Trong thế giới dao kéo, nâng mũi là chuyện phổ biến hơn cả. Với người Việt, điều đó càng trở nên đúng đắn. Bởi lẽ, người Việt cũng như dân châu Á nói chung thường có khuyết điểm mũi thấp, mũi tẹt, nhiều người có dáng mũi dọc dừa nhưng lại muốn mũi cao tây...
Chưa kể, theo nhân tướng học, một chiếc mũi đẹp sẽ giúp mọi chuyện trong cuộc sống đều thuận lợi hơn. Chính vì thế, dịch vụ nâng mũi hiện nay vô cùng nở rộ với nhiều kiểu nâng mũi khác nhau. Tuy nhiên, đi kèm với nhu cầu này cũng có những biến chứng nâng mũi mà người muốn thực hiện cần lường trước.
TS.BS Phạm Thị Việt Dung (Trưởng bộ môn Phẫu thuật Tạo hình, Trường đại học Y Hà Nội, Trưởng khoa Phẫu thuật Tạo hình Thẩm mỹ, Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, nâng mũi cũng như bất cứ vùng nào khác trên cơ thể khi tiến hành phẫu thuật thẩm mỹ đều có thể có những rủi ro biến chứng đi kèm.
Điều quan trọng là sớm phát hiện ra các biến chứng để kịp thời thăm khám, điều trị, tránh biến chứng nặng như không thể sửa chữa được. Biến chứng thường gặp khi nâng mũi là:
- Bầm tím và sưng nề.
- Mũi bị lệch, cong, quá ngắn hoặc quá dài...
- Thủng đầu mũi, tòi chất liệu ra đầu mũi, biến dạng đầu mũi và vách mũi.
3 kiểu biến chứng nâng mũi thường gặp, chị em cần nắm rõ trước khi làm
1. Bầm tím và sưng nề
Theo BS Việt Dung, bầm tím và sưng nề thường hết sau 1-2 tuần. Nhiễm trùng có thể xuất hiện sớm sau mổ vài ngày hoặc muộn sau vài tuần đến vài tháng, thường biểu hiện bằng sưng đỏ khu trú, bùng nhùng, chảy dịch... nên xử lý sớm bằng kháng sinh mạnh hoặc tháo chất liệu.
2. Mũi bị lệch, cong, quá ngắn hoặc quá dài...
BS Dung nhận định, một biến chứng nữa cũng hay gặp khi nâng mũi là lệch, cong, quá dài, quá ngắn... có thể sửa lại, tốt nhất là sửa sau 3-6 tháng. Đỏ đầu mũi nếu không phải là do đặt sống quá cao, quá dài thì có thể là phản ứng chất liệu (hiếm khi xảy ra), cần xử lý theo nguyên nhân.
3. Thủng đầu mũi, tòi chất liệu ra đầu mũi, biến dạng đầu mũi và vách mũi
BS Dung chia sẻ, thủng đầu mũi, tòi chất liệu ra đầu mũi, biến dạng đầu mũi và vách mũi là những biến chứng khá nặng nề làm thay đổi hình dáng mũi ngay cả khi tháo chất liệu, cũng xảy ra không ít với các đối tượng thực hiện phẫu thuật mà không được đào tạo bài bản hoặc theo dõi không sát, xử lý biến chứng không kịp thời sau mổ.
Hạn chế tối đa rủi ro biến chứng nâng mũi - Khi nâng mũi cần chú ý điều gì?
Phẫu thuật nâng mũi hay bất cứ phẫu thuật thẩm mỹ nào khác, dù cho nâng mũi theo cách nào, giới chuyên gia khuyến cáo, chị em đừng quên tìm hiểu kỹ về phương pháp trước khi làm, cân nhắc những ưu-nhược điểm đi kèm, từ đó đưa ra lựa chọn hợp lý nhất cho mình. Quan trọng hơn nữa là phải tìm hiểu kỹ cơ sở thực hiện, trình độ tay nghề bác sĩ, chất liệu nâng mũi… để có thể gửi gắm một chiếc mũi đẹp như mình mong muốn.
Một phẫu thuật viên dù là giỏi đến mấy cũng không thể khẳng định 100% phẫu thuật không biến chứng. Có điều là phẫu thuật viên càng được đào tạo bài bản, càng có kinh nghiệm thì càng giảm tối thiểu những rủi ro và nếu có thì cũng là những biến chứng nhẹ, có thể sửa chữa được.
Ngoài ra, để tránh tối đa rủi ro biến chứng, sau khi mổ nâng mũi không nên động chạm vào mũi, đặc biệt là vết mổ, không nên đeo kính trong khoảng 3 tháng đầu sau mổ, không nên soi gương nhiều trong 3 tuần đầu vì trong 3 tuần đầu nhiều khi sưng nề, tụ máu... làm dáng mũi thay đổi không phải là dáng mũi sau này.
Trong trường hợp phát hiện ra bất cứ bất thường nào ở mũi, chị em nên nhanh chóng đi thăm khám để tìm hiểu rõ nguyên nhân, tiến hành điều trị kịp thời. Thường xuyên liên lạc với bác sĩ, thông báo tình trạng mũi sau khi nâng, tránh tâm lý chủ quan vì có thể dẫn đến những biến chứng khó chữa sau khi nâng mũi.
Sau tất cả, khi tiến hành nâng mũi xong cần chú ý làm theo đúng khuyến cáo của bác sĩ. Trong trường hợp còn phân vân nên hay không nên làm gì sau nâng mũi, tốt nhất nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi thực hiện.