Năm 1988, Gunther Holtorf có ý định thực hiện một chuyến du lịch châu Phi trong 18 tháng. Lúc đó, ông không ngờ rằng hành trình của ông sẽ kéo dài đến… 312 tháng. Gunther chỉ mới kết thúc hành trình dài gần 900.000km, đi qua 215 quốc gia trên chiếc xe cũ kỹ nhưng đáng tin cậy – chiếc Mercedes Benz G Wagon có biệt danh “Otto”. Chặng đường của Gunther tương đương với ông đi từ Trái Đất lên Mặt Trăng rồi quay về.
Hai vợ chồng Gunther đã cùng nhau khởi đầu hành trình từ Đức.
Cách đây 26 năm, Gunther gặp Christine, sau này trở thành người vợ thứ tư của Gunther. Cả hai bỏ việc, bất chấp khó khăn thực hiện hành trình từ Bavaria, Đức để đến Châu Phi. Ban đầu, Gunther dự kiến hành trình sẽ kéo dài khoảng 18 tháng. Ý chí của hai vợ chồng ngày càng kiên định mặc dù họ đã năm lần mắc bệnh sốt rét ác tính khi đi được 100.000km đầu tiên.
Chiếc xe ô tô cũ kỹ đã cùng với chủ nhân đi qua 215 quốc gia trên thế giới.
Cả hai vợ chồng đã bỏ hai ghế sau trong xe để đặt một tấm nệm, đồng thời đây cũng là nơi cất trữ quần áo, thực phẩm, các dụng cụ và phụ tùng khác. Họ đi qua Nam Mỹ, Bắc Mỹ, Châu Á, châu Úc và châu Âu. Chiếc xe Otto đi cùng hai vợ chồng đến bất kỳ đâu. Và vợ chồng Gunther cũng coi Otto như người thân trong gia đình vậy.
Hai vợ chồng đã phải xoay xở đủ cách để thực hiện chuyến đi. Họ dùng số tiền tiết kiệm ít ỏi để mua thực phẩm từ các chợ địa phương, họ ngủ trong xe tải. “Rất nhiều lời đề nghị cho chuyến hành trình của chúng tôi, tuy nhiên chúng đều có cái giá của nó” – Gunther giải thích. “Chúng tôi ít khi ngủ ở khách sạn hoặc ăn nhà hàng. Chúng tôi thường mua đồ ăn ở các chợ bản địa và tự nấu ăn”.
Một phút nghỉ ngơi của Gunther và người bạn đồng hành.
“Tôi đã gặp rất nhiều người nói rằng họ muốn thực hiện hành trình giống chúng tôi. Tuy nhiên, khi nghe tôi trình bày chi tiết chuyến đi, họ đều từ chối vì không thể chịu được cuộc sống kham khổ như vậy. Chúng tôi luôn tự nhủ rằng mình không phải khách du lịch, chúng tôi phải tiết kiệm cho bản thân”.
Rất nhiều lúc hai vợ chồng phải sống trong khổ sở. Họ đã kiên nhẫn rất nhiều để thực hiện hành trình. Họ không có điện thoại di động, không dùng blog, Facebook, hay Twitter để ghi lại cuộc hành trình.
Chiếc xe thậm chí đã gần đến đỉnh Everest.
Năm 2010, Christine qua đời vì ung thư. Gunther tiếp tục hành trình với tấm ảnh của vợ trên kính chiếu hậu. “Cô ấy muốn tôi tiếp tục hành trình thay cho cả cô ấy nữa” – Ông nói. Cả hai chưa bao giờ có thời gian để tổ chức đám cưới, họ quá bận cho chuyến đi. Cả hai chỉ kịp làm đám cưới hai tuần trước khi Christine qua đời.
Vài tháng sau đó, con riêng của Christine, Martin tham gia hành trình cùng Gunther đến Sri Lanka, Trung Quốc và Triều Tiên. Năm 2012, Gunther tìm thấy một đồng đội mới – Elke Dreweck, 45 tuổi. Dreweck đã quyết định nghỉ việc một năm để đi du lịch và ông đi cùng Gunther đến Nhật Bản. Gunther kết thúc cuộc hành trình ở tuổi 77 tại Gates Brandenburg, Berlin trước khi về Bavaria.
Gunther khẳng định Otto, chiếc xe cũ kỹ, mới chính là anh hùng thật sự của chuyến đi. “Tôi chỉ là một du khách bình thường, còn Otto là một du khách đặc biệt. Nó là chiếc xe được đi du lịch nhiều nhất thế giới”.
Trong suốt chặng đường dài gần 900.000km, chỉ có khoảng 250.000km là chiếc Otto không chạy. Nó có 41 lần được vận chuyển bằng container qua đường biển và 113 lần đi phà trên biển. Otto đã chịu đựng cả nhiệt độ thấp -27 độ C ở Serbia và nhiệt độ cao gần 50 độ C ở Alice Spirings, Australia. Nó cũng đi đến tận những trại căn cứ Everest, độ cao 5200m so với mực nước biển.
Sau 26 năm, hành trình kết thúc và chiếc Otto xứng đáng được nổi tiếng.
Otto là một chiếc xe nổi tiếng. Giờ nó được “an nghỉ” tại Bảo tàng Mercedes-Benz ở Stuttgart. Ngoài hệ thống treo được gia cố, chiếc xe hoàn toàn đúng tiêu chuẩn. Hộp số, động cơ và trục xe vẫn còn nguyên bản. “Tôi không cần được mọi người nhớ đến” – Gunther nói. “Tôi muốn mọi người sẽ nhớ tới Otto và người vợ quá cố của tôi. Chiếc xe thuộc về viện bảo tàng, nó sẽ tiếp tục sống mãi, đó mới là điều tôi muốn thấy. Tôi không đặc biệt. Chiếc xe mới đặc biệt”.
(Theo Odditycentral)