Bên cạnh những bậc phụ huynh coi trọng đến việc đồng hành cùng con cái thì vẫn có người không mấy quan tâm tới thế giới nội tâm của con mình. Điều này dẫn tới có không ít những đứa trẻ thiếu thốn tình cảm của bố mẹ, chúng là một người rất nhạy cảm và dễ bị tổn thương.
Một đứa trẻ lúc nào cũng thích phản kháng, đối đầu với bố mẹ, thực ra chúng làm như vậy là để thu hút sự chú ý của bố mẹ mình. Chúng hy vọng bố mẹ có thể quan tâm tới cảm xúc của mình hơn. Những điều này thực ra là do bố mẹ đã không cùng đồng hành với con cái trong quá trình chúng phát triển. Những đứa trẻ thiếu thốn tình cảm chỉ cần nhìn thoáng qua là bạn có thể nhận ra được, chúng thường có những biểu hiện sau:
1. Trẻ không thích giao tiếp, nhút nhát
Đối với một đứa trẻ, gia đình là nơi an toàn nhất. Những đứa trẻ có sự đồng hành, chia sẻ, tương tác nhiều từ bố mẹ sẽ luôn cảm thấy an toàn, tự tin, mạnh mẽ, tính tình vui vẻ.
Ngược lại, những đứa trẻ nhút nhát, ngại giao tiếp, không thích kết bạn, sống nội tâm lúc nào cũng có cảm giác bất an trong lòng. Khi gia đình không đủ bao dung và quan tâm tới trẻ, chúng luôn cảm thấy sợ hãi trước bất cứ những gì mình làm. Với tính cách này, trẻ ngày càng thu mình lại, không dám kết bạn vì sợ bị từ chối nên sẽ chọn cách tự chơi một mình.
2. Trẻ bướng bỉnh
Những đứa trẻ thiếu thốn tình cảm của bố mẹ thường rất giỏi ngụy trang việc mình dễ bị tổn thương bằng hành động bướng bỉnh, không nghe lời. Thông thường, những đứa trẻ này sống trong môi trường bố mẹ đã ly hôn hoặc quá bận rộn với công việc mà ít quan tâm tới con cái.
Trẻ thường tỏ ra mình bướng bỉnh, bất cứ câu nói nào của bố mẹ cũng đều bị phản bác, bắt bẻ lại. Chúng cũng có biểu hiện bất cần, không quan tâm đến người khác, nhưng tất cả chỉ là một "vỏ bọc" che giấu việc mình thiếu tình thương của bố mẹ.
3. Trẻ đặc biệt quan tâm tới cảm xúc của người khác
Mặc dù việc quan tâm tới cảm xúc của người khác trong một số trường hợp là điều nên làm. Nhưng có một số đứa trẻ lúc nào cũng chỉ nghĩ về người khác, lo sợ người ta đánh giá về mình. Chúng thường rất thiếu tự tin, ít giao du kết bạn, đây chính là những biểu hiện của việc thiếu thốn tình thương. Vì thiếu thốn tình thương của bố mẹ nên trẻ có xu hướng khao khát muốn làm cho đối phương vui vẻ, hạnh phúc, dù đó là tình bạn hay tình yêu đi chăng nữa.
Để trẻ cảm thấy luôn được yêu thương, bố mẹ nên làm gì?
Sự đồng hành của bố mẹ không phải là lúc nào cũng bên cạnh con cái mà còn có những kỹ năng riêng.
- Khuyến khích và khen ngợi trẻ nhiều hơn
Bố mẹ đừng bao giờ keo kiệt những lời khen với con mình. Một số bố mẹ cho rằng, khen con nhiều quá sẽ khiến chúng tự mãn, không coi ai ra gì. Nhưng một vài lời khen không thể nào khiến cho trẻ trở nên tự tin thái quá.
Ngược lại, nếu bố mẹ đè nén sự tin của trẻ, hoặc đặt ra những mục tiêu cao vời mà trẻ không thể thực hiện được, chúng sẽ dần nghĩ mình không có khả năng và trở nên cực đoan hơn.
Một lời khen ngợi ở mức độ vừa phải, đúng lúc đúng chỗ sẽ trở thành động lực khiến trẻ trở nên tự tin hơn, ngày càng tiến bộ.
- Dành nhiều thời gian quan tâm và đồng hành cùng trẻ
Trong quá trình lớn lên của một đứa trẻ không thể thiếu đi sự đồng hành của bố mẹ. Nhiều bố mẹ cứ viện cớ bận rộn công việc không quan tâm tới con cái, nhưng lại có thời gian để chơi game, nhậu nhẹt, đi chơi bên ngoài…
Những gia đình có điều kiện thì phó thác mọi thứ cho bảo mẫu hoặc người giúp việc. Liệu rằng những người này có thực sự thay thế được tình mẫu tử, tình cha con? Có một số giai đoạn quan trọng trong cuộc đời của con cái mà khi để trôi qua rồi, bố mẹ dù có hối hận cũng không thể cứu vãn được. Vì vậy, dù bận rộn hay mệt mỏi, vì bạn đã đưa con mình đến với thế giới này thì phải có trách nhiệm.
- Tạo cho trẻ sự tự tin
Đối với một đứa trẻ, việc chúng có tự tin hay không đều do bố mẹ quyết định. Khi trẻ cảm thấy mình được yêu thương, chúng sẽ trở nên tự tin, rộng lượng, dũng cảm. Vì vậy, là bố mẹ, chúng ta cần phải thể hiện mình là người luôn luôn yêu thương con. Thỉnh thoảng, bố mẹ có thể thủ thỉ với con mình rằng: "Dù con sau này có ra sao đi chăng nữa thì tình yêu mà bố mẹ dành cho con vẫn không bao giờ thay đổi". Nguồn: Sohu, 163