Nước giếng vàng khè, tự lọc để dùng
Tại ấp 5, xã Đa Phước chúng tôi được chứng kiến cảnh ông Trần Văn Trang đang bơm nước vào giếng và tiến hành lọc do nước nhiễm phèn cáu bẩn đến mức ngả vàng. Ông Trang thở dài: “Tôi đã sống ở đây 20 năm rồi mà chưa biết nước máy là gì. Tôi phải đào giếng để xài, nhưng càng xài thì thấy không an tâm, nước giờ đã nhiễm phèn, hôi, chứ không còn như trước nữa”.
Vì chưa có nước máy, ông Trang cũng như nhiều hộ dân khác phải đào giếng, bơm nước lên, cho nước qua bể lọc rồi mới dùng trong một số sinh hoạt thường ngày như tắm, giặt. Tại khoang bể nước đầu tiên nơi bơm nước lên, chúng tôi thấy rêu, phèn đã bám đầy cả trên vách học. Vừa dọn sạch các mảng bám đó, ông cho hay: “Cứ lâu lâu chúng tôi phải dọn sạch một lần”.
Chúng tôi nhận thấy phần nước bơm lên từ giếng khoan rõ ràng có màu vàng chứ không trong như nước máy ở những nơi khác. Sau khi nước vào khoang bể thứ nhất, sẽ được dẫn sang khoang thứ hai để lọc qua một lớp cát/đá nhuyễn (phương pháp lọc thủ công phổ biến lâu nay). Tiếp theo nước sẽ được dẫn sang dự trữ ở các khoang bể chứa nước khác.
Ông Trang cho biết ngoài bơm cho gia đình xài, ông còn chuyền ống để chia sẻ cho hàng xóm. Nước này chỉ để tắm giặt chứ không thể nấu ăn được do có mùi và chưa sạch hoàn toàn.
Những phần nước được lưu giữ để dùng và chia sẻ cho hàng xóm.
Tốn tiền điện, nước mà không hề an tâm
Nói về nguyên nhân của sự khác nhau giữa nước trước đây và hiện tại, ông Trang cho biết: “Trên địa bàn huyện mấy năm nay mọc lên một khu nghĩa trang rộng lớn, một nhà máy xử lí rác thải và một nhà máy bê tông lớn. Nhìn bằng mắt thường thì khó đong đếm hết cái hại, nhưng chúng tôi đang rất hoang mang vì nước giếng có lẫn nước thải thì dĩ nhiên phải tiềm ẩn các mầm bệnh”.
Nhiều hộ dân cũng chọn cách hứng nước mưa để dự trữ nấu ăn và uống. “Tuy nhiên trong mưa hiện nay cũng đã có lẫn khói bụi công nghiệp. Với lại không thể dự trữ đủ cho cả một mùa nắng được.” - chị Ngọc Mỹ (44 tuổi) ấp 4, xã Đa Phước bày tỏ lo lắng.
Ngoài nỗi hoang mang về mầm bệnh ngầm, ông Trang và nhiều hộ dân còn phải đối mặt với gánh nặng điện nước trước mắt. Việc bơm nước khiến nhiều hộ tiêu thụ lượng điện khá lớn. Ngoài ra do không thể dùng nước này để nấu ăn các hộ dân phải mua bình nước lọc 20 lít giá từ 12.000 - 14.000 đồng/bình để uống và nấu ăn. Một người nội trợ thống kê: “Một ngày phải ba lần nấu ăn. Một bình nước 20 lít dùng 2 - 3 ngày là hết. Nhiều hộ nấu đồ ăn bán, nếu có tâm nấu sạch thì phải tốn cả triệu đồng tiền nước”.
Tại khu vực ấp 1 xã Đa Phước, nhiều người dân trong một khu nhà trọ cũng than phiền về sự bất tiện: “Nếu hết nước thì phải đợi chủ nhà bơm, có lúc đợi 2 - 3 tiếng mới có vì ông đi vắng”.
Sẽ có nước máy nhưng chưa biết là khi nào
Nghĩa trang Đa Phước tọa lạc tại ấp 1, xã Đa Phước là khu nghĩa địa “hoành tráng” với diện tích hiện tại hơn 68 ha. Nghĩa trang Đa Phước đi vào hoạt động từ tháng 4 năm 2006 là một trong các nghĩa trang nhận mộ di dời từ nghĩa trang Bình Hưng Hòa - nghĩa trang lớn nhất thành phố Hồ Chí Minh. Nếu người dân khu Bình Hưng Hòa từng lo về chuyện nhiễm bệnh thì nay nỗi lo ấy cũng được di dời về xã Đa Phước.
Tháng 1/2014, người dân ấp 1 xã Đa Phước đã rất bức xúc việc Công ty TNHH bê tông Á Châu (Asia) thường xuyên xả bột bê tông tươi trực tiếp xuống các rạch, ao hồ gần nhà dân. UBND H.Bình Chánh đã lập biên bản xử phạt hành chính hành vi gây ô nhiễm của doanh nghiệp này, đồng thời yêu cầu sớm khắc phục các vi phạm. UBND H.Bình Chánh cũng đã giao Phòng Tài nguyên - Môi trường, UBND xã Đa Phước theo dõi việc khắc phục ô nhiễm của Công ty bê tông Asia. Ngoài ra, cạnh nhà máy bê tông còn có một xưởng nấu muối, để tiết kiệm chi phí, xưởng này dùng giẻ rách để đốt, xả khói đen gây ô nhiễm.
và khu xử lí chất thải với những núi chất thải cao ngất.
Như vậy những nỗi lo của người dân về việc nguồn nước giếng đang dần ô nhiễm là hoàn toàn có cơ sở.
Trao đổi với báo chí, lãnh đạo xã Đa Phước cho biết xã đã triển khai dự án 5 giếng khoan công nghiệp để cung cấp nước cho người dân, nhưng đến thời điểm này, dự án vẫn chưa hoàn thiện.