“Mỗi ngày trôi qua, mình đều thấy thích và enjoy cuộc sống" là những chia sẻ của Ngọc Hạnh (24 tuổi, Bình Thuận) sau khi nộp đơn xin nghỉ việc, chuyển lên Đà Lạt để kinh doanh homestay trong rừng.
Nghỉ việc văn phòng để mở homestay là ước mơ của nhiều người trẻ. Nhất là với Đà Lạt - một vùng đất vốn nổi tiếng với khí hậu mát mẻ, trong lành và có nhiều địa điểm check-in xịn thì càng là điểm đến lý tưởng. Thế nhưng, câu chuyện khởi nghiệp đằng sau chắc chắn không phải hành trình đơn giản.
Hạnh và bạn trai
Đi Đà Lạt khó tìm homestay nên tự kinh doanh luôn
Cơ duyên mở homestay trong rừng đến với Hạnh và bạn trai vô cùng tình cờ. Từ thời Hạnh còn là sinh viên, cặp đôi đã thường xuyên lên Đà Lạt chơi. Với tình yêu mảnh đất này, cả hai đã tính đến chuyện thuê một căn nhà để có chỗ ở đẹp và riêng tư. Sau đó, nhận thấy cần có một khoản thu nhập để có thể dọn đường lên Đà Lạt sinh sống lâu dài, Hạnh và bạn trai quyết định dùng căn nhà đi thuê để kinh doanh homestay luôn. Ngoài ra, việc khó tìm kiếm homestay phù hợp mỗi khi đến Đà Lạt cũng thôi thúc cặp đôi bắt tay khởi nghiệp.
Hạnh nhớ lại: “Mình yêu thời tiết, thiên nhiên Đà Lạt. Bởi chúng rất trong lành và dễ chịu. Mình biết mình sẽ vui vẻ, khỏe mạnh khi sống ở đây. Mình và bạn trai từng đến Đà Lạt rất nhiều nhưng không tìm được kiểu homestay tụi mình muốn. Sau đó, chúng mình quyết định mở kinh doanh. Lúc homestay ổn định, hai đứa sẽ chuyển lên đây ở hẳn”.
Nghĩ là làm, cả hai bắt đầu tìm nhà thuê, sửa sang lại không gian rồi tiến đến mở homestay chào đón khách. Thời điểm homestay khai trương là cách đây 4-5 năm. Bấy giờ, cặp đôi chưa chuyển lên Đà Lạt sinh sống mà chỉ thuê người quản lý thay. Đến tháng 3/2022, Hạnh mới nghỉ công việc văn phòng là thiết kế thời trang ở TP.HCM. Sau đó, cô và bạn trai chuyển hẳn lên Đà Lạt sinh sống, chính thức tự tay vận hành homestay và xây dựng cuộc sống mới.
Homestay của Hạnh đặt trong rừng
Chẳng dễ dàng để quản lý một mô hình homestay khi còn trẻ, đặc biệt là với người không có kinh nghiệm kinh doanh từ trước như Hạnh và bạn trai. Câu hỏi “Tiền đâu đầu tiên?” là điều mà cặp đôi phải suy xét. Chỉ riêng từ thời điểm chuyển lên Đà Lạt sinh sống, cả hai đã chi khoảng 500 triệu đồng để sửa lại homestay và mua sắm đồ đạc cần thiết, chưa tính chi phí để xoay vòng vốn kinh doanh.
Thời gian đầu mở homestay, họ đã tự học thêm kiến thức về truyền thông để thu hút khách hàng mới. “Hai bọn mình đều làm trong lĩnh vực thiết kế, lại còn là người hướng nội nữa nên không giỏi về Marketing, truyền thông hay tìm kiếm khách hàng mới. Đầu tiên chúng mình chỉ biết mở homestay ra, sau đó học cách đăng bài lên các nền tảng mạng xã hội, kế tiếp là trên trang Airbnb.
May mắn là homestay cũng dần có khách. Ban đầu, khách của chúng mình là người nước ngoài, biết đến homestay từ nền tảng Airbnb. Sau đó, có những khách trong nước đặt phòng từ Facebook, Instagram. Rồi mọi người cũng giới thiệu nhau nhiều, cả truyền miệng rồi trên các hội nhóm, chứ chúng mình không đặt nặng việc chạy quảng cáo", Hạnh chia sẻ.
Đến hiện tại, mô hình kinh doanh homestay của cặp đôi đã đi vào ổn định. Bản thân Hạnh cũng dừng công việc freelancer thời gian đầu mới lên Đà Lạt để tập trung quản lý homestay.
