21 năm đã trôi qua nhưng mỗi lần nhắc đến bộ phim Mẹ con Đậu Đũa, người xem lại xúc động khôn nguôi bởi câu chuyện đầy ý nghĩa về ông bố "gà trống nuôi con" đã vượt rừng vượt suối đưa con gái đi thi "Bé khỏe bé ngoan".
Mẹ con Đậu Đũa là phim do Trương Dũng làm đạo diễn, ra mắt lần đầu năm 1998. Bộ phim có nội dung dựa theo truyện ngắn cùng tên của nhà văn Nguyên Hương. Không 1 ngôi sao đình đám, không cảnh quay hoành tráng tốn kém tiền của, Mẹ con Đậu Đũa vẫn chạm được đến cảm xúc bởi sự chân thành, giản dị.
Soi mình vào từng nhân vật, bất giác khán giả lại đưa tay sờ lên tim mình rồi ngậm ngùi quẹt nước mắt. Có phải là khi còn thơ bé, bố của chúng ta cũng từng thương con, hy sinh vì con như nhân vật Ba Đậu Đũa trên phim?
Mẹ Đậu Đũa qua đời khi con còn rất nhỏ, Ba Đậu Đũa lâm vào cảnh "gà trống nuôi con" với muôn vàn điều bỡ ngỡ. Ngày qua ngày, 2 ba con dựa vào nhau đi qua mưa gió bão bùng. Cho đến một hôm trời trong xanh kia, Đậu Đũa nằng nặc đòi ba đưa về vùng đồng bằng để thi "Bé khỏe, bé ngoan".
Vì thương con, người ba gầy gò, đen nhẻm mới băng rừng vượt suối, đạp xe suốt nhiều giờ đồng hồ để đến kịp giờ hội thi. Câu chuyện tưởng như đơn giản nhưng lại khiến ba con Đậu Đũa nhiều lần rơi vào tình huống đở khóc dở cười.
Khi chiếc xe đạp tòm tèm chạy qua vùng sình lầy, ba con Đậu Đũa đã bị bùn bắn vào mặt. Rồi con khóc thét, ba phải vội vàng chạy đến con suối nhỏ để rửa mặt cho con. Ánh nhìn khắc khổ, gương mặt đăm chiêu, ba lo lắng không thể đến kịp giờ hội thi nên chẳng quan tâm đến việc mặt mình cũng dính đầy bùn. Chỉ đến khi Đậu Đũa hỏi rằng: "Sao mặt ba cũng dính bùn mà lại không chịu rửa vậy", đến lúc này ba mới nhẹ nhàng thốt lên nếu dừng lại quá lâu, ba sợ chẳng đủ thời gian đưa con đi thi nữa.
Ba là ông bố giống như hàng triệu ông bố ngoài kia, thương con hơn chính bản thân mình.
Có một chi tiết khiến bộ phim trở nên giá trị hơn bao giờ hết, ấy là khoảnh khắc Ba Đậu Đũa lên sân khấu tham gia phần thi ứng xử với vai trò "người mẹ". Luật của cuộc thi đưa ra rằng mẹ của những đứa trẻ dự thi phải bốc thăm trả lời 1 câu hỏi do ban tổ chức quy định. Vì mẹ Đậu Đũa không còn, ba phải là người thay mẹ làm việc này.
Lá thăm thứ nhất bốc lên, ba từ chối trả lời. Lá thăm kế tiếp bốc lên, ba tiếp tục từ chối trả lời. Đến lần thứ ba, khi con gái Đậu Đũa hô vang: "Ba đừng lo, có con đây nè", ba mới ngại ngùng xin phép cả hội trường cho mình được tham gia phần ứng xử.
Không phải ba sợ hãi điều gì, chỉ là bởi ba ngại người ta sẽ xầm xì quanh con rằng đấy là đứa trẻ không có mẹ. Trong sự hồi hộp, lo âu, ba khiến cả hội trường cười ầm ĩ vì câu hỏi: "Trước khi cho con bú, người mẹ phải làm thế nào?". Họ cười ba vì ba là một người đàn ông, ba không có bầu sữa vĩ đại như mẹ của con, nhưng họ chẳng biết rằng một ông bố "gà trống nuôi con" như ba lại có thể làm nhiều điều tuyệt vời hơn thế.
Rồi ba trầm ngâm kể về cách cho con bú bằng bình sữa, những bỡ ngỡ, chật vật đời thường của ba làm tiếng cười dần tắt. Thay vì thích thú chê bai ba, mọi người dần hướng đến sự cảm thông, nể phục, hóa ra một người bố nuôi con lại khiến người ta xúc động đến thế.
Không 1 câu thoại ủy mị, không 1 giọt nước mắt nào chảy trên mặt ba, chỉ có người xem là rưng rưng rơi lệ. Ba của mình ở nhà có giống như ba Đậu Đũa không?
