Sáng nay (24-10), TAND tỉnh Điện Biên sẽ tổ chức xin lỗi công khai đối với bà Đặng Thị Nga (79 tuổi, trú tại thị trấn Tuần Giáo, Điện Biên) cùng hai con trai vì bị truy tố oan tội giết người và che giấu tội phạm.
Đây là một trong những vụ án oan hi hữu và cay nghiệt nhất trong lịch sử tố tụng, bởi ba mẹ con bà Nga bị cáo buộc giết hại chính người cha, người chồng của mình.
Bà Đặng Thị Nga mang tiếng oan che giấu các con giết hại chồng mình suốt 28 năm nay. Ảnh: TUYẾN PHAN
Sau 28 năm ròng rã kêu oan, mang đơn đến hàng trăm nơi để “gõ cửa” cầu cứu, bà Nga và các con cuối cùng cũng được minh oan, gột sạch tiếng xấu đã lơ lửng trên đầu bấy lâu nay.
Buổi xin lỗi dự kiến sẽ diễn ra vào 10 giờ sáng cùng ngày, tại trụ sở UBND thị trấn Tuấn Giáo, với sự có mặt của đại diện các cơ quan tố tụng tỉnh Điện Biên.
Theo nội dung vụ án, năm 1989, thi thể ông Trịnh Huy Tùng (chồng bà Nga) được tìm thấy dưới giếng. Cơ quan công an huyện Tuần Giáo đã khởi tố, bắt giam ba mẹ con bà Nga để điều tra về tội giết người.
Căn nhà nhỏ gần chân đèo Pha đin của gia đình bà Nga. Ảnh: TUYẾN PHAN
Năm 1990, TAND tỉnh Lai Châu cũ (nay là Điện Biên) mở phiên xét xử sơ thẩm và tuyên phạt bà Đặng Thị Nga 36 tháng tù (cho hưởng án treo) về tội che giấu tội phạm.
Hai con trai của bà Nga là anh Trịnh Công Hiến và Trịnh Huy Dương bị tòa buộc tội đã giết ông Tùng, tuyên án lần lượt 18 và 12 năm tù.
“Được” hưởng án treo, bà Nga lặn lội đến khắp các cơ quan trung ương kêu oan cho mình và hai con.
Sau đó, Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại Hà Nội đã tuyên hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại.
Anh Trịnh Huy Dương bật khóc khi kể về cái chết trong oan trái của anh trai mình cùng những ngày tháng đau khổ đã phải trải qua khi mang tiếng oan sát hại cha. Ảnh: TUYẾN PHAN
Tháng 1-1992, trong quá trình điều tra lại, VKSND tỉnh Lai Châu cũ có quyết định hủy bỏ việc tạm giam với anh Hiến và anh Dương sau 28 tháng tạm giam.
Tuy nhiên, cũng kể từ đó, vụ án bị treo lơ lửng suốt gần 30 năm mà không có bất cứ kết luận nào dù gia đình bà Nga liên tục gửi đơn kêu oan. Ba mẹ con dù được “tự do” bên ngoài những tội danh giết người và che giấu tội phạm vẫn ngày ngày bám theo.
Năm 2016, cơ quan tố tụng liên ngành tỉnh Điện Biên vào cuộc để giải quyết đơn kêu oan của cụ Nga và con trai.
Tháng 9-2017, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình đã đề nghị cơ quan tố tụng liên ngành sớm giải quyết vụ án dưới chân đèo Pha Đin.
Chị Trịnh Thị Ngọc, con gái bà Nga kể lại quãng thời gian sống cực nhọc mà chị và gia đình đã vượt qua. Ảnh: TUYẾN PHAN
Tháng 10-2017, cơ quan tố tụng liên ngành đã quyết định đình chỉ bị can, tuyên bố cụ Nga và hai con trai không phạm tội giết người và che giấu tội phạm.
Một điều đau đớn trong vụ án này, đó là anh Trịnh Công Hiến đã qua đời trước khi được minh oan. Theo lời kể gia đình, khi còn trong trại giam, anh xăm lên mình ba chữ “đời oan trái”, nói khi nào được minh oan sẽ tự tay xóa đi. Thế nhưng, vì áp lực từ tiếng xấu của kẻ giết cha quá nặng nề, anh suy sụp, có lần tự sát rồi qua đời vào năm 2004. Án chưa kịp minh oan, vết xăm chưa kịp xóa, anh đã mất do bệnh tật.
PV Pháp luật TP.HCM đã có mặt tại gia đình bà Nga và sẽ gửi tới quý độc giả thông tin về buổi xin lỗi công khai trong các bản tin sắp tới.