Thực tế, có rất nhiều phương pháp được sử dụng phổ biến như trồng cây xanh, chọn đồ nội thất tối giản, lắp đặt panel cách nhiệt cho trần… Thế nhưng, bạn có biết một trong những cách đơn giản nhất để làm mát nhà là khéo léo chọn 3 chất liệu nội thất dưới đây.
1. Gỗ
Một trong những ý tưởng trang trang trí nhà cửa ngày hè được nhiều kiến trúc sư ưa chuộng là mang thiên nhiên vào không gian sống. Bên cạnh việc bổ sung chậu cây, bạn còn có thể tạo màu xanh cho căn nhà bằng cách sử dụng nội thất làm từ chất liệu tự nhiên. Trong đó, gỗ là vật liệu phổ biến nhất. Dù được chế tác công phu hay chế tác thô, nội thất gỗ vẫn mang đến một vẻ đẹp ấn tượng cho không gian.
Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều nội thất gỗ, phù hợp với đa dạng ví tiền và công năng sử dụng của gia chủ. Chẳng hạn gỗ tự nhiên có vẻ đẹp sang trọng và ấm cúng, song nhược điểm là giá thành cao, dễ chịu ảnh hưởng nặng của thời tiết như bị cong vênh, mối mọt. Mặt khác, gỗ công nghiệp tuy có tính thẩm mỹ không bằng gỗ tự nhiên nhưng chúng được dùng đa dạng trong mẫu thiết kế, đa dạng màu sắc và giá thành rẻ.
Nhìn chung, mỗi loại gỗ đều có ưu nhược điểm riêng nên bạn cần cân nhắc kỹ trước khi mua.
2. Vải lanh hoặc vải cotton
Không chỉ đem lại cảm giác mát mẻ cho không gian sống, vải lanh hoặc vải cotton đều có mẫu mã đa dạng, được áp dụng nhiều trong thiết kế nội thất.
Để giảm nhiệt cho nhà cửa vào tiết trời nóng bức, bạn có thể mua nội thất được bọc bằng hai loại vải này. Hoặc theo từng mùa trong năm, bạn dùng chúng để thay đổi kiểu trang trí nội thất, chẳng hạn như thay vỏ bọc của ghế sofa, gối ôm hay lớp bọc ngoài chăn mỏng. Thói quen này không chỉ làm mới không gian sống mà còn mang lại cảm giác mát mẻ nhanh chóng cho căn nhà.
Tuy nhiên, với riêng rèm cửa, vải lanh hoặc vải cotton không phải lựa chọn lý tưởng cho ngôi nhà của bạn. Bởi chúng đều không có tác dụng che chắn tốt khỏi ánh nắng mặt trời, tia UV và cả cái lạnh. Thay vào đó, loại vải được khuyên dùng nhất cho rèm cửa là vải dày và không trong suốt.
3. Sợi thuỷ tinh
Sợi thủy tinh là vật liệu gồm nhiều sợi thủy tinh cực kỳ mỏng, mịn và nhẹ được tạo thành từ việc gia nhiệt từ Silicat hay thủy tinh tái chế ở nhiệt độ 1500oC – 1700oC và kéo thành từng sợi với đường kính chỉ từ 4 – 34 μm. Những sợi thủy tinh rất mịn được làm thành từng tấm, dạng vải, lưới hoặc có thể đúc khuôn thành nhiều hình dạng kiểu dáng nên nó có tính ứng dụng cao. Sợi thủy tinh dần trở thành giải pháp thay thế cho loại vật liệu truyền thống như thép, nhôm, gỗ, bê tông…
Trong thiết kế nội thất, đồ gia dụng làm bằng sợi thuỷ tinh đem lại công dụng cách nhiệt, cách âm và cách điện tốt. Khi sợi thủy tinh kết hợp với những vật liệu khác sẽ tạo ra sản phẩm có độ bền lý tưởng và được dùng làm vật liệu cách âm cho nhà ở, văn phòng, quán karaoke…
Hiện nay ngoài ứng dụng vào ngành công nghiệp nặng, sợi thuỷ tinh còn được ứng dụng rộng rãi trong thiết kế nội thất như bàn ghế, tủ bếp, bồn tắm. Bên cạnh đó, chất liệu này còn được dùng làm vật liệu gia cố tường, trần và vách thạch cao để tạo ra tính năng chống cháy, chịu nhiệt, chống ẩm mốc, chống giãn cho các sản phẩm.