Cùng đi leo núi với một em bé chỉ tròn 5 tuổi thực sự là một thử thách của bất cứ bậc phụ huynh nào. Mới đây, chị Trần Bích Ngọc (34 tuổi, sống tại Hà Nội) đã quyết định đưa con gái chị tên An Nhiên (tên ở nhà là Xoài) cùng nhau chinh phục đỉnh Lảo Thẩn.

Nằm trên độ cao 2860m, đỉnh Lảo Thẩn được coi là nóc nhà của Y Tý với khung cảnh thần tiên khi mây trời và nắng gió cùng hòa quyện, khi những thửa ruộng bậc thang vẫn ngát xanh bất chấp sự khắc nghiệt của thời tiết.

"Với trạng thái leo núi luôn thanh cảnh, vừa đi vừa vãn cảnh của con gái thì mình nói đùa rằng có khi phải sang tháng mới lên được tới đỉnh. Chú tour guide nhanh trí điều phối ngay cô vận chuyển hành lý, đưa em bé Xoài lên chiếc gùi xinh xinh mỗi đoạn dốc cao hay đoạn đường khó đi, vừa được vãn cảnh, vừa được ngủ ngon lành.

Vượt qua chặng đường núi gần 10km, vượt qua những giới hạn của bản thân, chúng mình hạ cánh an toàn trên đỉnh núi lúc 6h20p sáng, nhiệt độ là 6 độ C, sương mù dày đặc, gió lạnh tái tê, mệt thở hắt ra nhưng ít nhất cũng thấy mình vĩ đại vì đã làm được việc mà trước đây chưa từng làm.

Thêm một trải nghiệm trekking đường núi mỏi cẳng, chiều ngắm hoàng hôn, đêm ngắm sao trên đỉnh núi rét buốt suốt đời không quên", chị Ngọc trải lòng.

Bà mẹ trẻ tâm sự trước đây con gái đã từng được đi du lịch nghỉ dưỡng và vui chơi nhiều lần rồi, nên lần này chị muốn con được trải nghiệm để vượt qua những giới hạn bản thân. Sau chuyến đi, bé Xoài rất thích thú và trưởng thành hơn, về nhà vẫn hay kể lại những câu chuyện trong hành trình leo núi và vẫn muốn quay lại. Chị Ngọc cũng vẫn ấp ủ kế hoạch cho con đi trải nghiệm thêm nhiều nơi như vậy.

Về ăn uống ngủ nghỉ

Cả nhà ăn sáng và bắt đầu xuất phát, mang theo đồ ăn và ăn bữa trưa trong rừng, đến chiều thì lên đỉnh núi ăn uống và ngủ nghỉ tại homestay trên đó. Không điện, không tiện nghi nhưng cũng được ăn 1 bữa cơm ấm cúng do người dân bản địa chuẩn bị.

Kinh phí đi lại

Cả chuyến đi 3 người (bố mẹ và con) tổng chi phí chưa đến 10 triệu.

Kinh nghiệm leo núi

- Nên leo núi Lảo Thẩn vào mùa nào:

Thời điểm lý tưởng để khám phá Lảo Thẩn là từ tháng 10 - tháng 12 và tháng 3 - tháng 5. Bởi lúc này thời tiết không mưa, đảm bảo an toàn và thời gian lý tưởng để bạn có thể khám phá hết vẻ đẹp của "nóc nhà Y Tý". Và mỗi thời gian đều có những đặc trưng riêng:

+ Tháng 3 - tháng 5: Thời điểm săn mây lý tưởng.

+ Tháng 9 - tháng 11: Trải nghiệm ruộng bậc thang vàng chói.

+ Tháng 11 - tháng 2 (năm sau): Săn mây và cánh rừng cỏ cháy vàng.

- Khó khăn trong quá trình leo núi là mọi thứ sinh hoạt đều thiếu thốn, đường đi cũng không dễ dàng.

2 ngày không điện, không internet của bố mẹ và em bé 5 tuổi chinh phục đỉnh Lảo Thẩn - Nóc nhà Y Tý  - Ảnh 3.

Các cô vận chuyển hành lý đã hỗ trợ em bé đi đoạn đường khó.

- Thuận lợi: Tuy đường đi khó nhưng được hòa mình vào thiên nhiên trong quá trình leo núi cũng rất thú vị, con gái cũng tự lập từ nhỏ và thích khám phá nên khá thích thú và hào hứng tham gia.

- Những món đồ cần chuẩn bị

+ 1 chiếc balo thật chắc chắn để đựng tất cả đồ đạc của bạn và 1 chiếc balo nhỏ gọn để đựng đồ dùng thiết yếu cho việc leo núi.

+ Quần áo: Quần áo cá nhân đủ mặc trong hai ngày. Đêm ở trên Lảo Thẩn nhiệt độ rất thấp khoảng 8-10 độ và trên núi gió lộng, buốt giá, nên bạn hãy chuẩn bị đủ quần áo ấm, tất, khăn, mũ len, găng tay, khẩu trang để phòng lạnh khi ở bên ngoài. Mọi người nên mang theo 1 mũ vải che nắng khi leo núi và mặc một áo gió mỏng sáng màu bên ngoài thì lên hình chụp ảnh sẽ đẹp hơn.

+ Đồ sơ cứu y tế: Khi leo núi dễ gặp chấn thương vì thế bạn nên mang một số loại thuốc cơ bản như: thuốc sốt, say nắng, cảm cúm, tiêu chảy, băng gạc,...

+ Một số đồ dùng cá nhân: Sạc dự phòng, máy ảnh, có thể đem thêm loa mini nếu muốn bật nhạc lúc cắm trại hay dọc đường đi.

+ Kính râm, nước rửa tay khô (trên núi có thể gặp cảnh mất nước, vệ sinh bất tiện), băng vệ sinh (để lót giày không bị đau ngón chân khi di chuyển xuống núi, để đệm vai nếu bạn phải mang vác nặng).

Lời khuyên cho các bố mẹ muốn đưa con đi

Chuẩn bị tâm lý và hành trang đầy đủ cho cả nhà, quan trọng là 1 tâm thế vui vẻ, đón nhận thử thách.

Những người leo núi chuyên nghiệp gọi Lảo Thẩn là leo núi dưỡng sinh. Đúng là leo núi Lảo Thẩn không phải thử thách quá khó khăn, nhưng điều đó không có nghĩa bạn chỉ cần "xách ba lô lên và đi". Leo núi hai ngày cho dù địa hình đẹp cũng đòi hỏi bạn phải có sức khỏe, lộ trình rõ ràng, tỉ mỉ và hơn cả là sự chuẩn bị vật dụng đầy đủ, đặc biệt là khi đi cùng trẻ nhỏ.

Theo kinh nghiệm, các gia đình nên chọn đi tour có người dẫn đường, lộ trình rõ ràng, giúp cả nhà có chuyến đi an toàn. Những hướng dẫn viên sẽ chuẩn bị đủ đồ cần thiết cho việc leo núi, giúp mình tiết kiệm được công sức, thời gian và ghi lại những khoảnh khắc ấn tượng.

2 ngày không điện, không internet của bố mẹ và em bé 5 tuổi chinh phục đỉnh Lảo Thẩn - Nóc nhà Y Tý  - Ảnh 6.