gan B được coi là "sát thủ thầm lặng" bởi bệnh ít triệu chứng nhưng để lại nhiều hệ lụy cho cơ thể
Cơ thể mệt mỏi: Bệnh nhân viêm gan B thường thấy mệt mỏi không rõ nguyên nhân, có nhiều người tự nhiên mệt như hết cả hơi sức ... Đây là triệu chứng khá thường gặp của người mắc viêm gan B.
Sốt: Có nhiều người khi mới bị nhiễm virus viêm gan B thường có hiện tượng sốt nhẹ.
Rối loạn tiêu hóa : Những người bệnh viêm gan B thường gặp triệu chứng rối loạn tiêu hóa như đầy bụng, buồn nôn, táo bón, một số người thấy bụng chướng….
Vàng da: là một trong những triệu chứng rõ ràng nhất của viêm gan B. Tuy nhiên khi bị vàng da tức là bệnh gan đã ở mức nghiêm trọng, cần đi khám ngay.
Xuất huyết dưới da: Khi thấy có triệu chứng da xuất hiện ban xuất huyết cần đi khám sức khỏe ngay bởi đây là một trong những triệu chứng biểu hiện mắc viêm gan B khá nặng.
Để phát hiện sớm tình trạng nhiễm virus viêm gan, đặc biệt là virus viêm gan B, các chuyên gia khuyến cáo người bệnh cần được thăm khám và xét nghiệm nhiễm virus viêm gan B sớm để nếu phát hiện thì có hướng điều trị kịp thời.
Để phòng bệnh, các BS chuyên khoa cũng nhấn mạnh, tốt nhất đối với virus viêm gan B là tiêm phòng vắc xin cho trẻ em theo chương trình tiêm chủng mở rộng và tất cả mọi người chưa bị nhiễm virus viêm gan B.
Chuyên gia chỉ ra cách phòng tránh viêm gan B
- Tiêm phòng là biện pháp phòng tránh bệnh hiệu quả nhất.
- Không quan hệ tình dục với người không rõ tình trạng sức khỏe hoặc sử dụng các biện pháp an toàn khi quan hệ tình dục.
- Không dùng chung vật dụng cá nhân như dao cạo râu, bàn chải, lược…với người khác.
- Không bao giờ chạm vào máu hoặc chất dịch của bất kỳ người nào mà không dùng dụng cụ bảo vệ.
- Trường hợp vợ chồng trước khi quyết định có con cần kiểm tra xác định có ai nhiễm viêm gan B không.
- Trong quá trình mang thai, người mẹ cũng cần thường xuyên thăm khám, thời điểm này nếu bị virus viêm gan B tấn công rất nguy hiểm cho cả mẹ lẫn con.
: