Chế độ ăn uống có liên quan mật thiết tới nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường tuýp 2. Đây là một căn bệnh có nhiều biến chứng nguy hiểm tới nhiều bộ phận trên cơ thể như tim, não, mắt,...

Tiêu thụ quá nhiều thực phẩm không lành mạnh có thể dẫn đến tình trạng kháng insulin. Khi điều này xảy ra, tuyến tụy sẽ sản xuất thêm insulin để tăng cường đưa đường từ máu vào tế bào, từ đó làm tăng lượng đường trong máu.

Khi nhắc tới thực phẩm gây bệnh đái tháo đường, thông thường mọi người sẽ nghĩ tới đồ ngọt. Thế nhưng, bạn nên thận trọng với cả 2 nhóm thực phẩm khá phổ biến dưới đây.

Thịt đỏ, thịt đã chế biến và nguy cơ đái tháo đường

2 nhóm thực phẩm gây bệnh đái tháo đường mà nhiều người vẫn ‘vô tư’ ăn hàng ngày - Ảnh 1.

Ăn nhiều thịt đỏ và thịt chế biến sẵn có liên quan tới nguy cơ mắc đái tháo đường (Ảnh: CNN)

Thịt đỏ và các loại thịt đã qua chế biến như xúc xích, thịt xông khói, giăm bông được khá nhiều người ưa chuộng.

Ăn một lượng nhỏ thịt đỏ, chẳng hạn như thịt bò, thịt lợn hoặc thịt cừu, có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường. Một nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí y khoa Diabetologia vào năm 2020 cho thấy chỉ ăn 50g thịt đỏ mỗi ngày có thể làm tăng 11% nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường.

Theo các chuyên gia y tế, một số hợp chất có trong thịt chế biến sẵn, chẳng hạn như nitrat và chất béo bão hòa, có thể góp phần vào việc phát triển bệnh đái tháo đường. Các chất này đều làm tăng quá trình căng thẳng oxy hóa, gây viêm hoặc tổn thương tế bào, cuối cùng dẫn tới kháng insulin và gây ra bệnh đái tháo đường.

Thực phẩm tinh chế, chiên rán và nguy cơ đái tháo đường

2 nhóm thực phẩm gây bệnh đái tháo đường mà nhiều người vẫn ‘vô tư’ ăn hàng ngày - Ảnh 2.

Các loại ngũ cốc tinh chế làm tăng nguy cơ mắc đái tháo đường (Ảnh: Food Ticker)

Ngoài thịt đỏ và thịt đã qua chế biến, nhóm thực phẩm nguy hiểm thứ hai có thể dẫn tới bệnh đái tháo đường là thực phẩm tinh chế và chiên rán. Những thực phẩm này gồm bánh ngọt, bánh quy, ngũ cốc hoặc đồ uống có đường... Đây là các thực phẩm đã bị loại bỏ hầu hết chất xơ, vi chất dinh dưỡng lành mạnh và được thêm các hóa chất nhân tạo có hại như hương liệu, chất bảo quản, chất làm ngọt và chất nhũ hóa.

Các chất được thêm vào nhóm thực phẩm này gây hại cho hệ lợi khuẩn trong đường ruột. Đó là các vi khuẩn có vai trò quan trọng trong việc đưa ra tín hiệu đói, điều hòa lượng đường và độ nhạy insulin của cơ thể. Do đó, tiêu thụ quá nhiều thực phẩm tinh chế, chiên rán có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường.

Vậy nên ăn gì để phòng ngừa đái tháo đường?

Để có một sức khỏe tốt nhất, đồng thời giảm thiểu nguy cơ mắc đái tháo đường, mỗi chúng ta nên có một chế độ ăn uống lành mạnh và cân bằng.

Mọi người nên ăn nhiều trái cây và rau xanh không chứa tinh bột như ớt chuông, nấm, măng tây, bông cải xanh, cải bó xôi,...

Ngoài ra, mọi người nên tự nấu ăn thay vì mua đồ ăn sẵn hoặc đi ăn ngoài tiệm. Việc tự tay chế biến đồ ăn sẽ giúp bạn kiểm soát được gia vị thêm vào.

Một số thực phẩm lành mạnh khác nên tiêu thụ thường xuyên đó là protein nạc có trong cá, thịt gà, đậu phụ, trứng, sữa chua và ngũ cốc nguyên hạt.

Nguồn: Times of India, Medical News Today