Theo làn sóng toàn cầu hoá, Logistics ra đời, phát triển và dần trở thành công việc có sức hút, đặc biệt là đối với giới trẻ. Tuy nhiên, cho đến hiện nay, nhiều người vẫn còn khá mơ hồ, không hiểu rõ về công việc cụ thể. Nếu bạn đang quan tâm ngành nghề này, có dự định thi tuyển và theo học thì nên tham khảo những thông tin dưới đây.
Logistics hiểu đơn giản nhất là ngành dịch vụ cung cấp, vận chuyển hàng hoá tối ưu nhất từ nơi sản xuất đến tay người tiêu dùng. Công việc của các công ty Logistics là lên kế hoạch cụ thể, kiểm soát sự di chuyển của hàng hoá hay thông tin về nguyên liệu từ điểm xuất phát đến điểm tiêu thụ theo yêu cầu của khách đặt ra.
Bên cạnh nghiệp vụ giao – nhận, ngành Logistics còn bao gồm những hoạt động khác như: Bao bì, đóng gói, kho bãi, lưu trữ, luân chuyển hàng hoá, xử lý hàng hỏng,… Hiện Chính phủ đưa ra nhiều chính sách tạo điều kiện cho ngành phát triển. Bên cạnh đó, xu thế hội nhập kinh tế toàn cầu, nhiều Hiệp định thương mại cũng được kí kết, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của thị trường thương mại điện tử và ngành công nghiệp tự động hoá.
Như vậy, có thể thấy Logistics hiện đang có tốc độ phát triển nhanh đến chóng mặt, là ngành được dự đoán sẽ tiếp tục phát triển mạnh ở Việt Nam trong tương lai.
Lương "khủng" nhưng khó tuyển người
Logistics là ngành có mức lương "khủng" hiện nay. Tại Việt Nam, nhân viên Logistics có mức lương trung bình từ 10 – 15 triệu đồng/tháng, có chuyên môn tốt thì mức lương sẽ cao hơn.
Đối với vị trí Quản lý (Logistics Manager) dao động từ 3.000 – 4.000 USD/tháng (khoảng 69 – 92 triệu đồng/tháng). Vị trí Giám đốc chuỗi cung ứng (Supply Chain Director) có mức lương dao động từ 5.000 – 7.000 USD/tháng (114 – 160 triệu đồng).
Logistics là ngành đem đến nhiều cơ hội cũng như tạo thách thức lớn. Dù nguồn nhân lực luôn khan hiếm nhưng các công ty luôn tìm kiếm các ứng viên hội tụ đầy đủ các yếu tố về kiến thức, kỹ năng.
Ai là người phù hợp với ngành học Logistics?
Giỏi Tiếng Anh: Yêu cầu đầu tiên khi đến với ngành Logistics là bạn phải giỏi Tiếng Anh. Tuỳ từng vị trí sẽ có yêu cầu khả năng ngôn ngữ Anh khác nhau. Đối với nhân viên sale Logistics và mua hàng, yêu cầu trình độ giao tiếp thành thạo, viết email giao dịch với các đối tác nước ngoài. Đối với nhân viên hiện trường, nhân viên khai báo hải quan, nhân viên chứng từ cũng cần trình độ Tiếng Anh tốt để đáp ứng cầu công việc.
Tinh thần chịu được áp lực tốt: Phải tương tác với nhiều người hay giờ làm việc không cố định sẽ khiến bạn phải đối mặt với áp lực không nhỏ. Đặc biệt là vào những mùa cao điểm như năm mới, giáng sinh,… với số lượng hàng hoá cần được lưu thông nhiều hơn do sức mua tăng, bạn phải chấp nhận làm thêm giờ.
Kỹ tính và cẩn thận: Do tính chặt chẽ của hoạt động Logistics nên những phẩm chất quan trọng của người làm Logistics là cẩn thận, tỉ mỉ và chấp hành kỷ luật trong công việc tốt. Mỗi khâu, mỗi bước cần đảm bảo đúng quy trình và thời gian thì chuỗi cung ứng mới có thể vận hành trôi chảy.
Kỹ năng giải quyết vấn đề hiệu quả: Nếu không có khả năng giải quyết vấn đề tốt, bạn sẽ không thể nào thành công trong lĩnh vực này. Chuyên gia quản lý chuỗi cung ứng sẽ phải xem xét trên nhiều khía cạnh: Thông tin vận hành, kiến thức phát triển kinh doanh, tâm lý học,… để thực hiện nhiệm vụ.
Công việc cụ thể của ngành Logistics
Nhân viên kinh doanh xuất nhập khẩu: Là người bán dịch vụ và sản phẩm, luôn phải tiếp xúc với nhiều đối tượng khách hàng. Vị trí này không khó xin, nhiều công ty sẵn sàng đào tạo sinh viên mới ra trường. Đây là vị trí đầu tiên mà nhiều người bắt đầu làm khi đến với Logistics, đem lại rất nhiều kiến thức nền bổ ích.
Nhân viên hiện trường: Đây là người thường xuyên đến các kho bãi, cảng hàng không để làm thủ tục thông quan và nhận hàng từ công ty vận tải. Vị trí này khá vất vả, thường phù hợp với nam giới. Đây là vị trí công việc khá thú vị, có cơ hội có thêm thu nhập cao tuỳ vào kinh nghiệm và kiến thức nghiệp vụ.
Nhân viên giao nhận vận tải: Là người chịu trách nhiệm vận tải đơn hàng, thực hiện các công việc theo kế hoạch mà cấp trên đề ra, đảm bảo hàng luôn an toàn, đến nơi khách hàng cần nhận. Công việc không đòi hỏi nhiều nghiệp vụ mà đòi hỏi sức khoẻ, sự chăm chỉ và biết sử dụng phương tiện vận tải.
Nhân viên thanh toán quốc tế: Nhiệm vụ của họ là giúp khách hàng thực hiện thanh toán quốc tế. Ở vị trí này đòi hỏi bạn phải biết các nghiệp vụ xuất nhập khẩu quốc tế, Logistics,… Nơi làm việc thường ở ngân hàng hoặc các công ty xuất nhập khẩu. Đây là vị trí có môi trường làm việc chuyên nghiệp, thu nhập cao, học hỏi được nhiều điều nhưng yêu cầu bạn phải giỏi Tiếng Anh.
Ngoài ra, có các vị trí khác như: Điều phối viên, nhân viên kế hoạch thu mua, nhân viên chứng từ xuất nhập khẩu, chuyên viên quảng cáo,… Đây đều là những vị trí quan trọng trong các doanh nghiệp lớn, hình thành nên chuỗi cung ứng.
Học ngành Logistics nên chọn trường nào?
Để học ngành Logistics, bạn có thể tham khảo các trường: Đại học Kinh tế Quốc dân, Đại học Ngoại thương, Đại học Kinh tế TP.HCM, Đại học Giao thông vận tải Hà Nội, Đại học Giao thông vận tải TP. HCM, Đại học Hàng Hải Việt Nam, Đại học Bách khoa Hà Nội và TP. HCM,...