Chẳng ai mong mình sẽ trở thành một ông bố đơn thân cả. Lại chẳng ai mong con gái mình lớn lên trơng cảnh thiếu thốn tình thương của mẹ. Nhưng hoàn cảnh đẩy đưa, khi chẳng còn đường lui nào, ba buộc phải kiên cường mà sống tiếp. Bởi ba hiểu rằng chỉ khi mạnh mẽ mới đủ sức làm chỗ dựa cho con. Người ta có thể cười ba vì ba nghèo, khi họ đi xe ô tô, ba vẫn đèo con trên chiếc xe đạp cũ, nhưng chẳng sao cả, miễn ba thương con là đủ. Chúng ta vẫn là người một nhà, vẫn dựa vào nhau mà sống.
Người ta có thể cười ba vì đến cả 50 ngàn đồng mua chiếc váy công chúa màu xanh dương cho con mặc đi thi "Bé khỏe bé ngoan" mà cũng không có, nhưng không sao cả, con hiểu ba thương con thế nào. Con sẽ nói dối cả thế giới rằng con không thích chiếc váy đó đâu, ba đừng lo.
Người ta có thể cười ba khi ba tự nhận là mẹ của con, người ta có thể chế giễu ba là ông bố không có bầu sữa thì làm sao cho con bú, nhưng không sao cả, con vẫn lớn lên là đứa trẻ thông minh, khỏe mạnh. Vật chất thiếu thốn nhưng chưa bao giờ vòng tay ba rời xa con. Ba vừa là ba - vừa là mẹ của con!
Những đứa trẻ lớn lên từ nghèo khó luôn có sự ám ảnh với cái nghèo. 50 ngàn đồng kia chẳng là gì với người khác, nhưng nó lại là cả gia tài của ba. Nhìn cảnh ba đếm từng đồng tiền lẻ, nhìn ánh mắt đăm chiêu của ba khi chiếc váy xanh dương được người bán treo lại trên sào đồ, người xem lại một lần nữa đưa tay gạt nước mắt.
Mẹ con Đậu Đũa có cách kể chuyện khá nhẹ nhàng, dung dị. Chẳng cần một tình tiết lên gân hay rao giảng đạo lý nào, bộ phim vẫn dặt dìu đưa người xem đến với miền cảm xúc ấm áp của tình cảm gia đình. Soi mình vào Đậu Đũa và Ba Đậu Đũa, bất giác người xem lại nhớ ra đâu đây hình bóng người ba ngoài đời thực của mình - cũng là ông bố hy sinh mọi thứ vì con như thế.
"Tôi là một đứa con gái từ tỉnh lên Sài Gòn đi học. Khi còn học năm thứ nhất, ba vét trong túi từng đồng rồi dúi vào tay tôi bảo là cho con tiền ăn cơm. Đêm ấy, ba không vào ký túc xá của tôi ngủ được mà phải đến ở tạm nhà người bà con. Tôi không bao giờ quên được gương mặt khắc khổ của ba dưới ánh đèn đường. Ngồi trên xe buýt, tôi thấy ba gục xuống vệ đường vì mệt mỏi. Tôi tự hứa trong lòng rằng sẽ không bao giờ để ba phải sống cảnh gà trống nuôi con đến suốt cuộc đời" - Một khán giả cảm thán về câu chuyện của mình sau khi xem lại bộ phim Mẹ con Đậu Đũa.
Suốt bao năm qua, người ta cứ mải miết chạy đua tìm kiếm hạnh phúc, nhưng thứ hạnh phúc nhẹ nhàng, dễ nắm nhất lại là thứ hạnh phúc gắn liền với sự giản dị. Hạnh phúc như 1 cỗ máy, càng đơn giản, lại càng dễ sửa chữa. Câu chuyện của Ba con Đậu Đũa chỉ là 1 trong vô số cái hạnh phúc giản đơn ngoài đời thực.
Hằng ngày, vẫn có vô số những người ba đang miệt mài lao động để kiếm tiền nuôi con. Họ cực khổ, mệt mỏi nhưng không bi quan, vì họ tin tưởng rằng đứa trẻ mình nuôi dưỡng sẽ trở thành người có ích trong tương lai.
Ba Đậu Đũa hay bất cứ người ba nào cũng thế, chưa bao giờ xem những việc đã làm cho con là sự hy sinh to tát lớn lao. Ba chỉ cần 1 điều duy nhất, ấy là con được khỏe mạnh, không ốm đau và không chịu buồn tủi vì thua kém bạn bè. Còn bàn tay ba chai sần, tóc ba lại thêm vài sợi bạc hay gương mặt ba hằn mấy nếp nhăn cũng là lẽ thường tình. Đã mang con đến với thế gian này, ba tự nhủ phải có trách nhiệm mang đến những gì tốt nhất cho con. Dù đôi khi cái sự tốt nhất ấy bào mòn sức khỏe của chính ba...