Bệnh nhi là N.V.H (sinh năm 2018) và chị là N.T.N.A (sinh năm 2014). Bệnh nhi H. nhập viện trong tình trạng lơ mơ, thở ức chế, đồng tử co nhỏ, phản xạ ánh sáng yếu. Còn bệnh nhi A. tỉnh, buồn nôn và nôn nhiều lần, dấu hiệu mất nước.
Theo thông tin từ phía người nhà bệnh nhi, sáng cùng ngày nhập viện, 2 bệnh nhi nhặt được chai C2 trong có chứa nước màu hồng, mùi thơm, tưởng siro nên cả 2 đã cùng uống 1 nắp chai (khoảng 5ml).
Khoảng 30 phút sau, 2 bệnh nhi có biểu hiện buồn nôn, nôn nhiều, riêng bệnh nhi H. lơ mơ, gọi hỏi không trả lời nên được gia đình đưa vào Bệnh viện Sản Nhi Bắc Ninh cấp cứu.
Tại Khoa Hồi sức tích cực, bệnh nhi được chẩn đoán hôn mê/theo dõi ngộ độc methadone và được xử trí cấp cứu thở oxy, rửa dạ dày, dùng thuốc giải độc (naloxone), truyền dịch, bài niệu tích cực qua đường nước tiểu.
Sau khi được giải độc và điều trị tích cực, bệnh nhi H. đã tỉnh, tự thở được, gọi hỏi có đáp ứng; bệnh nhi A. đỡ nôn, dấu hiệu mất nước cải thiện. Sau 3 ngày điều trị tích cực, 2 bệnh nhi sức khỏe ổn định.
Bệnh viện cũng đã gửi 2 mẫu nước tiểu của các bệnh nhi cùng dung dịch màu hồng nghi ngờ độc chất đến Trung tâm kiểm định thuốc Trung ương để làm xét nghiệm, kết quả 3 mẫu bệnh phẩm đều dương tính với methadone.
Chất gây ngộ độc methadone làm ức chế trung tâm hô hấp và thần kinh, khiến bệnh nhân rơi vào tình trạng hôn mê. Nếu không phát hiện và xử trí kịp thời bệnh nhân sẽ không qua khỏi.
Tai nạn ngộ độc thường xảy ra ở trẻ em dưới 6 tuổi. Trẻ ở độ tuổi này có bản năng tò mò, thích ăn hoặc uống những gì nhìn thấy hấp dẫn hay mang màu sắc sặc sỡ có sẵn ở gia đình.
Để phòng ngừa các tai nạn cho trẻ em trong sinh hoạt hàng ngày, đặc biệt là uống nhầm hoặc ăn nhầm các chất độc, thuốc cha mẹ cần bảo quản thuốc để tránh xa tầm với của trẻ em và thường xuyên giám sát. Với trẻ lớn trong độ tuổi mẫu giáo hoặc lớn hơn cần giáo dục và hướng dẫn trẻ các kỹ năng sống.