2.000 người Ấn Độ bị lừa tiêm vắc-xin COVID-19 giả - Ảnh 1.

Tỷ lệ tiêm chủng ở Ấn Độ tăng mạnh trong tuần này sau khi chính phủ tiến hành tiêm miễn phí cho người dân. Nhưng bên cạnh đó cũng xảy ra chuyện lừa đảo bằng vắc-xin giả.

Cảnh sát Mumbai cho biết khoảng 2.000 người nghĩ rằng họ đã được tiêm vắc-xin, nhưng thực tế là họ chỉ được tiêm nước muối.

10 đối tượng đã bị bắt, trong đó có 2 bác sĩ tại một bệnh viện tư nhân ở trung tâm tài chính.

Báo chí Ấn Độ cho biết vắc-xin giả bị sử dụng ở 9 địa điểm khác nhau.

Cảnh sát Kokkata cũng bắt giữ một đối tượng đóng giả là viên chức, có bằng thạc sĩ về di truyền học để điều hành 8 trạm tiêm phòng giả mạo.

Ít nhất 500 người tàn tật và chuyển giới đã bị tiêm vắc-xin giả tại những địa điểm này.

Cảnh sát cho biết các lọ vắc-xin được thu giữ ghi nhãn là chứa vắc-xin AstraZeneca, nhưng có tên Ấn Độ là Covishield.

“Những lọ vắc-xin đó có nhãn Covishield được dán đè lên một nhãn khác, vốn là của Amikacin Sulphate 500 mg, một loại thuốc kháng sinh dùng để điều trị các bệnh như nhiễm trùng đường tiết niệu, xương, não, phổi và máu”, cảnh sát cho biết.

Vụ việc được phơi bày sau khi diễn viên và chính trị gia Mimi Chakraborty khi đến tiêm tại một trong những địa điểm giả mạo này đã nghi ngờ và báo cảnh sát.

Cảnh sát thu được thẻ căn cước giả của một đối tượng là vốn là quan chức Bộ Thông tin và một người khác làm trong hội đồng thành phố.

TS Debashis Barui, quan chức y tế ở Kolkata, cho biết nhiều người đang lo sợ về tác dụng phụ sau khi tiêm vắc-xin giả. “Nếu tình hình khẩn cấp, chính quyền thành phố sẽ tổ chức các điểm y tế để chăm sóc những người bị tiêm vắc-xin giả”, TS Barui nói.

Bà Ruma Sikdar, một trong những nạn nhân bị lừa, cho biết bà cảm thấy khó chịu ở cánh tay.

“Điều tôi lo là mình có thể được tiêm vắc-xin thật trước khi làn sóng lây nhiễm lần thứ ba ập đến hay không”, bà Sikdar cho biết.

“Tôi không nghĩ điều này có thể xảy ra khi thế giới đang đối phó với đại dịch”, sinh viên Debjit Majumdar, một nạn nhân khác trong vụ việc, nói.