Ngày 31/5, VIB tăng 0,2% lãi suất huy động trực tuyến cho các kỳ hạn 6-11 tháng. Theo đó, lãi suất các kỳ hạn này cùng được niêm yết tại mức 4,3%/năm.

Đây là lần thứ 4 VIB điều chỉnh lãi suất trong tháng 5. Trước đó, ngân hàng này đã tiến hành điều chỉnh lãi suất huy động vào các ngày vào các ngày 4, 8, và 21/5.

Cũng trong ngày cuối của tháng 5, Eximbank điều chỉnh tăng thêm 0,1% lãi suất tiền gửi trực tuyến ở tất cả các kỳ hạn. Hiện tại ngân hàng này, lãi suất huy động trực tuyến tại một số kỳ hạn như kỳ hạn 6-9 tháng là 4,2%/năm; kỳ hạn 12 tháng là 5%/năm; kỳ hạn 24-36 tháng là 5,3%/năm.

20 ngân hàng đã tăng lãi suất huy động trong tháng 5 - Ảnh 1.

20 ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất huy động trong tháng 5. (Ảnh minh họa)

Trong tháng 5, ngân hàng ABBank đã có 4 lần điều chỉnh tăng lãi suất huy động. Trong 3 lần trước, ngân hàng này chỉ tăng lãi suất đối với tiền gửi kỳ hạn 6 tháng, nhưng ở lần điều chỉnh thứ 4 trong tháng, ngân hàng đã điều chỉnh tăng 1,1% ở kỳ hạn 12 tháng lên 5,2%/năm.

Ngoài ra, có thể kể đến các ngân hàng tăng lãi suất huy động 2 lần trong tháng 5/2024 như Bắc Á Bank, BVBank, CBBank, HDBank, NCB, PGBank, SeaBank, Techcombank.

Trong tháng 5, đã có khoảng 20 ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất huy động gồm: ACB, ABBank, Bac A Bank, BVBank, CBBank, Eximbank, GPBank, HDBank, MB, NCB, PGBank, Sacombank, SeABank, SHB, Techcombank, TPBank, VIB, Viet A Bank, VietBank, VPBank.

Như vậy, lãi suất tiền gửi ngân hàng có xu hướng tăng trong tháng 5/2024. Mức tăng trung bình dao động từ 0,2% đến 0,8% cho các kỳ hạn khác nhau.

Một số ngân hàng tăng lãi suất mạnh hơn, lên đến 1% - 1,5% cho các kỳ hạn dài.

Theo giới chuyên gia, nguyên nhân chính dẫn đến xu hướng tăng lãi suất là do tín dụng tăng trưởng nhanh trong tháng 5/2024, tạo áp lực lên nguồn vốn của các ngân hàng.

Ngoài ra, lãi suất huy động của các ngân hàng Mỹ tăng khiến lãi suất huy động USD của các ngân hàng Việt Nam cũng tăng theo, dẫn đến áp lực điều chỉnh tăng lãi suất VND.

Trong khi đó mới đây, NHNN đã yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện các giải pháp để nỗ lực phấn đấu giảm 1-2%/năm lãi suất cho vay.

Đồng thời, các đơn vị cần duy trì mặt bằng lãi suất huy động ổn định, hợp lý, phù hợp với khả năng cân đối vốn, khả năng mở rộng tín dụng lành mạnh và năng lực quản lý rủi ro, ổn định thị trường tiền tệ và mặt bằng lãi suất thị trường.

Biểu lãi suất mới của 20 ngân hàng trong tháng 5

20 ngân hàng đã tăng lãi suất huy động trong tháng 5 - Ảnh 2.