Trao đổi với Pgs.Ts Vũ Bích Nga - Trưởng khoa nội tiết - hô hấp tại bệnh viện Đại Học Y cho biết: Khi mang thai, các mẹ luôn quan niệm là phải ăn uống thật nhiều để có chất cho em bé. Tuy nhiên, nếu nguồn dinh dưỡng bị thừa sẽ dẫn đến tình trạng mẹ mắc tiểu đường thai kỳ. Khi mà biết mình mắc bệnh, các mẹ lại chuyển từ việc ăn nhiều quá sang ăn quá ít, thậm chí là không ăn nữa, và như vậy sẽ vô cùng nguy hiểm.
Kết quả là mẹ bầu sẽ bị sút cân, ăn uống không đầy đủ sẽ khiến mẹ bị đói. Và việc này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến dây thần kinh của em bé.
Bên cạnh đó, một sai lầm nữa là các chị em ít khi vận động thể lực khi mang thai. Trừ những người có nguy cơ dọa sảy, còn lại mẹ bầu nên hoạt động và rèn luyện sức khỏe nhẹ nhàng, phù hợp. Ví dụ như đi bộ, bơi lội, yoga cho bà bầu. Mỗi ngày chỉ khoảng 30 phút sẽ giúp các mẹ bầu tránh được nguy cơ bị tiểu đường thai kỳ.
Nguyên nhân dẫn đến tiểu đường thai kỳ và những hiểu lầm về tiểu đường thai kỳ
Những thực phẩm thai phụ nên ăn khi mắc tiểu đường thai kỳ:
- Thịt nạc, cá, đậu hũ, yaourt, các loại sữa không béo và không đường.
- Các loại thực phẩm ít gây tăng đường máu như: đậu đỗ, gạo lứt, các loại trái cây ít ngọt, củ quả, rau xanh.
- Ăn nhiều bữa trong ngày để đảm bảo không làm tăng đường máu lên quá cao, sau khi ăn và cũng không để đường máu hạ quá thấp lúc xa bữa ăn. Trong ngày nên ăn 3 bữa chính và 1 - 2 bữa ăn phụ.
Những thực phẩm thai phụ nên giảm bớt:
- Các loại thực phẩm gây tăng đường huyết như: bánh kẹo, kem, chè, các loại trái cây ngọt,...
- Khi bị tiểu đường thai kỳ cần giảm ăn mặn và các loại thực phẩm chế biến sẵn có chứa nhiều muối để phòng ngừa tăng huyết áp như: thịt nguội, đồ hộp, mì gói, cháo,...
- Các loại thực phẩm có nhiều chất béo gây tăng mỡ máu như: lòng đỏ trứng, thức ăn chiên xào, nội tạng (tim, gan, thận),...
- Thai phụ cũng cần giảm uống nước ngọt, nước ép trái cây ngọt, chè đặc, rượu bia, cà phê,...