Ung thư đại trực tràng là một bệnh lý ung thư đường tiêu hóa rất phổ biến. Tại Việt Nam, theo thống kê của Globocan (một dự án của Cơ quan nghiên cứu ung thư quốc tế (International Agence on Cancer Search - IACR) trực thuộc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO)) năm 2012, ung thư đại trực tràng có tỷ lệ mới mắc đứng thứ 5 và tỷ lệ tử vong đứng thứ 4 trong các bệnh ung thư. Trong xã hội hiện đại ngày nay, do ung thư đại trực tràng có liên quan chặt chẽ với chế độ ăn uống, sinh hoạt nên tỷ lệ mắc bệnh ngày càng gia tăng.
Ung thư đại trực tràng là một bệnh lý ung thư đường tiêu hóa rất phổ biến.
Các triệu chứng của ung thư đại trực tràng
Theo bác sĩ Hồ Hoàng Nam (Khoa Nội soi – Thăm dò chức năng, Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội), ung thư đại trực tràng ở giai đoạn sớm các triệu chứng diễn ra âm thầm, "kín đáo" nên rất khó phát hiện.
Do vậy, khi có một trong các dấu hiệu sau, chúng ta nên tới các cơ sở y tế để được thăm khám:
- Rối loạn đại tiện như tiêu chảy, táo bón kéo dài hoặc đi phân mỏng và dẹt như lá lúa
- Cảm giác buồn đi ngoài thường xuyên
- Đi ngoài không hết phân, đại tiện ra máu lẫn với phân, đại tiện phân màu đen
- Đau bụng thường xuyên
- Mệt mỏi thường xuyên
- Sút cân không rõ nguyên nhân…
Các yếu tố nguy cơ của ung thư đại trực tràng
Theo bác sĩ Hồ Hoàng Nam các loại ung thư khác nhau sẽ có các yếu tố nguy cơ khác nhau. Có một số yếu tố nguy cơ có thể thay đổi được như: hút thuốc, chế độ ăn… nhưng cũng có các yếu tố nguy cơ không thể thay đổi như: Tuổi tác, tiền sử gia đình…
Có một hoặc thậm chí nhiều yếu tố nguy cơ cũng không có nghĩa là chắc chắn sẽ bị bệnh và ngược lại, một số bệnh nhân bị ung thư nhưng lại không mang yếu tố nguy cơ nào.
Theo bác sĩ Hồ Hoàng Nam các loại ung thư khác nhau sẽ có các yếu tố nguy cơ khác nhau.
Với ung thư đại trực tràng, các yếu tố nguy cơ bao gồm 02 nhóm:
- Các yếu tố nguy cơ có thể thay đổi: Béo phì, ít vận động thể dục thể thao, chế độ ăn nhiều thịt đỏ (thịt bò, lợn, cừu, gan…) và thịt chế biến công nghiệp (xúc xích, thức ăn nhanh, đồ chiên xào…), thịt nấu ở nhiệt độ rất cao (thịt nướng, thịt rán…), hút thuốc lá, sử dụng nhiều đồ uống có cồn (rượu, bia…).
- Các yếu tố nguy cơ không thể thay đổi như: Tuổi cao (nguy cơ bị ung thư đại trực tràng tăng cao rõ rệt sau 50 tuổi); tiền sử đã bị polyp (đặc biệt là nhiều polyp) hoặc ung thư đại trực tràng; tiền sử bị viêm đại trực tràng mạn tính bao gồm cả bệnh Crohn; tiền sử gia đình có người bị ung thư đại trực tràng hoặc đa polyp tuyến đại trực tràng...
Các yếu tố nguy cơ không thể thay đổi như: tuổi cao (nguy cơ bị ung thư đại trực tràng tăng cao rõ rệt sau 50 tuổi)...
Dự phòng ung thư đại trực tràng
Theo bác sĩ Hồ Hoàng Nam không thể dự phòng hoàn toàn ung thư đại trực tràng nhưng có thể giảm nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng bằng cách khám sàng lọc và kiểm soát các yếu tố nguy cơ.
