Hiện nay ung thư là nguyên nhân chính gây tử vong thứ hai trên thế giới. Có hàng trăm loại ung thư , nhưng bệnh do vi khuẩn gây ra thì rất hiếm. Đề cập đến vấn đề này, hầu hết mọi người sẽ nghĩ ngay đến trường hợp ung thư dạ dày do vi khuẩn Helicobacter pylori gây ra.

Vi khuẩn Helicobacter pylori phát triển trong dạ dày nên có thể gây ung thư dạ dày là điều dễ hiểu. Nhưng đã có khi nào bạn nghĩ đến khả năng vi khuẩn trong miệng có thể liên quan đến ung thư đại trực tràngung thư tuyến tụy hay chưa?

Miệng con người ước tính chứa hàng trăm loại vi khuẩn, và tổng số vi khuẩn có thể lên tới hàng chục tỷ. Tuy nhiên, mặc dù số lượng lớn như vậy nhưng các vi khuẩn lại thường "chung sống hòa bình" với chúng ta.

2 loại vi khuẩn trong khoang miệng có thể là "động lực" của ung thư đại trực tràng và ung thư tuyến tụy, người bị bệnh nha chu càng cần chú ý - Ảnh 1.

Thế nhưng, các mầm bệnh có thể có tác động đến sự phát triển ung thư trong đường tiêu hóa cũng được tìm thấy trong khoang miệng. Một số loài cụ thể đã được xác định có tương quan mạnh với ung thư miệng, chẳng hạn như Streptococcus, Peptostreptococcus, Prevotella, Fusobacterium, Porphyromonas gingivalis và Capnocytophaga gingivalis...

Nghiên cứu của các nhà khoa học tại Khoa Vi sinh Y học, Đại học Khoa học Y tế Poznań, Ba Lan, đã xác định được rằng các vi khuẩn quanh miệng như Fusobacterium nucleatum và Porphyromonas gingivalis cũng đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển của ung thư đại trực tràng và tuyến tụy.

Sau 5 năm nghiên cứu, các nhà nghiên cứu của Virginia Tech đã phát hiện ra rằng vi khuẩn Fusobacterium nucleatum có liên quan mật thiết đến sự xuất hiện của ung thư đại trực tràng.

Nghiên cứu phát hiện ra rằng Fusobacterium nucleatum có liên quan đến ung thư đại trực tràng được công bố lần đầu tiên vào năm 2012. Tính đến nay, có hơn 40 báo cáo nghiên cứu liên quan. Ngoài việc xác nhận vấn đề, nghiên cứu mới này cũng cho chúng ta hiểu được rằng vi khuẩn đường miệng Fusobacterium nucleatum góp phần vào sự xuất hiện và di căn của ung thư đại trực tràng như thế nào.

2 loại vi khuẩn trong khoang miệng có thể là "động lực" của ung thư đại trực tràng và ung thư tuyến tụy, người bị bệnh nha chu càng cần chú ý - Ảnh 2.

Tiến sĩ Daniel Slade, phó giáo sư khoa hóa sinh tại trường Cao đẳng Nông nghiệp và Khoa học Đời sống, đồng thời là một nhà nghiên cứu liên kết tại Fralin Life Sciences, cho biết: "Khám phá của nhóm chúng tôi cho thấy sự lây nhiễm với những vi khuẩn này bắt đầu sự di cư của tế bào ung thư. Đây là thông tin quan trọng bởi vì 90% trường hợp tử vong liên quan đến ung thư là do các khối u không chính gốc hoặc các vị trí đã di căn đến một nơi khác trong cơ thể".

Slade và các đồng nghiệp đã báo cáo kết quả của họ trên tạp chí Science Signaling.

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra vi khuẩn Fusobacterium nucleatum xâm nhập trực tiếp vào các khối u ruột kết. Những vi khuẩn này được cho là chủ yếu di chuyển qua máu đến các vị trí khác nhau trong cơ thể, nơi chúng cũng có liên quan đến các bệnh nhiễm trùng nghiêm trọng ở não, gan và tim, và gây sinh non ở phụ nữ mang thai. Vệ sinh răng miệng kém có thể khiến vi khuẩn di chuyển đến các bộ phận khác của cơ thể, nơi có ung thư. Ngoài ra, bằng chứng còn cho thấy mối liên hệ giữa bệnh nướu răng nghiêm trọng và ung thư đại trực tràng.

Ngoài ra, trong những năm gần đây, nhiều nghiên cứu đã phát hiện ra rằng những người bị bệnh nha chu rất dễ bị ung thư tuyến tụy. Tuy nhiên, lý do lại chưa được giải thích rõ ràng.

Trong một hội nghị học thuật về ung thư vào tháng 4/16, Tiến sĩ Jiyoung Ahn, người nhận Giải thưởng Phát triển Sự nghiệp của Daniel và Janet Mordecai năm 2012, đã trình bày những phát hiện quan trọng tại Hội nghị thường niên của Hiệp hội Nghiên cứu Ung thư Hoa Kỳ về mối liên hệ giữa vi khuẩn được tìm thấy trong miệng của mọi người với nguy cơ phát triển ung thư tuyến tụy. Công trình của cô hiện đã được đăng trên một tạp chí y sinh học uy tín.

2 loại vi khuẩn trong khoang miệng có thể là "động lực" của ung thư đại trực tràng và ung thư tuyến tụy, người bị bệnh nha chu càng cần chú ý - Ảnh 3.

Ahn và các đồng nghiệp của cô phát hiện ra rằng Porphyromonas gingivalis và Aggregatibacter actinomycetemcomitans, hai loài vi khuẩn có liên quan đến bệnh nha chu, có liên quan đến việc tăng hơn 50% nguy cơ ung thư tuyến tụy. Cụ thể, 2 vi khuẩn này làm tăng tỉ lệ mắc bệnh ung thư tuyến tụy 59% và 50%.

Thật trùng hợp, hai loại vi khuẩn này từ lâu đã được phát hiện là nguyên nhân gây ra bệnh nha chu. Do đó, nghiên cứu mới này cuối cùng có thể giải thích tại sao những người bị bệnh nha chu dễ bị ung thư tuyến tụy.

Ung thư tuyến tụy là một căn bệnh gây tử vong cao, và hầu hết bệnh nhân không có triệu chứng cho đến khi bệnh chuyển sang giai đoạn nặng. Ung thư tuyến tụy được coi là một trong những bệnh ung thư nguy hiểm nhất, vì sự khởi phát của nó rất bí ẩn và các triệu chứng ban đầu không điển hình. Mặc dù việc phát hiện và điều trị ung thư tuyến tụy đã có nhiều tiến bộ, tỷ lệ sống sót sau 5 năm của ung thư tuyến tụy chỉ là 9%, thấp nhất trong số các loại ung thư.

Về lý do tại sao hai loại vi khuẩn này làm tăng tỷ lệ mắc bệnh ung thư tuyến tụy, hiện vẫn chưa được biết rõ. Ý kiến cá nhân của tác giả nghiên cứu là chúng cũng có thể đi qua vết thương miệng (bệnh nha chu), đi vào tuần hoàn máu, rồi đến tuyến tụy, từ đó góp phần gây ra ung thư tuyến tụy.

Vì vậy, những nghiên cứu này cho chúng ta biết rằng một số vi khuẩn tưởng vô hại nhưng trong một số trường hợp, có thể gây ra cho chúng ta rất nhiều rắc rối, bao gồm cả khả năng gây bệnh ung thư.

Theo Pancan, Genengnews