Mỗi gia đình, mỗi bậc cha mẹ đều có cho mình những phương pháp giáo dục khác nhau. Giáo dục đúng hướng sẽ khiến đứa trẻ phát triển toàn diện, cha mẹ được nở mày nở mặt. Tuy nhiên, dù giáo dục theo cách nào thì cha mẹ cũng nên tham khảo 2 yếu tố quan trọng hàng đầu dưới đây.
1. Đồng hành cùng trẻ trong mọi giai đoạn
Đồng hành cùng trẻ là yếu tố quan trọng hàng đầu mà cha mẹ cần biết. Nó có ý nghĩa rất lớn đối với quá trình trưởng thành của trẻ. Đồng hành chính là việc phụ huynh tham gia vào hoạt động của con ở mức độ phù hợp, sẵn sàng hướng dẫn, hỗ trợ con khi cần thiết. Vậy làm thế nào để cha mẹ có thể đồng hành với con, xây dựng mối quan hệ gắn bó, đáng tin cậy?
Đầu tiên, cha mẹ cần lấy sở thích, mong muốn của con làm điểm xuất phát.
Thứ hai, cha mẹ hãy liên tục tạo ra những thử thách để cùng trẻ chinh phục. Hãy tăng dần mức độ khó để phát triển năng lực cho trẻ.
Thứ ba, cha mẹ cần giúp trẻ mở rộng phạm vi khám phá, các mối quan hệ. Đồng thời thúc đẩy tất cả các giác quan, kỹ năng, cảm xúc,… để trẻ có thể phát triển toàn diện.
Dưới đây là một tình huống cụ thể để cha mẹ biết cách đồng hành cùng con từ những điều đơn giản nhất.
Cậu bé Trần Trần, 4 tuổi (Trung Quốc) đang ngồi vẽ tranh bằng cọ trên những tờ giấy. Sau một hồi, cậu vẫn không có cho mình được bức tranh hoàn chỉnh, chỉ là những nét nguệch ngoạc vô nghĩa.
Thấy vậy, mẹ cậu bé quyết định hỗ trợ con. Đầu tiên, chị đặt ra cho Trần Trần hàng loạt câu hỏi: "Con đang vẽ gì? Có phải con muốn vẽ ngọn núi, đám mây không? Hay con đang vẽ cảnh biển cả?",…
Trần Trần chia sẻ với mẹ rằng mình muốn vẽ các bạn nhỏ đang chơi đùa cùng người tuyết nhưng chưa biết bắt đầu thế nào. Nghe con chia sẻ, người mẹ kiên nhẫn ngồi xuống, hướng dẫn con từng bước. "Đầu tiên, để vẽ người tuyết cần hai khối hình tròn. Chiếc đồng hồ treo trên tường có hình tròn, con hãy quan sát để học theo nhé. Có thể lần 1, lần 2 hình tròn con vẽ chưa đẹp nhưng chỉ cần luyện tập nhiều lần sẽ tiến bộ", người mẹ nhẹ nhàng nói.
Nhờ được mẹ hướng dẫn tỉ mỉ nên Trần Trần đã vẽ được người tuyết. Cậu bé rất vui mừng, hạnh phúc và tự hào. Sau đó, Trần Trần có sự liên tưởng và vẽ thêm nhiều thứ như: Cây thông, ông già noel, hộp quà tặng,… Bức tranh trở nên sinh động, thú vị hơn rất nhiều!
Trong bất cứ mọi việc, dù con học tập, rèn luyện thể dục thể thao, làm việc nhà hay tham gia hoạt động ngoại khóa, nếu được sự hướng dẫn từ cha mẹ, trẻ sẽ vô cùng hứng thú, có động lực thực hiện. Nhờ đó, trẻ sẽ tự trau dồi được kiến thức cùng các kỹ năng. Đặc biệt, mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái sẽ trở nên hòa thuận, khăng khít.
2. Đôi lúc cha mẹ phải "buông bỏ" để trẻ tự lập
Nhiều đứa trẻ yếu kém về mặt tự lập, tự giác. Khi làm việc gì trẻ cũng cần cha mẹ giúp đỡ hoặc giám sát từng ly từng tý. Phần lớn lỗi này do cha mẹ tạo nên bởi không yên tâm khi để trẻ tự hoàn thành công việc. Tuy nhiên khi trưởng thành, đứa trẻ nào cũng phải đi trên đôi chân của mình, tự lo cho cuộc sống mà không hề có cha mẹ ở bên. Trưởng thành là quá trình tất yếu của mỗi người, không ai có thể chối bỏ. Vì thế, cha mẹ nên rèn cho con tính tự lập theo từng giai đoạn, đừng bao bọc, bảo vệ con mãi.
Chẳng hạn như khi trẻ mới biết ngồi, mẹ có thể để con vào cũi, đưa cho con những món đồ chơi yêu thích và không quên trìu mến dặn dò: "Con tự chơi một lúc nhé, mẹ sẽ ra với con sau", "Con đợi mẹ nấu cơm rồi ra chơi với con nhé!", "Con là đứa trẻ rất ngoan nếu tự ngồi chơi một mình, không quấy khóc",… Tuy để con một mình nhưng mẹ cần quan sát con 2-3 phút/lần để nắm được tình hình và đảm bảo con không gặp nguy hiểm.
Dần dần, khi con lớn lên, cha mẹ có thể tạo cho con những khoảng thời gian ở một mình trong khoảng thời gian dài. Trẻ có thể tự chơi đồ chơi, vẽ tranh, xem ti vi,… Hay một ví dụ khác là khi trẻ đi học, cha mẹ không nên ngồi kèm bởi khiến trẻ cảm thấy căng thẳng, áp lực. Cha mẹ có thể để trẻ tự ngồi học, chỉ kiểm tra sau khi kết thúc buổi học và cùng trẻ lên kế hoạch theo ngày, tuần, tháng.
"Buông bỏ" chính là cách giúp trẻ hình thành tính tự lập, tự làm những việc trong khả năng mà không làm phiền đến mọi người. Điều này vừa tốt cho trẻ vừa khiến cha mẹ đỡ vất vả, mệt mỏi trong công cuộc chăm sóc và nuôi dạy trẻ.