Một polyp đại trực tràng cần thời gian 10-15 năm để có thể phát triển thành ung thư. Do đó khám sàng lọc là "vũ khí" quan trọng nhất giúp chẩn đoán sớm và điều trị ung thư đại trực tràng. Vài chục năm gần đây, tỷ lệ tử vong do ung thư đại trực tràng đã giảm và một trong những lý do là nhờ việc phát hiện sớm các polyp và xử lý trước khi chúng phát triển thành ung thư.
Ngoài ra, sàng lọc cũng giúp phát hiện ung thư đại trực tràng ở giai đoạn sớm, khi khối u còn nhỏ, chưa xâm lấn, di căn. Khi đó, tỷ lệ sống thêm tương đối sau 5 năm đạt tới 90%, bác sĩ Hồ Hoàng Nam cho biết.
Mặt khác, với những người béo phì cần giảm cân, tăng cường tập thể dục, thể thao thường xuyên (tối thiểu 30 phút mỗi ngày). Chế độ ăn nhiều rau xanh, hoa quả tươi, ngũ cốc nguyên hạt, hạn chế thịt đỏ và thịt đã qua chế biến công nghiệp, không uống bia, rượu, không hút thuốc lá... cũng góp phần ngăn ngừa bệnh phát triển.
Hình ảnh quá trình biến đổi từ polyp thành ung thư đại trực tràng.
Các phương pháp sàng lọc phát hiện sớm ung thư đại trực tràng
Bác sĩ Hồ Hoàng Nam cho biết, hiện nay, một số bệnh viện có thể thực hiện được tất cả các phương pháp sàng lọc, chẩn đoán và điều trị ung thư đại trực tràng với chất lượng cao nhất như:
- Nội soi đại tràng sigma ống mềm: Là kỹ thuật xâm nhập có thể đánh giá trực tiếp tổn thương và can thiệp sinh thiết khối u hoặc cắt bỏ các polyp.
- Nội soi đại tràng: Đánh giá toàn bộ đại tràng và trực tràng, có thể sinh thiết khối u hoặc cắt bỏ các polyp nếu phát hiện.
- Chụp khung đại tràng cản quang: Đây là kỹ thuật không xâm nhập, nếu chụp mà phát hiện hoặc nghi ngờ ung thư đại trực tràng thì vẫn phải tiến hành soi đại tràng để chẩn đoán xác định.
Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội là một trong các cơ sở chuyên khoa đầu ngành về ung bướu, tuyến cuối điều trị ung thư từ miền Trung trở ra.
- Chụp cắt lớp vi tính đại tràng: Là kỹ thuật không xâm nhập, dùng trong những trường hợp bệnh nhân không muốn hoặc không thể nội soi đại trực tràng ống mềm. Tuy nhiên không thể sinh thiết khối u hoặc cắt polyp.
- Xét nghiệm tìm máu tiềm ẩn trong phân (Fecal occult blood test): Do các polyp lớn và đặc biệt các khối u đại trực tràng có rất nhiều các mạch máu (mạch nuôi). Chúng dễ bị tổn thương khi cọ xát với phân, gây chảy máu vi thể (hiếm khi nhìn thấy bằng mắt thường) và máu này sẽ dính theo phân đi ra ngoài.
Đây là xét nghiệm đơn giản, dễ làm với chi phí thấp, có thể tiến hành tại nhà. Tuy nhiên, máu trong phân có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau như polyp, ung thư, viêm loét đại trực tràng, trĩ… Do đó nếu xét nghiệm dương tính bắt buộc phải nội soi đại trực tràng để chẩn đoán xác định.
- Xét nghiệm hóa miễn dịch phân (Fecal immunochemical test): Phát hiện hemoglobin protein là thành phần trong hồng cầu của người.
- Xét nghiệm DNA trong phân (stool DNA test): Phát hiện các bất thường AND do đột biến gen của các tế bào ung thư đại trực tràng.
Đối với người có nguy cơ cao bị ung thư đại trực tràng nên bắt đầu sàng lọc sớm trước 40 tuổi và tiến hành thường xuyên hơn.