Mỗi em bé sở hữu tính cách và đặc điểm riêng biệt, để nuôi dạy con tốt phụ huynh cần quan sát, tìm ra phương pháp phù hợp nhất với bé. Một trong những đức tính mà bố mẹ nào cũng mong muốn con có chính là ham học hỏi. Tính cách này không chỉ giúp con có thêm nhiều kiến thức về môi trường xung quanh mà còn là hành trang giúp cho hành trình học tập trong tương lai trở nên thuận lợi hơn.

Dưới đây là 3 câu nếu bố mẹ thường xuyên nói sẽ giúp khơi gợi, kích thích khả năng ham học hỏi và tò mò, từ đó bé có thể nói lên suy nghĩ của bản thân, chủ động chia sẻ với bố mẹ hơn.

1. Con có thể nói cho mẹ biết con đã làm thế nào không?

Cùng một sự việc nhưng dưới góc nhìn của người lớn và trẻ con lại tạo nên những kết quả khác biệt. Ví dụ đơn giản như mẹ có thể tháo lắp chiếc bút bi dễ dàng nhưng đối với con đó là việc không hề dễ. Vậy nên khi trẻ làm được, bố mẹ hãy khen ngợi và khuyến khích con.

Nhiều bố mẹ khi thấy con làm được một việc đơn giản hay có xu hướng nói: ''Việc ấy dễ ý mà, ai mà chẳng làm được'', hoặc ''lúc bằng tuổi con bố cũng làm được''... Những câu này không có tác dụng động viên, khuyến khích. Thay vào đó, hãy nói ''Tuyệt quá, mẹ không biết làm luôn, con có thể nói cho mẹ biết con đã làm thế nào không?''.

Khi nhận được lời khen từ bố mẹ, trẻ sẽ rất thích thú, hào hứng chia sẻ về những điều con vừa thực hành mà không cảm thấy khó chịu hay bị bắt ép. Chính điều này sẽ làm tăng khả năng học hỏi và tìm hiểu kiến thức của bé. 

3 câu bố mẹ thường xuyên hỏi sẽ giúp trẻ trở nên ham học - Ảnh 1.

Hãy khơi gợi tinh thần ham học của bé bằng những câu hỏi khéo léo. Ảnh minh hoạ.

2. Đố con biết bài này phải làm như thế nào?

Khi gặp một bài toán khó, hãy cho con thời gian suy nghĩ thay vì đưa luôn đáp án cho bé. Việc tìm tòi, tự khám phá ra câu trả lời sẽ giúp con ghi nhớ kiến thức lâu hơn. Thêm vào đó, bé sẽ cảm thấy vui sướng và hạnh phúc khi tự mình tìm ra được đáp án đúng. Một câu hỏi khơi gợi như ''đố con biết mình sẽ làm bài này thế nào'' sẽ giúp bé chia sẻ, nói ra được suy nghĩ của mình.

Nếu bé vẫn chưa nghĩ ra thì bố mẹ có thể từ từ gợi ý, ví dụ như ''theo mẹ, nếu nghĩ theo hướng thế này... có lẽ sẽ tốt chăng'', hoặc ''mẹ nghĩ là cách này cũng hay, con thấy sao''... Sau đó hãy để cho bé đưa ra câu trả lời cuối cùng của mình.

3. Con của mẹ đã rất cố gắng rồi phải không nào

Đây như là một câu khích lệ, động viên vì những gì bé đã làm. Lời khen ngợi này từ bố mẹ sẽ giúp trẻ có cảm giác bản thân được ghi nhận, những cố gắng của con là hoàn toàn xứng đáng. Khi biết được điều đó, con sẽ tự ý thức rằng chỉ cần nỗ lực thì sẽ đạt được kết quả.

Mỗi đứa trẻ lại có tính cách khác nhau, tuy nhiên việc khuyên bảo, giải thích, chỉ dạy trong nhiều trường hợp không khiến con khá hơn mà chỉ làm bé cảm thấy bản thân kém cỏi. Việc đặt câu hỏi và được ghi nhận từ bố mẹ sẽ khơi gợi khả năng tìm tòi, khám phá, tìm hiểu kiến thức một cách chủ động và tự lập hơn.

Hành trình dạy con không hề dễ dàng, đòi hỏi bố mẹ phải cực kỳ kiên nhẫn, luôn nỗ lực và trở thành một người bạn thực sự của bé. Dù có vất vả nhưng kết quả sau cùng chắc chắn sẽ rất xứng đáng. Không chỉ vậy, phương pháp này còn hạn chế mâu thuẫn của ba mẹ và con cái, không cần đòn roi, la hét mà vẫn hiệu quả.

https://afamily.vn/3-cau-bo-me-thuong-xuyen-hoi-se-giup-tre-tro-nen-ham-hoc-20220510150613247.chn