“So với công việc văn phòng trước đó, thu nhập của chúng mình khi mở homestay tăng lên rất nhiều. Đổi lại mình cũng chi lớn hơn vào hoạt động kinh doanh, nên tính ra khoản tiết kiệm hàng tháng cũng tương tự khi ở TP.HCM. Song nhìn chung, chúng mình đều vui với những thứ đang có", Hạnh nói.
Cặp đôi dọn phòng để đón khách mới (Nguồn: ha.nho).
Chủ homestay nhưng hướng nội,
Chứng kiến con từ bỏ công việc văn phòng để lên Đà Lạt định cư lâu dài, ban đầu gia đình Hạnh có ít nhiều lo lắng trước quyết định của cô nàng.
“Thời gian đầu gia đình mình còn sợ con khổ nên cứ kêu về lại TP.HCM, đặc biệt mẹ lo lắng rất nhiều. Song may mắn là anh trai cũng bỏ TP.HCM để chuyển lên Đà Lạt sống trước đó, nên từ lâu mẹ cũng nghĩ việc mình dọn lên đây là chuyện sớm muộn.
Bên cạnh đó, sau vài lần đến thăm homestay, mẹ thấy tụi mình sống giữa thiên nhiên, khỏe mạnh và vui vẻ hơn hẳn. Công việc con cái ổn định nên mẹ đã yên tâm, chuyển sang động viên và ủng hộ nhiều", Hạnh kể.
Giờ đây, mỗi ngày của Hạnh đều trôi qua trong bình yên và được làm những điều mình thích. Cô cho biết từ khi lên Đà Lạt, bản thân tận hưởng cuộc sống hơn, cả sức khoẻ thể chất và tinh thần đều cải thiện.
“Mình có nhiều thời gian chăm sóc bản thân, ăn uống lành mạnh, vận động nhiều, có thời gian tìm hiểu, thực hiện sở thích cá nhân. Về công việc, may mắn vì tất cả những việc cần làm cho homestay đều nằm trong sở thích. Ngoài ra bạn trai theo chuyên ngành thiết kế nội thất nên khi hai đứa cùng làm với nhau thì rất hợp, mọi thứ thuận lợi. Có những vị khách ở homestay ưng ý còn đặt tụi mình thiết kế nhà”.
Chuyển lên Đà Lạt sống giúp sức khoẻ thể chất và tinh thần của Hạnh được cải thiện
Hạnh cũng chia sẻ thêm những kỷ niệm đặc biệt khi mở homestay: “Mình và bạn trai đều hướng nội, không phải kiểu người cởi mở. Nhưng sau đó tiếp xúc với nhiều khách, chúng mình ổn hơn. Mình mời người ta ăn cơm, rủ khách xem phim, ngắm sao chung… thì khách rất thích, có người trở thành bạn của hai đứa luôn. Có khách còn hay gửi quà lên đây cho chúng mình".
Nói về cuộc sống tại Đà Lạt, cô nàng kể: “Chi phí sinh hoạt ở đây rất đắt vì là thành phố du lịch. Mình nấu ăn ở nhà, trung bình 1 tháng tiền ăn của mình tầm 6-7 triệu đồng. Các khoản chi phí khác tầm 2 triệu đồng. Mình không sắm gì nhiều, chủ yếu là mua đồ ăn, sách và đồ cho homestay".
Với những người dự định lên Đà Lạt khởi nghiệp, Hạnh nhắn nhủ: “Cá nhân mình thấy Đà Lạt là thành phố cạnh tranh cao về ngành dịch vụ. Vì vậy nếu có kinh doanh homestay thì sản phẩm của bạn nên xuất phát từ quan điểm tích cực, giữ bản sắc riêng và có tính bền vững. Duy trì và phát triển là thứ khó hơn rất nhiều so với việc mở ra cái gì đó.
Thêm vào đó, mình nghĩ cần chuẩn bị chắc chắn về tài chính. Ngoài số vốn ban đầu, bạn cần thêm ít nhất 6 tháng chi phí vận hành. Một điều cần lưu ý là lượng khách đến Đà Lạt còn phụ thuộc vào tháng cao điểm hay thấp điểm.
Bên cạnh đó, một điểm khó nữa là tâm lý khách du lịch thường ít gắn bó với một nơi. Họ thường sẽ đi những nơi mới hơn. Nên việc khởi nghiệp cần sự bình tĩnh, kiên nhẫn và tạo ra giá trị mà khách hàng nhớ đến. Về cơ hội nghề nghiệp thì TP.HCM dễ kiếm hơn nhiều nhưng làm việc tại Đà Lạt thì tất nhiên sẽ chill hơn nha".
Ảnh: NVCC